Tỉ lệ tham gia BHXH còn thấp: Thiếu minh bạch nên chưa tạo được niềm tin

Chủ Nhật, 27/09/2015, 08:40
Bảo hiểm xã hội (BHXH) là rất cần thiết để khi về già có chỗ dựa về tài chính nên Nhà nước đã đặt ra mục tiêu bao phủ BHXH 50% số người lao động vào năm 2020. 

Thế nhưng hiện mới chỉ có hơn 20% dân số có BHXH, mà chủ yếu là BHXH bắt buộc. Vì vậy, mục tiêu trên quả là thách thức lớn với ngành BHXH Việt Nam. Nguyên nhân nào khiến nhiều người dân “bất hợp tác” với BHXH?

Với các nghiên cứu về chính sách BHXH, các chuyên gia chỉ ra nguyên nhân của việc có rất ít người tham gia BHXH là do một số chính sách, quy định pháp luật chưa phù hợp, cơ chế quản lý, thực hiện BHXH còn nhiều thiếu sót.

Nhiều người lao động tự do không biết có BHXH tự nguyện để tham gia.

Theo bà Bùi Tuyết Nhung, một cán bộ Công đoàn kỳ cựu ở TP Hồ Chí Minh: Việc không công bằng trong hưởng thụ giữa người tham gia BHXH bắt buộc với người tham gia BHXH tự nguyện cũng tác động đến vấn đề này: Mức đóng của BHXH tự nguyện là 22% so với BHXH bắt buộc lại cao hơn 14%, trong khi họ chỉ được hưởng hai chế độ dài hạn là hưu trí và tử tuất, còn BHXH bắt buộc lại được thực hiện với 5 chế độ: ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, hưu trí, tử tuất.

PGS.TS Lê Thị Hoài Thu (Viện Nghiên cứu Chính sách, Pháp luật và Phát triển) chỉ ra: Luật BHXH sửa đổi có qui định Nhà nước hỗ trợ người tham gia BHXH tự nguyện nhưng đến nay chưa được hướng dẫn cụ thể, rõ ràng về đối tượng, mức hỗ trợ và phương thức hỗ trợ. Công tác truyền thông về BHXH tự nguyện thiếu các hình thức thông tin phù hợp với đối tượng tham gia nên nhận thức về tuổi già và phòng ngừa rủi ro của người dân còn hạn chế, thiếu hiểu biết về vai trò, lợi ích của BHXH tự nguyện: Chỉ 25,2% số người được khảo sát cho là cần thiết tham gia BHXH tự nguyện và 74,8% là không cần thiết. Hoặc nhiều người lao động luôn phải lo lắng cuộc sống khi về già nhưng lại không biết có BHYT tự nguyện.

Anh Phạm Văn Trường (lao động bốc vác tại chợ Long Biên) chia sẻ: “Tôi đi làm từ sáng đến tối, công việc nặng nhọc nên cũng luôn lo lắng khi về già, mất sức lao động thì sẽ sống ra sao, rồi khi ốm đau? Nhưng tôi chưa bao giờ được nghe nói về BHXH. Nếu biết thì tôi đã tham gia để yên tâm khi về già vẫn có lương hưu”. Thậm chí, một thanh niên học ở Nga về, đã làm bốc vác 7 năm ở Hà Nội mà cũng không biết có BHXH. Nghiên cứu của LIGHT cho thấy: “Có tới 91% người bán hàng rong chưa từng biết đến các quy định của Bộ luật Lao động và 91,45% chưa biết đến BHXH”.

Theo các chuyên gia của Học viện Tài chính, Bộ LĐ-TB&XH, Đại học Quốc gia Hà Nội, Ngân hàng Thế giới, điều quan trọng nhất là cần có chính sách đảm bảo chia sẻ rủi ro về gánh nặng xã hội cho người dân; đặc biệt là cần minh bạch thông tin về đầu tư quỹ BHXH, vì chính là tiền của người dân đóng cho mình khi về già, BHXH chỉ là người giữ hộ. Do vậy, việc sử dụng số tiền BHXH phải đảm bảo an toàn và người dân có quyền được biết quỹ dùng vào việc gì, hiệu quả ra sao. Hàng năm, BHXH nên công bố lãi suất từ nguồn quỹ BHXH. Trên thế giới, các loại quỹ đầu tư đều phải công khai đầu tư vào đâu, sinh lời thế nào và BHXH Việt Nam cũng cần làm thế. Chỉ khi minh bạch thông tin mới khiến người dân tin tưởng tham gia BHXH.

Chuyên gia Bùi Trinh cho rằng, vụ việc 90 ngàn công nhân Công ty TNHH PouYuen Việt Nam (TP Hồ Chí Minh) đình công đòi được hưởng BHXH một lần, sau khi Điều 60 Luật BHXH 2014 qui định người tham gia BHXH phải đợi đến tuổi nghỉ hưu mới được nhận là bởi thiếu minh mạch trong BHXH. Người đóng tiền không biết tiền của mình sẽ được đầu tư thế nào, sau nhiều chục năm nữa có được trả không, đặc biệt là trong bối cảnh giá điện, giá nước và nhiều hàng hóa thường xuyên tăng, rồi lạm phát nên không có niềm tin vào hệ thống BHXH.

Nếu được thông tin minh bạch, biết rõ tiền đóng BHXH sẽ trở thành chỗ dựa tài chính khi về già, họ sẽ ứng xử khác, bởi đây là điều luật nhân đạo. Điều 60 phù hợp với các chuyên gia, những người nhìn xa trông rộng, nhưng lại chưa phù hợp với hoàn cảnh thực tại. Do đó, khi làm chính sách phải tìm hiểu xem người dân cần gì và cần phải đưa ra nhiều phương án.

PGS.TS Lê Thị Hoài Thu kiến nghị Nhà nước cần có lộ trình hỗ trợ người lao động trong quá trình đóng BHXH tự nguyện để tăng quy mô người tham gia loại hình BHXH này trên cả nước. Mở rộng chế độ trong BHXH tự nguyện để người lao động tham gia BHXH tự nguyện được bình đẳng về quyền lợi như lao động tham gia BHXH bắt buộc. Trước mắt có thể bổ sung chế độ thai sản trong BHXH tự nguyện thu hút lao động nữ tham gia loại hình BHXH này. Tăng cường vai trò truyền thông của các tổ chức đoàn thể như Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, tổ dân phố với các phương thức phù hợp với đặc điểm sinh hoạt, làm việc của người lao động.

Nhiều ý kiến cũng cho rằng, Nhà nước chỉ nên “bao sân” ở khu vực công, còn lại, để cho các thành phần kinh tế khác tham gia làm BHXH. Vấn đề tạo thuận lợi khi tham gia BHXH cũng là cách để thu hút nhiều người tham gia.

Thanh Hằng – Phan Hoạt
.
.
.