Dùng phương tiện vận tải khách để vận chuyển xe gắn máy:

Thiếu một chế tài phòng ngừa cháy nổ

Thứ Ba, 26/01/2010, 12:04
Dịp Tết, bên cạnh nhu cầu đi lại của hành khách bằng tàu hỏa và ôtô khá nóng, nhu cầu gửi xe gắn máy theo tàu hỏa, xe khách từ TP HCM về các tỉnh cũng tăng mạnh. Hàng ngàn chiếc xe gắn máy đã được nhà ga, bến xe vận chuyển trong dịp này.

Cước phí vận chuyển xe gắn máy lại cao hơn giá vé của một hành khách nên các nhà tàu, nhà xe đều sẵn sàng phục vụ. Để đáp ứng nhu cầu chuyên chở xe gắn máy đã trở nên phổ biến, từ ngày không còn được chất xe gắn máy trên nóc xe, các chủ xe khách đồng loạt nâng cốp xe cao trên dưới một mét làm hầm hàng, đủ để sẵn sàng nhét một vài chục chiếc xe máy trong đó.

Tuy nhiên, khi phương tiện vận tải khách đường bộ gánh thêm chức năng vận chuyển một loại phương tiện cơ giới đường bộ khác kiểu "2 trong 1" đã trở nên phổ biến, ông Lê Hồng Việt, Phó chánh Thanh tra Sở GTVT thành phố, cho biết: Cho tới nay, quy định vận tải không có văn bản nào cho phép hoặc cấm phương tiện vận tải khách đường bộ vận chuyển xe máy. Xe máy trong quá trình vận chuyển vẫn được coi là một loại hàng hoá thông thường chỉ với điều kiện phải rút hết xăng ra.

Mà chỉ cần quan sát xung quanh thao tác rút xăng kiểu thủ công khi khách gửi xe gắn máy của nhân viên bốc xếp trước khi đưa lên tàu, xe, nguy cơ cháy nổ đã luôn chực chờ chứ không nói gì đến quá trình vận chuyển dằn xóc, xô đẩy trên đường. 

Tại Bến xe Miền Đông, ngày cao điểm có hàng trăm chiếc xe máy được khách gửi theo xe ôtô. Song do điều kiện bến bãi chật chội nên hiện bến chưa thể bố trí một khu vực riêng dù là nhỏ hẹp để dùng cho việc rút xăng từ trong xe gắn máy trước khi đưa lên xe khách. Dù xe máy khách vừa chạy từ nhà ra bến máy còn nóng, nhưng chỉ cần khách chọn, ngã giá với nhà xe xong là nhân viên đội bốc xếp của bến hoặc lơ xe dằn ngửa ra dùng tô vít tháo van xả xăng từ bình xăng con của xe vào chai.

Thậm chí do bến đỗ xe chật chội và cũng để khách yên tâm ra về, chẳng cần chờ máy xe nguội hẳn, ngay sau khi hút xăng, nhà xe sẵn sàng mở nắp hầm hàng tống ngay xe máy vào cốp. Cốp xe khách bình thường đã nóng, nếu xe khách vừa dừng sau một hành trình dài thì nhiệt độ trong hầm hàng sẽ giống như lò nung.

Nguy cơ mất an toàn phòng chống cháy nổ cũng gia tăng từ hiện tượng này. Chưa hết, xe máy để trần trụi không bao gói, trong cốp xe khách được nhà xe xếp dựng đứng và chằng, buộc dây sơ sài nên trong hành trình vận chuyển dài, quá trình nhồi, lắc còn tạo lực ma sát dễ gây xô đẩy và ai dám chắc lượng xăng còn dư lại trong xe máy không thể phát cháy?

Tại ga Sài Gòn, việc vận chuyển xe gắn máy tuy được bao gói, đóng rọ kỹ càng hơn; quá trình vận chuyển, xe máy cũng được để riêng trong toa hàng… song các thao tác thực hiện rút xăng trong xe, trữ xăng và bình cũng chỉ được nhân viên bốc xếp làm một cách thủ công, điều này gióng lên hồi chuông cảnh báo về mất an toàn phòng chống cháy nổ.

Và thực tế này cũng cho thấy rằng việc vận chuyển xe gắn máy đang thiếu một chế tài để xếp xe máy như một loại hình hàng hóa đặc biệt trong quá trình vận chuyển nhằm phòng ngừa rủi ro

Đức Thắng
.
.
.