Thời tiết khô lạnh cuối năm: Lo ngại bùng phát bệnh lây truyền

Chủ Nhật, 29/12/2013, 11:39
Thời tiết khô lạnh hiện nay đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ khiến các bệnh lây truyền bùng phát đang là nỗi lo của Bộ Y tế. Nhất là khi, trong năm 2013, 2 chủng cúm A/H7N9 và H10N8 mới xuất hiện, đều có nguồn gốc từ gia cầm, lại có dấu hiệu biến đổi gen thành những chủng dễ lây lan sang người và gây tử vong nhanh. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng đã lên tiếng cảnh báo các nước châu Á về đại dịch cúm gia cầm trong mùa đông này.

Tại một hội nghị về dịch cúm tổ chức tại Hà Nội mới đây, WHO và Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) vẫn đánh giá Việt Nam có nguy cơ cao về lây nhiễm, bùng phát dịch bệnh, nên đòi hỏi các nhà quản lý về y tế, nông nghiệp, người dân cần tiếp tục cẩn trọng, không chủ quan trước khả năng lây lan của dịch cúm.

PGS.TS. Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, hiện nay, một số bệnh truyền nhiễm nguy hiểm đang diễn biến phức tạp, nên ngành Y tế lo ngại về việc dịch có thể xuất hiện trở lại vào dịp Tết. Trung Quốc đã có 47 trường hợp tử vong vì mắc cúm A/H7N9) và số mắc vẫn tiếp tục diễn ra. Đáng lưu ý là số mắc có xu hướng lan dần xuống các tỉnh phía Nam Trung Quốc, nơi tiếp giáp với Việt Nam. Tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc), giáp với nước ta, cũng vừa mới có thêm trường hợp nhiễm virus H7N9 thứ ba. Đặc biệt, chủng virus H10N8 đã được phát hiện tại ít nhất 7 quốc gia, trong đó có Trung Quốc và 1 bà cụ mắc cúm A/H10N8 sau khi đến chợ gia cầm và đã tử vong cách đây 3 tuần, cho thấy, loại virus cúm này tìm thấy trên các loài chim hoang dã, đã biến đổi và lây sang người.

Bệnh lây nhiễm nếu không được điều trị kịp thời, sẽ dễ tử vong.

Trong khi đó, chủng cúm A/H5N1 cũng có nguy cơ gây bùng phát lây nhiễm từ gia cầm sang người ở nước ta, khi dịch cúm trên gia cầm vẫn liên tiếp xảy ra trong cả nước, nhất là thời tiết mùa Đông – Xuân hiện rất thuận lợi cho sự phát triển của virus cúm, cùng với tập tục chăn nuôi gia cầm nhỏ lẻ, vệ sinh thấp kém ở một số bộ phận dân cư. Hơn nữa, các địa bàn xảy ra dịch cúm A/H5N1 ở Campuchia khiến 12 trường hợp tử vong, đều ở khu vực tiếp giáp với các tỉnh biên giới Việt Nam, tạo thêm những áp lực về sự lo ngại dịch cúm này. Thực tế, Việt Nam đã có 2 trường hợp nhiễm cúm A/H5N1 tại Đồng Tháp và Long An, trong đó 1 trường hợp tử vong.

Một trong các dịch bệnh cũng đang khiến các chuyên gia y tế quan tâm, là bệnh tay – chân - miệng, vẫn lưu hành ở mức cao và rộng khắp trên 63 tỉnh, thành phố cả nước. Trong khi đó, môi trường ô nhiễm và các thói quen không hợp vệ sinh là điều kiện thuận lợi cho tác nhân gây bệnh lưu hành.

Năm 2013, là thời điểm các chuyên gia y tế hết sức lo ngại về sự quay trở lại với mức độ lớn hơn của căn bệnh sốt rét, khi việc sốt rét kháng thuốc Artemisinin đã xảy ra... Một dịch bệnh khác cũng dễ lây lan và có thể gây tử vong là sốt xuất huyết (SXH). Vì thế, Bộ Y tế cũng bày tỏ lo ngại khi nguy cơ gia tăng số mắc SXH trong thời gian tới rất lớn.

Để ngăn chặn sự lây lan của các bệnh truyền nhiễm, ngành Y tế đặt ra mục tiêu khống chế không để những dịch lớn xảy ra, trong đó tập trung vào phòng chống các dịch bệnh mới nổi, lan truyền qua biên giới như cúm A(H7N9), cúm A(H5N1), MERS-CoV. Duy trì tỷ lệ tiêm chủng cho trẻ em và phụ nữ có thai và tăng cường các hoạt động đảm bảo an toàn tiêm chủng. Thiết lập và phát triển mô hình Trung tâm Đáp ứng tình huống khẩn cấp tại Bộ Y tế, nhằm ứng phó với các vấn đề dịch bệnh nguy hiểm và mới nổi, đáp ứng theo từng tình huống dịch bệnh

Thanh Hằng
.
.
.