Thông điệp từ quá khứ

Thứ Năm, 25/01/2007, 12:43
Những hài cốt, di vật tìm được chính là thông điệp gửi từ quá khứ cho thế hệ trẻ sau này. Câu chuyện trên đồi Khau Coóc sau 55 năm đã cho một kết thúc đẹp. Nhân dân và Tổ quốc không quên các anh, những người xả thân vì độc lập tự do cho đất nước.

Đừng để mình mắc lỗi với quá khứ, với người đã mất, ông Hà Văn Lạc bắt đầu công việc tìm kiếm hài cốt đồng đội của mình đã suy nghĩ như vậy.

Và hôm nay, khi chúng tôi đứng bên ngôi mộ tập thể 11 liệt sỹ hy sinh trong trận đánh Đồn Ca Vịnh (Yên Bái) ngày 1/10/1951 mới quy tập đã cảm nhận được rằng đồng bào, Tổ quốc không quên ơn các anh.

Hành trình đi tìm đồng đội

Trở lại hành trình đi tìm hài cốt những đồng đội đã ngã xuống trong trận đánh Đồn Ca Vịnh. Ông Hà Văn Lạc âm thầm thu thập thông tin, vẽ sơ đồ và đưa ra nhận định: Rất có thể có một hố chôn tập thể bộ đội ta trên đồi Khau Coóc. Vị trí chôn ở đâu? Ở trong Đồn Ca Vịnh cũ hay ở một nơi nào đó trên đồi Khau Coóc? Câu hỏi này thôi thúc ông, ông quyết tâm đi tìm.

Ông bắt đầu công việc tìm kiếm của mình từ năm 1997. Ông sợ tuổi già sẽ đưa "ông đi" bất cứ lúc nào. Ông "đi" rồi mà đồng đội của mình vẫn nằm lạnh lẽo thì ông có tội. Ông muốn trước khi nhắm mắt, những đồng chí của mình đã chiến đấu anh dũng trong trận đánh tại quê ông phải được nhân dân và Tổ quốc tôn vinh.

Ông bắt đầu công việc của mình bằng một con dao quắm, một cái cuốc, một cái xẻng. Con dao dùng để phát quang bao nhiêu điểm "nghi nghi". Còn cái xẻng, cái cuốc là công cụ để ông đào xới. Dù thuở bé từng chăn trâu, đốn củi trên đồi Khau Coóc nhiều lần, song đến bây giờ ông mới ngộ ra trên mảnh đất này có nhiều cái ông chưa biết.

Ông không nhớ mình phát bao nhiêu đám cây dại mọc chằng chịt, đào bao nhiêu nhát cuốc, nhát xẻng trên đồi Khau Coóc nữa. Thế mà kết quả thật đáng buồn, sau nhiều ngày bền bỉ tìm kiếm ông vẫn chưa tìm ra nơi đồng đội mình đang yên nghỉ.

7 năm sau, năm 2004, ông lại mở "chiến dịch" tìm kiếm. Vẫn âm thầm, vẫn một mình sớm tối đi về. Những con đường mòn trên đồi Khau Coóc đã quen với đôi bàn chân ông. Chỗ nào thấy "nghi nghi" là ông lại đến.

Thế nhưng, kết quả tìm kiếm lại như lần trước. "Chiến dịch" lần thứ 3 của ông năm 2005 có thêm một "đồng minh". Đó là ông Đỗ Minh Quân, hồi giặc Pháp đóng trên Đồn Ca Vịnh, ông là một cậu bé liên lạc.

Ông Quân còn nhớ rõ, sau khi quân ta tấn công Đồn Ca Vịnh không thành công, giặc ép người dân lên đồn. Chúng hăm dọa, "Nếu không lên đồn, Việt Minh bắn chết". Người dân phần vì ý thức giác ngộ kém, phần vì giặc ép quá đành phải lên. Ông cũng nằm trong số người bị thúc ép lên đồn.

Trong khi đang bị đuổi dạt sang khu gia binh, ông bất ngờ nhìn thấy một bàn chân người chồi lên mặt đất. Tuy còn bé nhưng ông vẫn nhận ra đó là quân ta. Nếu là quân địch thì phải được bọn chúng chôn cất cẩn thận chứ không thể sơ sài như thế được.

Hôm nay, ông không thể nhớ vị trí hố chôn. Nhưng bàn chân chồi lên mặt đất vẫn hiển hiện trong đầu. Chỉ có điều đó là nơi nào thì ông không nhớ được. Khi ông Lạc nói về việc đã âm thầm làm trong nhiều năm qua, ông hồ hởi đề nghị được tham gia.

Hơn 50 năm, những gì nhìn thấy trong đợt địch càn quét luôn ám ảnh ông. Nay lại có người khơi đúng mạch, ông vội bắt ngay như sợ tuột mất. Thế là hai ông già cứ mò mẫm suốt cả ngày trên đồi. Hy vọng lúc thì nguội lạnh, nhưng có lúc lại nhen lên.

Có sức mạnh vô hình nào đó thôi thúc các ông. Nó làm tăng thêm sức lực, nhiệt huyết, giúp các ông có sức bền để kiên tâm lật từng hòn đá, đụn đất. Ngày 27/7/2006, trong buổi lễ kỷ niệm nhân Ngày Thương binh, Liệt sỹ, ông Hà Văn Lạc đã báo cáo sự việc lên chính quyền xã.

Ông cũng cho biết, bản thân và ông Quân đã tìm kiếm nhiều lần nhưng không đem lại kết quả. Rồi lại có cơ may khi ông gặp phóng viên của Báo Yên Bái. Sau khi bài báo "Có hay không hố chôn tập thể...?" được đăng tải, các cấp chính quyền tỉnh bắt đầu vào cuộc. 

Thông điệp từ quá khứ

Lúc này, ông Lạc là nhân chứng sống nên được các ngành như Lao động - Thương binh và Xã hội; Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh; các cấp chính quyền xã, huyện... "triệu tập" liên tục. Ông cảm thấy vui vì việc này.

Cùng với ông, những người dân sống trong vùng như ông Đỗ Minh Quân, ông Hà Xuân Chìu, kể cả câu chuyện của ông Hà Văn Trung trước khi mất cũng được những người có trách nhiệm thu thập.

Sau khi thu thập đủ căn cứ, các cơ quan chức năng tỉnh Yên Bái chính thức mở đợt tìm kiếm, đã huy động 35 dân quân địa phương và lực lượng C22 Tỉnh đội Yên Bái. Theo dự kiến, các đơn vị Quân đội, dân quân sẽ đào bới khoảng 1.000m3 đất đá trên khắp diện tích đồi Khau Coóc.

Các chiến sỹ dựng trại, lều lán chuẩn bị cho một chiến dịch tìm kiếm lâu dài. Ngày 26/12/2006, bắt đầu triển khai và cũng khá bất ngờ trong ngày này hố chôn tập thể bộ đội ta hy sinh trong trận đánh Đồn Ca Vịnh được phát hiện.

Ban đầu là một nửa nắp bút máy có khắc tên. Rồi một đoạn xương ống chân. Mọi người cùng hồi hộp gạt từng lớp đất mỏng và đây lần lượt hiện ra 11 bộ răng còn khá nguyên vẹn. Các hiện vật khác như ống thuốc B12 còn đỏ tươi, một bút máy khu trục, một kìm cắt dây thép gai, một hộp thuốc đánh răng, hai bàn chải đánh răng…

Ngày 8/1, lễ truy điệu 11 liệt sỹ được tổ chức với sự tham gia của đông đảo nhân dân tỉnh Yên Bái. Hồng Ca là một xã nghèo, đến nay vẫn chưa có nghĩa trang liệt sỹ riêng mà phải chung với 4 xã khác.

Hiện nay, việc tìm danh tính các liệt sỹ đang được các ngành chức năng tỉnh Yên Bái tiến hành. Ngày 15/1, chúng tôi đã đến thắp hương nơi đặt hài cốt các liệt sỹ trên ngọn đồi chè lộng gió. Từng bậc thang đất đỏ làm vội đang bị xoá dần sau cơn mưa và dưới bước chân những người đến viếng.

Trước mặt nơi yên nghỉ mới của các liệt sỹ là cánh đồng bát ngát với những thửa ruộng màu mỡ mà hơn 50 năm trước là sân bay dã chiến của giặc Pháp. Chủ tịch xã Hồng Ca, Hà Ngọc Toanh cảm động nói về nghĩa tình và sự biết ơn của nhân dân địa phương với các liệt sỹ.

Từ khi tìm thấy hài cốt và di vật của các liệt sỹ đến ngày đưa về nơi ở mới, dòng người đến thắp hương, tưởng niệm dài mãi không dứt. Gia đình ông Lương Văn Long và Lương Văn Nhinh ở thôn Nam Hồng tình nguyện để lại đồi chè đang thời thu hoạch làm nơi yên nghỉ của các liệt sỹ.

Những ngày đầu, các cô giáo địa phương đã đưa học sinh đến hiện trường để được nghe câu chuyện lịch sử về một thời chiến đấu hào hùng của cha ông từ chính các nhân chứng và Ban Chỉ huy Quân sự tỉnh.

Những hài cốt, di vật tìm được chính là thông điệp gửi về từ quá khứ cho thế hệ trẻ sau này. Câu chuyện trên đồi Khau Coóc sau 55 năm đã cho một kết thúc đẹp. Nhân dân và Tổ quốc không quên các anh, những người xả thân vì độc lập tự do cho đất nước

Cao Hồng - Việt Hà
.
.
.