Thiếu thuốc đặc trị tại các phòng gây mê hồi sức

Thứ Sáu, 17/04/2009, 09:48
Trong khi tìm hiểu viết bài chúng tôi đã gặp nhiều bác sỹ (BS) phẫu thuật, bác sỹ gây mê và nhận được rất nhiều những bức xúc từ phía các BS về tình trạng thiếu thuốc đặc trị. Những thứ thuốc có thể ví như những chiếc "phao cứu sinh" tại các phòng mổ hiện nay.

Chỉ có Dantrolene mới thoát chết

Là BS phải đối mặt với những ca bệnh hiểm nghèo, có trách nhiệm phải giành giật lại cuộc sống của BN khỏi lưỡi hái tử thần người BS dù giỏi đến đâu cũng cần có sự hỗ trợ của các trang thết bị và thuốc. Thuốc là không thể thiếu nhất là với thuốc đặc trị bởi nó không thể thay thế mỗi chuyên khoa cũng có những danh mục thuốc đặc trị riêng.

Với Dantrolene nó là thứ thuốc không thể thiếu đối với những BN trên bàn mổ mà có cơ địa sốt ác tính khi bị tác động của các loại thuốc gây mê. Không được cấp cứu bằng thuốc Dantrolene trong trường hợp diễn tiến căn bệnh rất nhanh sẽ cướp sinh mạng của BN ngay trên tay BS chỉ trong vòng 1 giờ đồng hồ.

Nói tới Dantrolene hầu hết những BS gây mê đều có chung một nhận định: Một loại thuốc đặc trị không thể thiếu trong các khoa gây mê hồi sức nhưng lại vô cùng hiếm vì tại TP HCM cho tới nay chỉ có BV Pháp Việt, Nhi Đồng 1 và Từ Dũ là có thể có. Nhưng cái hiếm ở đây không phải là do quá mắc mà vì do tỷ lệ BN có tiền sử sốt ác tính sốc thuốc gây mê quá ít, rất thấp, chính vì vậy mà ít có trong các khoa hồi sức cấp cứu (HSCC) của các BV.

Hiếm, đắt, ít dùng tới… là những yếu tố khiến Dantrolene đã trở nên một "báu vật" khi người BS cần tới. Và cũng có lẽ chính vì nhu cầu quá thấp mà nó ít được những nhà quản lý dược quan tâm. Gần như bỏ quên dù nằm trong danh mục thuốc thiết yếu của các BV.

Chưa ai có thể thống kê trong toàn quốc nói chung hay TP HCM nói riêng tại các khoa HSCC mổ xẻ các BS đã gặp phải bao nhiêu trường hợp BN cần tới loại thuốc này. Chỉ có trong trường hợp tử vong như trường hợp BN Thu Trúc vừa qua tại BV Triều An mà BV cho rằng đã có cơ địa sốt cao ác tính đã được cấp cứu hết sức nhưng vẫn không cứu được.

Theo BS Nguyễn Ngọc Chung phụ trách gây mê hồi sức tại BV chấn thương chỉnh hình, thuốc Dantrolene là loại duy nhất để có thể đối phó với sốt cao ác tính lại chỉ được một công ty duy nhất của Mỹ sản xuất và không bán lẻ. Chỉ bán cả lố 36 lọ. Mua lần thứ 2 mới được bán 12 lọ. Nếu tính mua để trữ trong 3 năm xài dần thì mỗi ngày không có nhu cầu dùng coi như phải tổn phí là 3 USD. Sau 3 năm là thành hơn 26.000 USD. Mà việc này là vượt quá tầm tay của hội gây mê hồi sức.

Thuốc không hiếm sao… cạn kiệt

"Thà rằng là loại thuốc "không có cũng được" như vậy đi chúng tôi còn chấp nhận chứ còn loại thuốc "không có không được" như Ephedrine mà hiện kiếm không ra thì khó chấp nhận. Loại thuốc hết sức thông dụng dùng từ hàng chục năm nay theo phác đồ của Bộ Y tế tại tất cả các khoa sản của các BV mà trong kho chúng tôi giờ này đã cạn kiệt!", chiều 13/4, BS Thình bức xúc cho biết.

Ephedrine (loại VN SX với giá thành 500 đồng/ống) dùng để cấp cứu cho sản phụ chọn lựa biện pháp gây tê tuỷ sống mổ bắt con nhưng không may bị tụt huyết áp. 95% sản phụ tại các khoa sản hiện nay chọn lựa phương pháp sinh mổ bắt con bằng gây tê tuỷ sống, nên Ephedrine dùng trong kỹ thuật gây tê tuỷ sống cho sản phụ cũng có thể được gọi là "con cưng" của những BS trong phòng mổ.

Không thống kê hết có bao nhiêu trường hợp bà mẹ bị tụt huyết áp trong quá trình trở dạ nhưng khi xảy ra, Ephedrine phải có ngay để "lôi" huyết áp bà mẹ lên và theo BS Thình việc nâng huyết áp cho bà mẹ lúc này cũng phải thật nhanh. Người BS chỉ được dành thời gian tối đa là 2 phút. Qua thời khắc nhỏ nhoi này đứa trẻ trong bụng bà mẹ đã có thể suy tim khó tránh được tử vong.

Với trung bình một ngày khoảng 30-40 ca sinh mổ bắt con tại đây thì loại thuốc này chẳng khác nào "cơm ăn nước uống" tại các khoa HSCC của BV sản. Quan trọng là thế, vậy mà chiều 14/4 kho dược đã chính thức thông báo hết sạch không còn một ống…

Hiện trạng thiếu thuốc đặc trị và cả thuốc thông thường tại các phòng mổ hiện nay là điều không thể chấp nhận. Đã là tính mạng con người thì dù là một tỷ lệ cực nhỏ thì cũng phải bảo toàn. Đây là việc mà ngành Y tế không thể không để mắt tới. Nên chăng nếu cấp BV không đủ điều kiện để dự trữ những loại thuốc này thì ngành Y phải có những "ngân hàng" thuốc hiếm cho từng tỉnh, TP hay khu vực

Nga Huyền
.
.
.