Thủ phạm vụ buôn lậu ngà voi đã khai những gì sau khi đầu thú?

Thứ Bảy, 05/03/2005, 07:27

Sau khi đầu thú ngày 26/2/2005, Thịnh khai nhận anh ta chỉ nhận nhập uỷ thác cho A.Giang, một đối tác làm ăn người Trung Quốc, một container cá khô biển từ châu Phi về Việt Nam sau đó tái xuất sang Trung Quốc và được hứa trả công 2.000USD chứ không hề biết đó là ngà voi! 

15h ngày 26/2/2005, Nguyễn Văn Thịnh, Giám đốc công ty cổ phần XNK Đức Minh, đối tượng bị truy nã trong vụ buôn lậu 276 chiếc ngà voi, đã đến đầu thú tại trụ sở Cục CSĐT tội phạm về trật tự xã hội. 20h cùng ngày Thịnh được đưa về tạm giam tại trại T16 Bộ Công an. Sau hơn hai tháng trốn truy nã, sống vạ vật trong các nhà trọ ở Bắc Giang, trông Thịnh khá mệt mỏi vì luôn sống trong căng thẳng, tới mức khi vợ mua cho đĩa cơm bảo ăn, anh ta cũng vâng dạ.

Sinh năm 1961, sau khi tốt nghiệp Đại học Tài chính kế toán, Thịnh từng làm nhân viên ở Tổng Công ty Xi măng Việt Nam. Tới năm 1993, vợ chồng Thịnh lập Công ty TNHH Kiều Mây. Năm 2002, Thịnh lập tiếp Công ty Cổ phần Đức Minh chuyên nhập khẩu phụ tùng xe, máy xây dựng của Nhật, Hàn Quốc, Đức về bán cho các doanh nghiệp trong ngành xi măng và xây dựng.

Theo lời Thịnh, từ hai năm nay, do bị huyết áp cao thường xuyên phải uống thuốc nên anh ta không dám nhậu, thú vui khiến Thịnh tốn kém nhất là chơi đề nhưng toàn thua. Là dân làm ăn nên vợ chồng Thịnh khá mê tín, và tin vào số mệnh, năm nào cũng đi đền Bà Chúa Kho. Thịnh nói mấy tháng trước khi xảy ra vụ ngà voi, một ông thày đã bảo có hạn “nhưng chưa kịp giải thì đã bị rồi”. Mấy tháng lẩn trốn, thấy trước sau gì cũng bị công an bắt bởi đã có lệnh truy nã toàn quốc nên Thịnh quyết định ra đầu thú. Bây giờ chỉ mong pháp luật xem xét khoan hồng, vì theo lời Thịnh, anh ta hoàn toàn không biết gì về vụ này.

Theo lời khai ban đầu của Nguyễn Văn Thịnh tại Cơ quan Điều tra: Đầu năm 2004, A.Giang người Quảng Đông - Trung Quốc đến Công ty Đức Minh liên hệ chung vốn buôn bán phụ tùng xe, máy xây dựng, tuy nhiên do chưa thống nhất nên chưa hợp tác gì. Tháng 9/2004, A.Giang lại đến đặt vấn đề nhờ Công ty Đức Minh nhập ủy thác cho anh ta một container cá khô biển từ châu Phi về Việt Nam sau đó tái xuất sang Trung Quốc. A.Giang sẽ trả công cho Thịnh 2.000 USD.

Cuối tháng 11/2004, container hàng cập cảng Hải Phòng. Ngày 2/12, A.Giang đến gặp Thịnh, sau đó cả hai xuống Hải Phòng làm thủ tục nhận hàng. Tại cảng Hải Phòng, khi mở container, hai cán bộ Hải quan chỉ kiểm tra chừng 5 phút rồi cho đóng lại và kẹp chì chứ không đưa bao hàng nào ra khỏi container. Sau khi thông quan, với lý do có một số bao tải hàng cá bị hỏng, A.Giang đề nghị chở container hàng về Hà Nội rồi mở ra giải phóng số cá hỏng. Thịnh đồng ý với Giang thuê xe chở container này về Hà Nội và bảo Giang khi nào về gần đến Hà Nội thì gọi điện để Thịnh thuê địa điểm xuống hàng.

Sáng ngày 3/12, lái xe container gọi điện cho Thịnh thông báo đã chở container về tới khu công nghiệp Phú Thị, Gia Lâm và hỏi Thịnh sẽ bốc hàng ở đâu. Khi đó, Thịnh đã đến khu vực xây dựng nhà xưởng của Công ty TNHH Đô Thành trong khu công nghiệp Phú Thị để liên hệ gửi container và thuê xe cẩu đến cẩu container xuống. Thịnh cũng liên lạc với Huy (lái xe của Công ty Cường Hậu) hẹn chiều ngày hôm đó đến khu công nghiệp Phú Thị chở hàng. Khi xe cẩu đến, Thịnh đưa tiền cho Trọng là lái xe riêng ở lại thanh toán tiền cẩu, còn Thịnh tự lái xe về công ty. Sau khi hàng được cẩu xong, Thịnh yêu cầu Trọng xuống Hải Phòng lấy lại 1 triệu đồng tiền đặt cọc container với hãng vận tải.

Khoảng 10h, khi biết container đã được chở về Phú Thị, Gia Lâm, A.Giang nhờ Thịnh đi mua một số bao tải dứa và thuê cửu vạn để chiều hôm đó dỡ hàng. Thịnh đưa 200 nghìn đồng cho Thanh để mua 50 chiếc bao tải dứa. Đến 14h cùng ngày, A. Giang cùng một người đàn ông đi ôtô đến đón Thịnh cùng 3 cửu vạn đến địa điểm dỡ hàng. Sau khi dỡ hàng xong, A. Giang nhờ Thịnh cho gửi số hàng vừa dỡ tại trụ sở công ty của Thịnh tại 164B Nguyễn Văn Cừ. Thịnh đồng ý và gọi cho Huy là lái xe của Công ty Cường Hậu đến chở hàng về.

Sau khi giao cho một nhân viên áp tải hàng, Thịnh cùng A. Giang đi trước về trụ sở công ty. Thịnh không vào công ty và không về nhà ngay mà đến Láng Hạ... xông hơi. Do biết vợ đi lễ tại đền Bà Chúa Kho nên 23 giờ đêm Thịnh mới về nhà tại số 7, ngách 40, ngõ Thống Nhất, phố Đại La, phường Trương Định, quận Hai Bà Trưng. Gần 24h cùng ngày, A. Giang gọi điện cho Thịnh thông báo lô hàng để tại công ty Thịnh là ngà voi và đã bị công an thu giữ. Biết tin “dữ”, 2 giờ sáng ngày 4/12, Thịnh cùng Thái là cổ đông của công ty đi xe máy sang Gia Lâm. Đến gần 164B Nguyễn Văn Cừ, thấy công an đang làm thủ tục bắt giữ lô hàng, Thịnh bảo Thái đi về trước còn mình thì luẩn quẩn phía ngoài công ty, sau đó Thịnh bỏ trốn đến ngày 26/2/2005 thì ra đầu thú. Do hàng bị bắt nên A.Giang chưa trả Thịnh 2.000USD tiền công.

Hiện Cơ quan Điều tra đang tiến hành điều tra, xác minh lời khai của Nguyễn Văn Thịnh và sẽ làm rõ hành vi của anh ta và những người liên quan

Nguyễn Thiêm
.
.
.