Thừa Thiên - Huế: Nhộn nhịp làng nghề đúc đồng dịp cuối năm
Phường Đúc có tên gọi khác là “Năm dây thợ Đúc” gồm: Giang Dinh, Giang Tiến, Kinh Nhơn, Bổn Bộ và Trường Đồng. Được hình thành từ những năm 1630 khi chúa Nguyễn Phúc Nguyên đồng ý cho xây dựng ở phía Nam sông Hương một Sở đúc đồng đầu tiên với tên gọi “Chú tượng Kinh nhơn Ty”, nhằm phục vụ cho việc đúc các đồ dùng trong cung cấm và đúc tiền theo lệnh vua.
Một trong số nghệ nhân nổi tiếng, gắn liền với danh hiệu phường Đúc ngày nay được nhiều người biết đến là ông Nguyễn Văn Sính. Ông Sính thuộc đời thứ 12 của dòng họ sáng lập nên nghề đúc đồng truyền thống xứ Huế. Dẫn chúng tôi đi tham quan phường Đúc đang rộn rã tiếng đục đẽo bên những lò đúc đỏ bừng lửa, ông Sính cho biết: “Trải qua mấy trăm năm, đến nay phường Đúc có khoảng 60 lò đúc với gần 200 nghệ nhân lẫn thợ làm nghề. Đây được xem là “cái nôi” đào tạo nghề đúc đồng lớn nhất miền Trung và cho ra đời những sản phẩm đồ đồng nổi tiếng khắp nước, đặc biệt là các loại chuông đồng...”.
Người thợ đúc đồng ở “phường Đúc” cần mẫn gia công chiếc chuông lớn vừa ra lò. |
Ông Sính kể, là người kế nghiệp gia tộc nên từ năm 17 tuổi, ông đã là một thợ đúc đồng vững tay nghề. Qua nhiều năm bám nghề, kỹ năng đúc các đồ vật được ông Sính tôi luyện đạt đến đỉnh cao. Bằng chứng là chiếc chuông đồng nặng 6 tấn hiện được thờ tại chùa Bát Nhã (huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu); bức tượng đồng Đức Thánh Trần (Trần Hưng Đạo), cao 10m, nặng 22 tấn, hiện đặt tại Công viên Vị Hoàng (tỉnh Nam Định) đều do ông Sính và đội thợ phường Đúc đúc thành công. Đặc biệt là chiếc Đại hồng chung (nặng 30 tấn; cao 5,4m; đường kính 3,4m) được đội thợ của ông Sính làm việc ròng rã suốt 20 ngày đêm để hoàn thành đúng vào dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội (2010), đã trở thành chiếc chuông đồng lớn nhất Đông Nam Á lúc bấy giờ…
Với quyết tâm xây dựng phường Đúc trở thành làng nghề truyền thống lớn nhất Huế và khu vực miền Trung, ông Sính lần lượt dẫn dắt các con mình cùng nhiều trai tráng trong thôn đi theo.... “nghiệp” đúc đồng. Lần lượt tốt nghiệp ngành cơ khí chế tạo tại các trường đại học: Bách Khoa Hà Nội và Bách Khoa Đà Nẵng, sau khi ra trường, hai con trai của ông Sính là Nguyễn Phụng Sơn và Nguyễn Trường Sơn đã mở 2 cơ sở đúc đồng, tạo công ăn việc làm cho hàng chục thanh niên vốn thất nghiệp trên địa bàn. Từ đây, nhiều thanh niên đã bỏ thói chơi bời, phá phách để chuyên tâm học nghề đúc đồng…
Những ngày cuối năm này, khi nhu cầu mua sắm các vật dụng bằng đồng tăng cao thì cũng là lúc làng nghề phường Đúc rộn ràng và nhộn nhịp hơn bao giờ hết. Nằm trong một con hẻm nhỏ cách UBND phường Đúc không xa, cơ sở đúc đồng của anh Nguyễn Phụng Sơn inh ỏi tiếng đục đẽo, gõ búa “làm nguội” những sản phẩm bằng đồng, lẫn tiếng cười nói.
Vừa đẽo gọt để làm nhẵn phần mặt trên chiếc chuông đồng mới cho ra lò, anh Nguyễn Văn Lộc (35 tuổi), thợ cả của xưởng đúc cho biết: “Cuối năm, có rất nhiều cơ sở đến đặt các sản phẩm về đồ đồng. Đặc biệt, nhiều công ty còn đặt chuông lớn, tượng phật lớn để cúng cho các chùa nhằm xin lộc đầu năm. Vì thế mà công việc của anh em rất nhiều, có khi làm đến tối mịt mới về nhà, nhưng ai nấy đều rất vui”.
Hiện, đội thợ của anh Lộc có trên 20 người, trong đó có nhiều thanh niên đến học nghề đã được 4 năm. Anh Hoàng Trọng Trường, một thợ gắn bó suốt 10 năm ở xưởng đúc đồng này chia sẻ: “Nghề đúc đồng rất vất vả, cực nhọc và chỉ có những người yêu nghề mới bám trụ lại được. Bên cạnh đó, đòi hỏi người thợ phải có tay nghề, kỹ thuật cao thì mới bắt các khối kim khí nặng hàng chục tấn ngân vang được. Tuy nhiên, “công nào của đó”, nhờ nghề mà tui nuôi được 2 con ăn học lên đến đại học anh à…”.
Theo ông Sính, hiện cái khó nhất mà ông đang băn khoăn chính là việc tìm ra hướng đi mới để bảo tồn làng nghề. “Thế hệ trẻ ngày càng không mấy mặn mà với nghề đúc đồng vốn nhiều cực nhọc và gian nan này. Bởi thế, khi các nghệ nhân già không còn nữa thì nguy cơ mai một nghề là rất lớn...”, ông Sính bày tỏ sự lo lắng