Thời tiết nóng, quá tải bệnh nhi

Thứ Hai, 08/06/2009, 21:46
Trong mấy ngày nắng nóng này, số bệnh nhi tới khám tại Bệnh viện Nhi Trung ương luôn ở mức cao, dao động trên dưới 2.000 cháu/ngày, trong đó ngày cao nhất lên đến gần 2.200 bệnh nhi. Các khoa có nhiều bệnh liên quan tới thời tiết nắng nóng như Khoa Tiêu hóa có tới 100 bệnh nhi/50 giường, Khoa Truyền nhiễm 99 bệnh nhi/50 giường; các khoa khác tỷ lệ này lần lượt là sơ sinh 152/40, thần kinh 59/25, tim mạch 70/25…

Theo thời tiết trong nhà lên tới 39 độ C, ngoài trời 41, 42 độ C, có nơi lên tới 45 độ C (theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn), số trẻ vào viện ở mức rất cao, các gia đình vất vả đưa con đi khám bệnh càng thêm vất vả.

Trẻ khám bệnh từ sáng sớm tới thâu đêm

Sáng 8/6, hệ thống phun sương mù liên tục tỏa hơi nước khắp hành lang, các quạt công suất lớn hoạt động tối đa công năng, trên mái phải trang bị thêm lưới giảm nắng…, nhưng không khí tại Khoa Khám bệnh - Bệnh viện Nhi Trung ương vẫn khá ngột ngạt bởi lượng người ra vào quá đông. Phía ngoài, người nhà bệnh nhân đứng, ngồi la liệt dưới bóng râm, trên ghế đá.

Các bác sĩ Bệnh viện Nhi Trung ương luôn bận bịu với những bệnh nhi nhập viện ngày nắng nóng. Ảnh: Thanh Loan.

Trong những ngày nắng nóng này, lượng bệnh nhi tới khám bệnh kéo dài từ sáng sớm đến thâu đêm. Buổi tối, không chỉ có bệnh nhi cấp cứu "cực chẳng đã" mới vào viện như trước đây, mà còn có nhiều cháu tới khám. Ban ngày, vì tránh nắng, vì bận đi làm, nhiều gia đình đợi đến tối mới đưa con đi khám bệnh. Mỗi tối, bệnh viện tiếp nhận tới 200-250 bệnh nhi. Bệnh viện phải tăng cường kíp trực gồm 7 bác sỹ từ 16h đến 22h và 3 bác sỹ từ 22h đến sáng.

Mấy ngày nay, hệ thống mái che của bệnh viện phải liên tục cơi nới để người nhà có chỗ tránh cái nắng gay gắt. Do lượng người tới khám quá đông và do cả phải tăng cường phòng dịch cúm A/H1N1, bệnh viện đã phải tăng cường hoạt động các thiết bị làm mát để làm không khí thông thoáng. Lượng nước tiêu tốn trong ngày lên tới 800m3. Bảng điện tử báo hiệu số lượt khám chậm rãi nhích từng số, trong khi hàng người đứng ngồi chờ đợi mỗi lúc thêm đông. Có mặt ở viện từ 7h, chị Liên (ở Hoài Đức, Hà Nội) tưởng mình đến sớm để về sớm, nhưng khi chị lấy được số thứ tự khám đã là 69.

Bác sỹ Vũ Quý Hợp, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, trong mấy ngày nắng nóng này, số bệnh nhi tới khám luôn ở mức cao, dao động trên dưới 2.000 cháu/ngày, trong đó ngày cao nhất lên đến gần 2.200 bệnh nhi.

Không chỉ Khoa Khám bệnh trong tình trạng quá tải, hầu hết các khoa khác trong viện đều phải hoạt động vượt công suất. Các khoa có nhiều bệnh liên quan tới thời tiết nắng nóng như Khoa Tiêu hóa có tới 100 bệnh nhi/50 giường, Khoa Truyền nhiễm 99 bệnh nhi/50 giường; các khoa khác tỷ lệ này lần lượt là sơ sinh 152/40, thần kinh 59/25, tim mạch 70/25…

Tái diễn "bệnh tự điều trị"

Các bệnh đường hô hấp và tiêu chảy chiếm đa số trong các bệnh nhi tới khám trong những ngày nắng nóng này. Bác sỹ Cấn Phú Nhuận, Trưởng khoa Khám bệnh, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, trong số các nguyên nhân gây bệnh cho trẻ, ngoài yếu tố thời tiết, yếu tố ảnh hưởng môi trường đang nổi lên đáng kể. Đường sá bụi bẩn, nhà chật, không khí ẩm, khói thuốc, khói than… khiến nhiều trẻ bị bệnh hô hấp phải nhập viện.

Nhiều trẻ em phải nhập viện do cha mẹ chưa biết cách chăm sóc đúng cách. Ảnh minh họa.

Đã có trường hợp trẻ bị ho kéo dài, uống kháng sinh liên tục và đi khám nhiều lần nhưng không khỏi. Khá lâu sau, các bác sỹ và gia đình mới phát hiện trẻ đến lớp, ra đường không bị ho, chỉ đến tối về nhà (chung cư cũ chật chội, có khói than, trẻ mới bị ho).

Đặc biệt, tình trạng phụ huynh "tự điều trị", tùy tiện mua thuốc uống cho con vẫn diễn ra rất phổ biến. Loại thuốc bị lạm dụng nhiều nhất trong những ngày này là thuốc hạ sốt và kháng sinh. Có nhiều trường hợp trẻ bị dùng thuốc hạ sốt quá liều, bị ngộ độc, phải vào viện cấp cứu, thậm chí có cả trường hợp tử vong. Muốn con hạ sốt nhanh, nhiều bà mẹ không ngại cho con vừa uống si rô hoặc viên Paracetamol, vừa dùng viên đặt hậu môn mà không lường được hậu quả đáng tiếc.

Bác sỹ Cấn Phú Nhuận phân tích, các trường hợp ngộ độc thuốc hạ sốt là hậu quả dễ nhìn thấy được do dùng thuốc tùy tiện, tác hại do lạm dụng kháng sinh khó biểu hiện ngay nhưng có thể ảnh hưởng kéo dài suốt cuộc đời của trẻ. Trẻ em là đối tượng bệnh nhân đặc biệt, trẻ không tự nhận biết được các dấu hiệu bệnh, nên sự hợp tác của cha mẹ với bác sỹ là hết sức quan trọng.

Tuy nhiên, vốn hiểu biết hạn chế của nhiều phụ huynh còn khiến các bác sỹ lo ngại. Đưa con đi khám muộn vì không biết con bệnh đã nặng, vì ngại nắng nóng, vì bận đi làm hoặc con bệnh nhẹ nhưng đã tự ý cho con uống kháng sinh liều cao, uống sai thuốc… vẫn khá phổ biến.

Với thời tiết nắng nóng này, dự kiến từ tháng 6 tới tháng 8, số bệnh nhi sẽ còn tiếp tục tăng cao, có thể lên tới 2.500 cháu/ngày.

Bác sỹ Cấn Phú Nhuận lưu ý phụ huynh cần cho trẻ ăn uống hợp vệ sinh, bồi dưỡng để tăng sức đề kháng; hạn chế cho trẻ ra ngoài đường lúc nắng nóng, tránh mặc quần áo, trùm khăn kín khiến trẻ ra nhiều mồ hôi, tăng cường không khí thông thoáng trong nhà, diệt ruồi muỗi; tìm chỗ chơi thích hợp cho trẻ; phòng tránh tai nạn thương tích; hạn chế cho trẻ uống nước đá, không chườm nước lạnh khi trẻ sốt mà nên dùng nước thường; nếu trẻ sốt từ 38,5 độ trở lên, tinh thần tỉnh táo, nhanh nhẹn mới cho trẻ uống thuốc hạ sốt, nếu trẻ sốt cao kèm biểu hiện mệt, mắt lờ đờ, nôn thì nhất thiết phải đưa trẻ đến bệnh viện.

Thanh Loan
.
.
.