Thôn bản... '3 không'

Chủ Nhật, 10/05/2015, 08:55
Bằng biện pháp tuyên truyền, vận động thiết thực của chính quyền địa phương và sự nỗ lực của người dân nên nhiều năm qua, thôn bản Ta Lo, thuộc xã Hồng Vân, huyện miền núi A Lưới (Thừa Thiên- Huế) đã trở thành thôn bản “3 không”: không sinh con thứ 3, không tội phạm, không hủ tục lạc hậu...

Từ năm 2009 trở về trước, do địa bàn chủ yếu là đồi núi, cộng thêm ảnh hưởng từ dự án xây dựng thủy điện A Lin nên cuộc sống của người dân ở thôn bản Ta Lo gặp rất nhiều khó khăn. Nhưng, giờ đây khi trở lại Ta Lo, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên khi chứng kiến sự thay đổi “kỳ diệu” ở vùng đất này.

Chỉ cho chúng tôi thấy ngọn đồi lớn nằm bên cạnh khu dân cư, ông Hồ Văn Mẫn, trưởng thôn Ta Lo tâm sự: Nhiều năm về trước, khi chủ đầu tư dự án thủy điện A Lin cho nổ mìn để khoét hầm thủy điện đi qua ngọn đồi đã khiến cuộc sống của 28 hộ dân trong thôn bị ảnh hưởng rất lớn. Không những mất đất sản xuất mà bà con phải chịu tiếng ồn và đất đá văng vào nhà từ hoạt động nổ mìn. Ngoài ra, có 6 hộ dân khác buộc phải di dời nhà cửa đến nơi khác để tìm đất ở mới. “Thế nhưng, những ngày khó khăn ấy cũng đã đi qua. Giờ đây, bà con trong thôn đã biết đoàn kết, cùng nhau chia sẻ đất đai, nương rẫy để làm ăn và nỗ lực phát triển kinh tế bằng việc trồng rừng trên đồi núi. Đặc biệt, trong 5 năm qua (từ 2009 đến 2014), toàn thôn có 50 hộ dân, với gần 200 nhân khẩu; nhưng không có hộ dân nào sinh đến con thứ 3. Có lẽ vì ít con nên cuộc sống của người dân có phần đỡ vất vả hơn so với những thôn bản khác trong xã”, ông Mẫn hồ hởi tâm sự.

Bằng những cách làm thiết thực, thôn bản Ta Lo đã thoát nghèo vươn lên làm giàu.

Gia đình anh Hồ Văn Yêu (34 tuổi) và chị Đoàn Thị Chao (25 tuổi) là tấm gương điển hình trong phong trào xây dựng mô hình không sinh con thứ 3 ở thôn bản Ta Lo. Lúc chúng tôi đến, anh Yêu đã đi chăm sóc rừng keo lá tràm mới trồng, nhà chỉ có chị Chao đang bày cho cô con gái lớp 1 tập đọc. Chị Chao trải lòng: “Lúc mới lên đây lập nghiệp, cuộc sống của 2 vợ chồng khó khăn lắm. Phải mất gần 5 năm trời vợ chồng mình mới gây dựng được 2,5 ha rừng keo lá tràm và trồng thêm mấy trăm gốc cây ăn quả. Hiện mỗi năm, vợ chồng mình thu nhập từ 70 đến 100 triệu đồng. Dù kinh tế gia đình đã khấm khá hơn trước nhưng với vợ chồng mình chỉ dừng lại ở 2 con mà thôi”.

Trao đổi với chúng tôi, ông Hồ Văn Rao, Phó Chủ tịch UBND xã Hồng Vân cho biết, ngoài thực hiện tốt công tác dân số, kế hoạch hóa gia đình thì thôn bản Ta Lo còn đi đầu trong việc xóa bỏ được nhiều hủ tục lạc hậu như tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống... 

Đây cũng chính là tiền đề để giúp thôn xây dựng thành công mô hình kế hoạch hóa gia đình. “Đặc biệt, nhiều năm qua Ta Lo là khu dân cư không có tội phạm, kể cả tội phạm trộm cắp hoặc đâm chém, cố ý gây thương tích. Người dân ở thôn bản còn góp sức phối hợp với lực lượng Công an xã, Bộ đội Biên phòng để tuần tra bảo đảm ANTT truyên tuyến biên giới Việt - Lào đoạn qua địa bàn xã”. 

Qua tìm hiểu còn được biết, dù dân số ít so với nhiều thôn bản khác, nhưng Ta Lo còn dẫn đầu về thành tích hiếu học khi hiện thôn có gần 10 em theo học các trường đại học, cao đẳng và trung cấp chuyên nghiệp…   

Anh Khoa
.
.
.