Thú lạ xuất hiện tại Lâm Đồng là báo hoa mai

Thứ Bảy, 21/09/2013, 09:50
Sáng 20/9, UBND thị trấn Liên Nghĩa, huyện Đức Trọng (tỉnh Lâm Đồng) đã ra văn bản thông báo tới tất cả các hộ dân khuyến cáo người dân cần nâng cao ý thức cảnh giác trước việc báo hoa mai xuất hiện trong đô thị gây hoang mang dư luận thời gian qua.

Theo ông Vũ Gia Huấn, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Đức Trọng cho biết, qua kiểm tra hiện trường, lực lượng chức năng đã xác định được những dấu chân để lại tại tổ 59, thị trấn Liên Nghĩa, huyện Đức Trọng vừa qua gây hoang mang trong dư luận chính là báo hoa mai. “Vẫn chưa tận mắt chứng kiến con báo nhưng qua những vết chân để lại tại hiện trường, thì có thể thấy, dấu chân thú lạ được phát hiện tại tổ 59, thị trấn Liên Nghĩa và ở xã Liên Hiệp là của báo hoa mai và những dấu chân này của hai con để lại” - ông Huấn nói.

Việc xuất hiện báo hoa mai trong khu đô thị Liên Nghĩa bắt hàng loạt gà, vịt, ngan… thậm chí cả chó của người dân đang gây hoang mang trong các khu dân cư.

Báo hoa mai xuất hiện bắt gà, vịt… và cả chó khiến người dân hoang mang.

Theo nhận định ban đầu của ông Vũ Gia Huấn, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Đức Trọng, khả năng hai con báo này đã từ vùng rừng núi giáp ranh giữa tỉnh Lâm Đồng và Bình Thuận, băng qua các xã Đà Loan, Hiệp Thạnh, lên thị trấn Liên Nghĩa. Hiện Hạt Kiểm lâm huyện Đức Trọng đang phối hợp với các cơ quan chức năng tăng cường tuần tra, tìm kiếm hai cá thể báo, đồng thời cảnh báo người dân nâng cao ý thức cảnh giác.

Trước đó, sau khi nhận được tin báo, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Lâm Đồng đã tiến hành lấy mẫu dấu chân bằng phương pháp đúc thạch cao và gửi Vườn quốc gia Cúc Phương (Ninh Bình) phân tích. Kết quả phân tích cho thấy, đây là dấu chân của hai con báo hoa mai, con lớn cao khoảng 80-100cm, con nhỏ có chiều cao từ 50-60cm.

Trong khi cơ quan chức năng đang vào cuộc thì vào lúc 2h ngày 20/9, tại gia đình anh Nguyễn Văn Quý (thôn Nghĩa Hiệp, xã Liên Hiệp), báo hoa mai tiếp tục xuất hiện bắt cùng lúc 6 con ngan trong chớp mắt. Báo hoa mai là loài thú ăn thịt lớn thuộc họ mèo, được xếp vào nhóm IB - động vật rừng nghiêm cấm khai thác, sử dụng vì mục đích thương mại

Văn Thành
.
.
.