Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trì phiên họp thường kỳ tháng 6 của Chính phủ

Thứ Hai, 03/07/2006, 07:36

Ngày 30/6 và 1/7, ngay sau Lễ bàn giao trọng thể giữa nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải và Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Chính phủ tiếp tục phiên họp thường kỳ tháng 6 dưới sự điều khiển của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, các Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm, Nguyễn Sinh Hùng, Trương Vĩnh Trọng.

Các thành viên Chính phủ thảo luận và cho ý kiến về Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội tháng 6 và 6 tháng đầu năm 2006, các giải pháp chủ yếu trong 6 tháng cuối năm; báo cáo về tình hình thương mại 6 tháng và tình hình đàm phán vào Tổ chức Thương mại thế giới (WTO); báo cáo kiểm điểm chỉ đạo điều hành 6 tháng đầu năm và chương trình công tác 6 tháng cuối năm 2006.

Trong thế đi lên

Có thể nói, trong 6 tháng qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã tập trung chỉ đạo quyết liệt các Bộ, ngành, địa phương thực hiện chương trình công tác đã ban hành; đẩy mạnh huy động vốn đầu tư phát triển, nâng cao hiệu quả đầu tư, chống thất thoát trong đầu tư xây dựng cơ bản; đẩy mạnh xã hội hoá các mặt công tác xã hội; ứng phó kịp thời, có hiệu quả những biến động bất lợi về giá cả thị trường, thiên tai và dịch bệnh; tiếp tục thực hiện Chương trình cải cách hành chính, phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm… nên nền kinh tế nước ta đạt mức tăng trưởng khá cao, ước đạt 7,4%.

Nước ta đã kết thúc đàm phán song phương với các nước và triển khai việc đàm phán đa phương với các tổ chức quốc tế để có thể gia nhập WTO vào cuối năm nay. 6 tháng đầu năm 2006, tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt hơn 18.728 triệu USD, tăng 25,7% so với cùng kỳ.

Thực hiện vốn đầu tư phát triển toàn xã hội 6 tháng đầu năm 2006 ước đạt 173,4 nghìn tỷ đồng, bằng 46% kế hoạch năm, tăng 21,5% so với cùng kỳ năm 2005 và bằng 40,6% GDP, nhất là vốn khu vực dân cư và đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng khá. Số vốn cấp phép mới và tăng thêm đạt 2.845 triệu USD, vốn đầu tư nước ngoài thực hiện trong 6 tháng ước đạt 1.850 triệu USD, tăng 17,7% so với cùng kỳ.

Tính chung 6 tháng đầu năm, chỉ số giá tăng 4%, thấp hơn so với cùng kỳ năm 2005; 72 vạn người được giải quyết việc làm.

Những yếu kém còn tồn tại

Do điều kiện khó khăn về thời tiết, khí hậu và ảnh hưởng của dịch bệnh, tốc độ tăng giá trị sản xuất ngành nông, lâm, ngư nghiệp 6 tháng đầu năm 2006 còn tăng thấp hơn so với cùng kỳ năm trước.  Một số mặt hàng công nghiệp gặp khó khăn trong sản xuất, kinh doanh. Dịch lở mồm long móng vẫn chưa được khắc phục triệt để. Thực hiện vốn đầu tư toàn xã hội chưa đạt kế hoạch đề ra. Nguyên nhân chủ yếu là do việc hoàn tất thủ tục đầu tư còn chậm, công tác giải phóng mặt bằng gặp nhiều khó khăn, không đáp ứng tiến độ thi công của dự án.

Vụ việc PMU 18 cũng tác động xấu đến tiến độ triển khai thực hiện dự án. Thị trường trong nước còn tiềm ẩn những yếu tố gây biến động giá, nhất là giá xăng dầu và những vật tư đầu vào chủ yếu, ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống nhân dân. Một số vấn đề về xã hội còn nhiều khó khăn, nhất là giải quyết việc làm; đời sống của người dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng dễ bị ảnh hưởng của thiên tai còn nhiều khó khăn...

Tình hình tai nạn giao thông vẫn diễn biến phức tạp; nhiều vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng vẫn liên tiếp xảy ra. Tính chung cả 5 tháng đầu năm xảy ra 6.427 vụ tai nạn, làm chết 5.486 người, so với cùng kỳ năm trước giảm 27 vụ (0,4%), nhưng số người chết tăng 556 người (11,3%). Bình quân mỗi ngày có 43 vụ tai nạn, 36 người chết và 33 người bị thương. Nguyên nhân của tình hình trên chủ yếu do ý thức của người tham gia giao thông chưa được nâng cao, đi trái phần đường, không làm chủ tốc độ...

Những giải pháp trọng tâm

Trong 6 tháng cuối năm, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các thành viên Chính phủ sẽ chú trọng đẩy mạnh phát triển sản xuất kinh doanh, nâng cao tốc độ tăng trưởng; khẩn trương ban hành đầy đủ các văn bản hướng dẫn và tổ chức thực hiện tốt Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư; tiếp tục rà soát, xóa bỏ ngay các quy định không phù hợp, gây cản trở cho các hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh, nhất là các "giấy phép con"...

Tăng cường quá trình cải cách doanh nghiệp Nhà nước; tập trung tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp ngoài quốc doanh phát triển. Tiếp tục khuyến khích chuyển hướng sang chăn nuôi tập trung, khôi phục nhanh đàn gia súc, gia cầm sau dịch bệnh vừa qua. Chủ động phòng chống thiên tai, hạn chế thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra đối với sản xuất nông nghiệp và đời sống nhân dân.

Tăng cường hơn nữa công tác xúc tiến thương mại, mở rộng các thị trường truyền thống, đồng thời tìm kiếm thị trường xuất khẩu mới. Đẩy mạnh công tác dự báo xu thế thị trường, đặc biệt là ở những thị trường lớn. Chính phủ sẽ chỉ đạo các Bộ, ngành chức năng đẩy mạnh việc cung cấp thông tin thị trường, trợ giúp xúc tiến thương mại cho các doanh nghiệp.

Chủ động, tích cực chuẩn bị gia nhập WTO và thực hiện các cam kết quốc tế có hiệu quả; rà soát, hoàn thiện các cơ chế, chính sách bảo đảm môi trường kinh doanh bình đẳng, thống nhất cho các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế, không phân biệt doanh nghiệp trong nước và nước ngoài; tích cực chuẩn bị tốt Hội nghị cấp cao APEC vào cuối năm.

Ổn định các cân đối vĩ mô, kiềm chế tốc độ tăng giá... Quy định rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân, tư vấn thiết kế, giám sát thi công, nhà thầu khi tham gia xây dựng công trình.

Giải quyết hiệu quả một số vấn đề xã hội bức xúc và đẩy mạnh hoạt động xoá đói, giảm nghèo... Đẩy mạnh cải cách hành chính; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; tăng cường công tác phòng, chống tham nhũng... Đẩy nhanh tiến độ xử lý các vụ việc vi phạm và đơn thư khiếu kiện của người dân nhằm nâng cao hiệu lực của môi trường pháp lý và ý thức chấp hành các quy định của pháp luật. Tập trung xử lý nhanh, đúng người, đúng tội các vụ án trọng điểm; có kết luận sớm về vụ việc tiêu cực ở PMU 18 để thông báo cho các nhà tài trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho Hội nghị CG cuối năm 2006.  Các Bộ, ngành và địa phương xây dựng Chương trình hành động cụ thể thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng và Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí...

Kết luận phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, các Bộ trưởng, Thủ trưởng các cơ quan ngang Bộ, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước dành thời gian tập trung chỉ đạo các công việc; kịp thời phát hiện tháo gỡ khó khăn; phấn đấu hoàn thành thắng lợi, vượt mức nhiệm vụ kế hoạch năm 2006...

PV
.
.
.