Thu phí xe hơi vào trung tâm TP HCM: Ý tưởng khó khả thi

Thứ Tư, 18/11/2009, 15:15
Đề xuất thu phí sử dụng giao thông tự động đối với xe hơi đi vào khu vực trung tâm thành phố (địa bàn quận 1 và quận 3) nhằm mục đích điều tiết, giảm thiểu kẹt xe tại khu vực này do Công ty CP Công nghệ Tiên Phong đưa ra tuy mới chỉ dừng lại ở mức… ý tưởng, song đã bộc lộ nhiều bất hợp lý và khó khả thi.

Không nộp phí sẽ bị xử phạt?

Để thực hiện thu phí điều tiết giao thông (ERP) cho khu vực trung tâm thành phố, Công ty CP Công nghệ Tiên Phong đã đề xuất giải pháp kỹ thuật gồm thiết bị thanh toán phí lắp trên xe (OBU); hệ thống thiết bị thu phí tự động trên đường; hệ thống điều khiển trung tâm và hệ thống kết nối với ngân hàng.

Theo đó, khách hàng muốn đi xe hơi vào khu vực quận 1, quận 3 sẽ phải mua thẻ tài khoản trả trước tại Ngân hàng Vietinbank. Mỗi lần điều khiển xe hơi qua trạm để vào khu vực phải trả phí, thiết bị tự động sẽ trừ tiền trong thẻ tài khoản của khách hàng gắn trên OBU…

Về mức thu và chế tài xử lý đối với biện pháp này, ông Lâm Thiếu Quân, Tổng Giám đốc Công ty CP Công nghệ Tiên Phong đã đưa ra biện pháp: Mức thu phí sẽ được tính từng lần tuỳ giờ cao điểm hoặc thấp điểm và do HĐND thành phố quyết định.

Một vụ kẹt xe ôtô ngoài phạm vi khu vực đề xuất thu phí. Ảnh: Đ.T..

Những xe vào khu vực trung tâm mà không có OBU, hệ thống camera lắp tại các trạm sẽ nhận dạng biển số, ghi hình xe vi phạm rồi chuyển về hệ thống điều khiển trung tâm. Sau đó, thông tin này được gửi đến lực lượng CSGT lưu động bằng… điện thoại di động để xử phạt vi phạm tại hiện trường (?!).

Tuy nhiên, theo chúng tôi được biết, thì cho tới nay, lực lượng CSGT chưa từng được giao nhiệm vụ xử phạt đối với xe hơi không nộp phí sử dụng giao thông. Nếu muốn CSGT có quyền phạt "nguội" đối với chế tài này của địa phương thì Luật GTĐB và hàng loạt văn bản dưới luật sẽ phải sửa!

Theo một cán bộ của Viện Nghiên cứu phát triển thành phố cho biết, đây mới chỉ là ý tưởng của Công ty CP Tiên Phong, sau khi được UBND thành phố chấp thuận, Viện mới tiến hành nghiên cứu khả thi. Trong đó phải làm rõ được vấn đề xe hơi có phải là nguyên nhân gây kẹt xe tại trung tâm hay không; trước khi chọn tuyến để đặt trạm thu phí tự động, phải tiến hành đo lưu lượng xe trên từng tuyến mới có thể biết kẹt xe tới đâu… Thậm chí, phải khảo sát xem tâm lý người dân phản ứng lại việc thu phí xe hơi vào trung tâm ra sao nữa mới có thể xây dựng thành đề án.

Khó hiệu quả khi dự án chỉ mang tính cưỡng bức

Chưa kể đến việc nếu được phép dừng đối với những xe hơi không chấp hành nộp phí để truy thu hoặc phạt nguội chắc chắn sẽ gây ùn tắc giao thông. Mỗi ngày có cả chục ngàn lượt xe con ra vào khu vực trung tâm, đơn vị được giao thu phí và lực lượng thực hiện chế tài xử phạt sẽ làm không xuể…

Bởi thực tế đã cho thấy, tại khu vực quận 1, chỉ với hơn chục điểm cho phép đậu xe ôtô có thu phí hiện tại, quận này đã phải sử dụng tới 124 người thuộc lực lượng Thanh tra xây dựng luân phiên làm nhiệm vụ hướng dẫn xe ôtô đậu đúng vị trí rồi thu phí.

Ngay cả việc tổ chức gắn thiết bị cho chủ xe; tổ chức bán thẻ tài khoản; cho thuê thiết bị OBU… đối với những xe không thường xuyên vào khu vực trung tâm sẽ được đơn vị được giao thu phí triển khai ra sao cũng chưa được tính đến.

Mặt khác, theo quan điểm của ông Lê Hồng Việt, Phó Chánh thanh tra Sở GTVT: Nếu đã thực hiện thu phí đối với xe hơi vào khu vực trung tâm thì chỉ trừ xe công vụ và cũng phải thu phí cả với xe taxi.

Tuy nhiên, ông Phan Thái Bình, Tổng Thư ký Hiệp hội Taxi thành phố lại cho rằng, hoạt động vận tải khách bằng taxi là loại hình vận tải hành khách công cộng nên khi thu phí giao thông cần phải xem xét đến khía cạnh này. Hơn nữa, taxi ra vào khu vực trung tâm thường xuyên, nếu mỗi lần đón khách ra vào đều phải trả phí, tài xế và doanh nghiệp sẽ không gánh nổi.

Trong lúc nhiều tuyến đường nội thành không được mở rộng, cao ốc văn phòng cho doanh nghiệp thuê cứ liên tục mọc lên ở khu vực trung tâm; các hoạt động hành chính, thương mại, kinh tế tâm điểm của thành phố vẫn dồn về, bó hẹp tại khu trung tâm đã kéo theo hàng chục ngàn lượt xe hơi có nhu cầu ra vào khu vực này mỗi ngày… thì nhìn lại, cho tới nay thành phố vẫn chưa thể hoàn thiện nổi một bãi đậu xe ngầm.

Anh Hùng, Giám đốc một doanh nghiệp thường di chuyển bằng xe hơi tại khu vực trung tâm thành phố nhận xét: Những người sử dụng xe ôtô cá nhân đi lại hàng ngày đều là người khá giả do đi xe hơi riêng chi phí cao gấp nhiều lần so với việc di chuyển bằng taxi.

Vì ngoài tiền xăng, tiền trả lương tài xế, bảo dưỡng còn phải chịu khoản khấu hao xe có khi lên tới cả chục triệu đồng/tháng… thì việc chi trả một vài chục ngàn tiền phí vào trung tâm là không đáng kể. Những người có thu nhập cao vẫn sử dụng xe hơi cá nhân, nhất là trong điều kiện đường sá khói bụi, kẹt xe hiện nay.

Đây không phải là lần đầu TP HCM đề xuất hoặc cho áp dụng biện pháp mang tính chất "cưỡng bức về tài chính" đối với chủ xe. Song, các biện pháp thành phố đã triển khai nhằm hạn chế phát triển xe ôtô cá nhân đều đã tỏ ra không hiệu quả. Bằng chứng là "cấm thì cứ cấm, thu thì cứ thu", số lượng xe hơi cá nhân tại thành phố vẫn liên tục tăng một cách chóng mặt suốt những năm qua, hiện đã chiếm gần một nửa trong tổng số ôtô đăng ký biển số thành phố với số lượng gần 200 ngàn xe.

Đức Thắng
.
.
.