Thờ ơ với bạo lực, xâm hại trẻ em là tội ác
>> Để trẻ em không còn là nạn nhân của những bi kịch
Và không chỉ vậy, hằng ngày trên các mặt báo chúng ta lại có những giây phút thót tim, đắng lòng trước những cách hành xử bạo lực với trẻ em của chính người làm cha, làm mẹ, làm thầy và cả những hành động ngông cuồng, không được kiểm soát của một bộ phận học sinh… Chẳng lẽ cứ để những nỗi đau, những bóng ma tội ác ám ảnh, bủa vây thế hệ tương lai của chúng ta mỗi sớm mai thức dậy?
Không khỏi xót xa khi tiếp nhận thông tin từ hàng nghìn vụ xâm hại trẻ em ở 63 tỉnh, thành phố trong cả nước. Số vụ cứ tăng dần lên theo các năm mà theo thống kê của các cơ quan chức năng thì trong đó trẻ em bị hiếp dâm chiếm đến trên 65%. Tính chất của các vụ xâm hại trẻ em đặc biệt nghiêm trọng, báo động về sự suy đồi đạo đức như hiếp dâm tập thể, hiếp dâm trẻ em dưới 5 tuổi, hiếp dâm rồi giết trẻ em, thầy giáo xâm hại tình dục trẻ em, thậm chí một số vụ hiếp dâm mang tính loạn luân như cha dượng hiếp con riêng của vợ, cha đẻ hiếp dâm con gái ruột trong thời gian dài.
Số trẻ bị xâm hại tình dục nhiều lần chiếm 28,2% và số trẻ em bỏ học, sống lang thang bị xâm hại tình dục chiếm 11,6% số vụ trẻ em bị xâm hại tình dục. Cơ quan Công an cũng cho hay đã xuất hiện nhiều hình thức mới như xâm hại tình dục trẻ em nam, đối tượng xâm hại tình dục không chỉ là người Việt Nam mà đã xuất hiện đối tượng phạm tội là người nước ngoài, xâm hại tình dục qua Internet.
Trẻ em cần được quan tâm, chăm sóc, bảo vê: Ảnh minh họa: Thiện Hoàng. |
Những thông tin được công bố trở thành nỗi ám ảnh đối với bất kỳ ông bố, bà mẹ nào. Nhưng làm gì để bảo vệ con cái mình không bị xâm hại khi mà còn đối mặt với vất vả, toan tính của cuộc mưu sinh?. Thậm chí ngay cả những gia đình có điều kiện cũng khó lường và khó tạo ra được lưới bảo vệ tuyệt đối cho con mình trước sự bủa vây của rất nhiều cám dỗ trong xã hội hiện đại?
Bạo lực đối với trẻ em vẫn xảy ra khá phổ biến và diễn biến phức tạp. Vụ việc một học sinh lớp 9 Trường THCS Thắng Lợi ở Văn Giang, Hưng Yên dìm đến chết bạn học cùng trường mới đây là nỗi ám ảnh khôn nguôi trong các em ở lứa tuổi học trò, trong mỗi người thầy giáo cô giáo và các bậc phụ huynh.
Vì sao một cô bé 15 tuổi lại có tư tưởng uống thuốc sâu tự tử rồi nung nấu ý định cùng bạn chết? Tìm đến cái chết để giải tỏa những bế tắc, cô đơn, mất phương hướng trong tâm hồn non nớt của một đứa trẻ ở cái tuổi "choai choai", phải chăng là tiếng chuông báo động cho sự sao nhãng, thiếu được chia sẻ trước những diễn biến tâm lý của lứa tuổi.
Các báo cáo cũng chỉ ra rằng, một số trẻ em bị chính cha mẹ, người thân, thầy cô giáo và những người có trách nhiệm bảo vệ, chăm sóc có hành vi xâm hai, bạo lực. Nhiều vụ bạo lực học đường được phát hiện, có những vụ thầy cô giáo sử dụng các biện pháp giáo dục có tính chất bạo lực.
Ngược lại cũng có nhiều trường hợp học sinh hành hung thầy giáo, cô giáo, học sinh đánh nhau gây tổn thương cả về thân thể và tinh thần. Theo báo cáo của Bộ GD&ĐT, riêng năm học 2009-2010, trên toàn quốc đã xảy ra 1.598 vụ học sinh đánh nhau ở trong và ngoài trường học.
Những nguy cơ gia tăng trẻ em bị bạo lực, xâm hại đã được nhắc nhiều, nguyên nhân và các giải pháp cũng đã được đưa ra rất nhiều. Nhưng điều căn bản là thực hiện và cụ thể hóa bằng hành động thực tiễn. Và cũng cần phải nhắc đến câu chuyện ứng xử của mỗi người trước các hành vi xâm hại, bạo lực.
Khi nào người ta vẫn có thể bước đi hoặc im lặng trước những hành vi bạo lực; thờ ơ coi như không phải việc của mình; khi những nữ sinh vẫn cứ hồn nhiên giơ máy điện thoại ghi lại cảnh các bạn lột áo, giựt tóc nhau… thì chừng đó bạo lực và xâm hại vẫn còn đất phát triển.
Ông Nguyễn Trọng An, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ chăm sóc trẻ em cho rằng: "Nhiều trường hợp dù phát hiện ra kẻ xâm hại tình dục, bạo hành nhưng không dám tố cáo vì bị đe dọa. Điều này dẫn tới tình trạng nhiều trẻ bị xâm hại tình dục, thậm chí nhiều lần nhưng không bị phát hiện".
Trước thực trạng này, vừa qua các ngành liên quan đã hoàn thành báo cáo về vấn đề xâm hại tình dục ở trẻ em để trình Quốc hội chất vấn Chính phủ. Về lâu dài, Bộ LĐ,TB&XH cho biết sẽ nghiên cứu, xây dựng các chính sách liên quan đến phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ em, bảo vệ trẻ em nhất là trẻ ở vùng sâu, vùng xa khỏi xâm hại tình dục.
Đặc biệt là giải pháp hoàn thiện hệ thống pháp luật, quy định cụ thể thủ tục tố giác riêng để khai báo các trường hợp liên quan đến trẻ em; quy định cụ thể về bảo vệ trẻ em là nạn nhân, nhân chứng tội phạm; bảo mật thông tin, bảo vệ người tố cáo.
Với sự khẩn thiết, tại Lễ phát động Tháng hành động vì trẻ em năm 2012, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Phạm Thị Hải Chuyền nhấn mạnh đến chủ đề "Vì một xã hội không bạo lực, không xâm hại trẻ em", sẽ là tháng cao điểm của phong trào toàn xã hội tham gia bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em nhằm thực hiện tốt hơn các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đối với công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em.
Tuy nhiên để bảo vệ trẻ em khỏi bạo lực và xâm hại không thể chỉ làm theo phong trào mà cần phải được làm thường xuyên, kiên trì