Thiếu tướng Y Blốk Êban và 5 lần được gặp Bác

Thứ Hai, 13/07/2009, 20:27
Trong cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Thiếu tướng Y Blốk vinh dự nhiều lần được gặp Bác Hồ. Với ông những lần gặp Bác không chỉ là niềm hạnh phúc lớn lao, mà ông như được lớn lên, thêm sáng mắt, sáng lòng.

Y Blốk Ê Ban là cây Pơmu cổ thụ của núi rừng Tây Nguyên. Ông vốn là lính khố xanh, được các chiến sỹ Cộng sản trong nhà tù Buôn Ma Thuột giác ngộ, tháng 5/1945 khi tròn 25 tuổi, Y Blốk Êban đã đến với cách mạng, ông cũng chính là người chỉ huy Đội bảo vệ Ủy ban Khởi nghĩa Đắk Lắk trong buổi mít tinh giành chính quyền tháng 8/1945.

Vợ chồng Thiếu tướng Y Blốk Êban ôn lại kỷ niệm hoạt động cách mạng.

Trong những năm tháng của hai cuộc kháng chiến, YBlốk Êban được giao giữ những cương vị quan trọng của Quân đội và địa phương, từ Đại đội trưởng (9/1945), Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn Ama Trang Long (3/1947), Trung đoàn trưởng Trung đoàn 120 (10/1954), đến Quyền Tư lệnh Quân khu 6 (5/1961), Phó Tư lệnh Quân khu 5 (1963), Phó Bí thư Tỉnh ủy kiêm chính trị viên Tỉnh đội Đắk Lắk (1971).

Sau chiến thắng Buôn Ma Thuột (10/3/1975), Y Blốk làm Chủ tịch Ủy ban Quân quản Buôn Ma Thuột và từ năm 1975 đến 1980 ông giữ chức vụ Chủ tịch tỉnh Đắk Lắk. Năm 1982, Y Blốk được phong quân hàm Thiếu tướng.

Trong căn nhà nhỏ nằm khuất sau những vườn cao su, cà phê ở khối 5, phường Tân Hòa, TP Buôn Ma Thuột, Thiếu tướng Y Blốk ngồi ôn lại những kỷ niệm và bồi hồi kể cho con cháu nghe về những lần ông được gần Bác, nghe Bác căn dặn những lời tâm huyết cho xây dựng phong trào cách mạng.

Lần đầu Y Blốk gặp Bác là vào giữa tháng 11/1952, khi ông cùng các anh Nguyễn Chánh, Nguyễn Duy Trinh, Bùi San đi dự Hội nghị "Du kích chiến tranh toàn quốc" tại chiến khu Việt Bắc.

Buổi tối trước ngày khai mạc hội nghị, tại khu nhà khách Trung ương nằm giữa rừng già, sau bữa cơm tối khi Y Blốk cùng các đại biểu đi dạo quanh vườn cây bên suối thì Bác đến. Mọi người nhanh chóng vây quanh Bác.

Bác nói: "Biết đoàn Nam Bộ và Tây Nguyên ra từ chiều hôm qua, nhưng để các chú nghỉ, tối nay Bác đến thăm các chú. Bác là chủ nhà mà chậm đón khách, các chú thông cảm cho!". Rồi Bác lần lượt bắt tay từng người, và yêu cầu giới thiệu tên, công việc làm ở địa phương, Bác vừa nghe vừa gật đầu. Đến Y Blốk, ông bước lại gần Bác và thưa: "Báo cáo Bác, cháu là YBlốk Êban, du kích của Đắk Lắk ạ!". Nghe ông báo cáo, Bác nắm tay Y Blốk thật chặt rồi dặn: "Chú chuẩn bị kể lại kinh nghiệm bám dân ở trong đó và học tập anh em du kích Nam bộ, du kích Bắc bộ để về đẩy mạnh phát triển chiến tranh du kích của địa phương".

Lần ấy ông được Bác nắm tay lâu hơn mọi người, nên vừa báo cáo Bác, ông vừa ngắm Người mà lòng trào dâng hạnh phúc.

Buổi tối hôm khai mạc hội nghị, Bác cũng đến đột ngột như lần trước. Trong phần căn dặn những công việc phải làm sau hội nghị, tướng Y Blốk nhớ Bác nhắc: "Điểm trọng yếu là bất kỳ bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, dân quân du kích đều phải bám sát lấy dân, rời dân ra nhất định thất bại. Bám lấy dân là làm sao cho được lòng dân, dân tin, dân mến, dân yêu, như vậy thì bất kể việc gì khó mấy cũng làm được cả và nhất định thắng lợi…".

Lời huấn thị của Bác hôm ấy đã ăn sâu vào tâm khảm ông, từ đó suốt những chặng đường công tác của mình, ông luôn thực hiện lời Người dặn: "Có dân là có tất cả". Ông luôn nghĩ, lời Người dặn từ Hội nghị Du kích chiến tranh toàn quốc 57 năm trước đây đến nay vẫn còn nguyên giá trị.

Sau Hội nghị Du kích chiến tranh, Y Blốk được dự thêm Hội nghị Cải cách ruộng đất. Ngày tổng kết hội nghị, Bác lại đến. Bác tặng cho mỗi đoàn chục Huy hiệu và chân dung Bác để mang về tặng lại chiến sỹ du kích xuất sắc của địa phương.

Ông hết sức xúc động và nhớ mãi bữa cơm tổng kết hội nghị, ông và một chiến sỹ người Tày được sang ăn cơm với Bác. Đây là một hạnh phúc mà ông không bao giờ dám nghĩ đến. Bữa cơm thật đạm bạc chỉ có dăm miếng đậu phụ với khúc cá kho tương, nhưng là bữa cơm ngon nhất trong cuộc đời Y Blốk Ê Ban.

Vào khoảng cuối năm 1955, khi ông Y Blốk đang huấn luyện bộ đội Trung đoàn 120, tại Nam Đàn (Nghệ An), trên cương vị Trung đoàn trưởng, thì vinh dự đón Bác tới thăm. Người huấn thị về công tác nuôi quân, chấn chỉnh điều lệnh Quân đội và nhắc nhở về xây dựng tình đoàn kết cán bộ với chiến sỹ và chiến sỹ giữa các địa phương với nhau.

Đặc biệt ngày 2/9/1958, khi Y Blốk từ Nam Đàn (Nghệ An) về Hà Nội dự kỷ niệm ngày Quốc khánh và vào Phủ Chủ tịch, một vinh dự lớn nữa đã đến với ông, đó là ông được Bác đích thân gắn quân hàm Thượng tá lên bờ vai. Y Blốk hiểu đây là sự gửi gắm tình cảm, niềm tin của Bác đối với phong trào đấu tranh của nhân dân Đắk Lắk trong cuộc chiến đấu còn nhiều gian khổ hy sinh mà ông với cương vị Trung đoàn trưởng Trung đoàn 120 vinh dự được là người đại diện đón nhận.

Tháng 8/1961, trước khi từ Hà Nội trở lại Tây Nguyên trên cương vị Quyền Tư lệnh Quân khu 6, Y Blốk được gặp Bác lần nữa. Lần này Bác nắm chặt tay căn dặn nhiều điều, và đây cũng là lần cuối cùng ông được gặp Người.

Học tập và làm theo lời Bác dạy, Thiếu tướng Y Blốk Êban đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, trên những cương vị được giao trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân

(ghi theo lời kể của Thiếu tướng Y Blốk Êban)
Gia Bảo - Kiều Bình
.
.
.