Thông qua Pháp lệnh bảo vệ công trình quan trọng về ANQG

Thứ Năm, 19/04/2007, 07:53
Sáng qua (18/4), Uỷ ban Thường vụ Quốc hội biểu quyết thông qua Pháp lệnh Bảo vệ công trình quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia (ANQG).

Đây là dự án Pháp lệnh được Chính phủ giao Bộ Công an chủ trì soạn thảo và đã trình UBTV Quốc hội tại phiên họp thứ 46. Căn cứ ý kiến của UBTV Quốc hội, Ủy ban Quốc phòng và An ninh cùng ban soạn thảo tổ chức nghiên cứu, chỉnh lý một số nội dung trong dự thảo Pháp lệnh trước khi UBTV Quốc hội biểu quyết, thông qua tại phiên họp lần này.

Pháp lệnh xác định: Bảo vệ công trình quan trọng liên quan đến ANQG là trách nhiệm của toàn dân, của cơ quan, tổ chức quản lý công trình, của lực lượng bảo vệ, trong đó lực lượng bảo vệ Công an, Quân đội làm nòng cốt.

Công trình quan trọng liên quan đến ANQG được đầu tư bằng 100% vốn từ ngân sách Nhà nước thì kinh phí dành cho công tác bảo vệ được bảo đảm theo quy định của Chính phủ. Công trình quan trọng về ANQG được đầu tư bằng các nguồn vốn không thuộc ngân sách Nhà nước thì được bảo đảm kinh phí hoạt động cho lực lượng Công an, Quân đội, riêng kinh phí bảo vệ của cơ quan, tổ chức, cá nhân được Nhà nước hỗ trợ một phần.

Một vấn đề lớn từng có nhiều ý kiến tham gia khi soạn thảo dự án Pháp lệnh: Tiêu chí nào xác định công trình quan trọng liên quan đến ANQG? Trong Bộ luật Hình sự cũng có điều luật quy định chế tài xử lý đối với hành vi phạm tội xâm phạm công trình quan trọng về ANQG.

Thời gian qua, các cơ quan bảo vệ pháp luật xử lý khá nhiều hành vi xâm hại công trình quan trọng về ANQG, trong đó đáng chú ý là nhiều chủ thể tội phạm khi thực hiện hành vi phạm tội đã không ý thức được khách thể bị xâm hại là công trình quan trọng về ANQG. Điển hình là các hành vi: tháo dỡ thanh giằng cột điện cao thế, thanh giằng cầu sắt, cáp điện, thanh giằng đường sắt... Một số cơ quan bảo vệ pháp luật cũng lúng túng trong việc phân biệt các hành vi giữa trộm cắp tài sản thông thường với tài sản thuộc công trình nói trên.

Do đó, tại Điều 11 của Pháp lệnh quy định: Công trình quan trọng liên quan đến ANQG phải có đủ 2 tiêu chí. Một là, công trình tập trung bí mật Nhà nước hoặc là nơi lưu giữ, bảo quản những hiện vật, tài liệu có giá trị đặc biệt quan trọng, nơi bảo quản những vật liệu, chất đặc biệt nguy hiểm đối với sự sống con người, môi trường sinh thái, cơ sở vật chất đặc biệt quan trọng khác liên quan an ninh quốc gia. Hai là, công trình đòi hỏi phải áp dụng công tác bảo vệ đặc biệt, tuyệt đối an toàn trong quá trình khảo sát, thiết kế, xây dựng, quản lý và sử dụng.

Chính phủ quy định danh mục cụ thể các công trình quan trọng liên quan đến ANQG theo đề nghị của Chủ tịch Hội đồng thẩm định. Hội đồng thẩm định do Bộ trưởng Bộ Công an làm Chủ tịch. Bộ trưởng Bộ Công an cũng có thẩm quyền quyết định cơ cấu tổ chức lực lượng bảo vệ công trình, căn cứ yêu cầu bảo vệ và tính chất, quy mô từng công trình cụ thể do Bộ Công an quản lý.

Trách nhiệm chủ yếu bảo vệ công trình quan trọng về ANQG được giao cho Bộ Công an, Bộ Quốc phòng như: Tổ chức thu thập thông tin, phân tích, đánh giá, dự báo tình hình và đề xuất các chủ trương, giải pháp, phương án bảo vệ công trình; thực hiện các hoạt động bảo vệ, tuần tra, canh gác; áp dụng các biện pháp cần thiết để bảo đảm an ninh, an toàn cho người và công trình trong quá trình khảo sát, thiết kế, xây dựng, sử dụng...

Ngoài lực lượng chuyên trách thuộc Bộ Công an, Bộ Quốc phòng thì tiêu chuẩn người làm công tác bảo vệ của cơ quan, tổ chức quản lý công trình quan trọng liên quan ANQG là công dân đủ 18 tuổi trở lên, có đủ phẩm chất, năng lực...

Phan Đăng
.
.
.