Thiếu kiên quyết xử lý khai thác khoáng sản trái phép tại Hải Phòng

Thứ Ba, 10/06/2014, 15:21
Công tác đấu tranh phòng chống tội phạm về môi trường của lực lượng CA Hải Phòng ngày càng khó khăn. Khó vì đối tượng sử dụng nhiều phương thức, thủ đoạn đối phó chỉ một phần, chủ yếu là vướng mắc bởi chế tài xử lý chưa cụ thể, rõ ràng.

 

Những năm qua, Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường thuộc Công an TP Hải Phòng (CATP) đã triển khai nhiều biện pháp phòng, chống hành vi khai thác khoáng sản trái phép. Số vụ  kiểm tra, xử lý không ngừng tăng.

Trong đó, có không ít vụ nghiêm trọng như vụ kịp thời ngăn chặn triệt hạ ngọn núi đất ở xã Lưu Kiếm, huyện Thủy Nguyên, khởi tố 2 DN là Tiến Đại và Tám Nghiên bởi hành vi khai thác cát trái phép. Trong đó, DN Tám Nghiên đang được cơ quan điều tra CATP hoàn chỉnh hồ sơ để đề nghị truy tố trước pháp luật. Nhưng càng về sau, công tác đấu tranh phòng chống tội phạm về môi trường ngày càng khó khăn, vướng mắc. Khó vì đối tượng sử dụng nhiều phương thức, thủ đoạn đối phó chỉ một phần, chủ yếu là vướng mắc bởi chế tài xử lý chưa cụ thể, rõ ràng.

Cát khai thác trái phép ngang nhiên được phun vào bãi tập kết ven sông Văn Úc.

Ngày 6/6, trao đổi với PV Báo CAND, Thượng tá Phạm Trọng Cát, Phó phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường - CATP Hải Phòng cho biết, khai thác cát trái phép trên địa bàn Hải Phòng giờ đã đến mức quá nghiêm trọng. Chỉ tính riêng nhu cầu cát san lấp mặt bằng phục vụ thi công các công trình hạ tầng trọng điểm Nhà nước thì mỗi năm đã xấp xỉ hàng chục triệu mét khối cát. Điều đáng lưu ý phần lớn trong khối lượng cát khổng lồ đang được đưa vào thi công không hề có hoá đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc.

Mặc dù công tác kiểm tra, xử lý trên lĩnh vực môi trường không ngừng được đơn vị triển khai quyết liệt, nhưng do nhu cầu quá lớn, lợi nhuận quá cao, nên tình trạng khai thác, vận chuyển và kinh doanh khoáng sản cát không ngừng gia tăng. Theo số liệu điều tra cơ bản mới nhất thì đến nay, toàn thành phố có 182 bến bãi tập kết và kinh doanh cát quy mô lớn hình thành dọc các bãi sông Văn Úc, Lạch Tray và các sông nhánh khác. Phần lớn các bến bãi đều do DN hoặc người dân tự lập bất chấp quy hoạch hành lang bảo vệ ATGT đường thuỷ nội địa, hành lang bảo vệ đê điều, Với đà này, nếu không có giải pháp hữu hiệu ngăn chặn, xử lý thì thảm họa về môi trường, biến đổi dòng chảy ngày càng tồi tệ trong khi Nhà nước thất thu cả ngàn tỷ đồng mỗi năm từ hai khoản thuế tài nguyên và phí bảo vệ môi trường.

Trước những bức bối về tình trạng khai thác cát ngày càng vô tội vạ, Chính phủ đã có Công văn số 3357/VPCP-VIII giao các địa phương khẩn trương thực hiện các biện pháp và xử lý hiệu quả tình trạng khai thác cát trái phép trên địa bàn. Theo tinh thần đó, ngày 21/5/2014, UBND TP Hải Phòng ra Công văn hỏa tốc số 3491/UBND-KS gửi CATP, Sở Tài nguyên Môi trường (TNMT) và UBND các quận, huyện yêu cầu thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng và báo cáo kết quả trước ngày 5/6/2014. Nay thời hạn đó đã qua, nhưng hầu như không một đơn vị, sở, ngành nào có thể làm được việc gì để có số liệu báo cáo với chính quyền thành phố.

Thượng tá Phạm Trọng Cát giãi bày, lệnh trên đã ban thì dưới phải tiếp nhận, nhưng tại thời điểm này, các cơ quan chức năng không thể nào triển khai thực hiện được. Bởi lẽ, ứng xử đối với loại tội phạm này cần phải triển khai đồng loạt ở 3 "mặt trận": Khai thác; vận chuyển; tàng trữ, kinh doanh. Tuy nhiên, từ tháng 10/2013, Nghị định 142/2013/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực khoáng sản ra đời, hành vi vận chuyển, tàng trữ, kinh doanh khoáng sản không có chứng từ chứng minh nguồn gốc khoáng sản lại không được coi là vi phạm?!

Vậy là hơn nửa năm trôi qua, kể từ khi Nghị định 142/2013/CP-NĐ có hiệu lực thi hành,  cơ quan chức năng thúc thủ. Đây cũng có thể coi là cơ hội để bến bãi mọc nhanh như nấm, phương tiện vận chuyển khoáng sản từ đường thuỷ đến đường bộ tấp nập ngày đêm. Còn các đơn vị kinh doanh thì chỉ cần hợp thức hoá hoá đơn GTGT là mọi vướng mắc coi như không còn nữa.

Cũng về vấn đề này, một cán bộ thanh tra của Sở TNMT TP Hải Phòng cho PV Báo CAND biết, đơn vị này rất bất ngờ bởi các hành vi mua bán, vận chuyển, tàng trữ khoáng sản không có chứng từ chứng minh nguồn gốc không được coi là vi phạm hành chính.

Ngày 9/6, Thượng tá Phạm Trọng Cát cho biết, đơn vị đã báo cáo với Công an TP Hải Phòng có văn bản kiến nghị lên Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường, báo cáo Bộ Công an đề nghị Chính phủ xem xét, bổ sung chế tài xử phạt hành chính đối với hành vi vận chuyển, tàng trữ và kinh doanh khoáng sản không có chứng từ chứng minh nguồn gốc tại Nghị định 142/2013/CP-NĐ. Một số cấp, ngành và địa phương các tỉnh Hải Dương, Thái Bình và Quảng Ninh cũng đã có ý kiến tương tự.

Theo chúng tôi, những bức xúc và kiến nghị nêu trên là hoàn toàn hợp lý trong bối cảnh các đối tượng khai thác trái phép khoáng sản đang có biểu hiện ngày càng lộng hành. Đề nghị các cơ quan soạn thảo, ban hành và giám sát thực hiện các văn bản pháp quy cần rà soát và bổ sung thêm các điều khoản tại Nghị định 142/2013/NĐ-CP giúp các lực lượng chức năng, các cấp, các ngành có điều kiện tốt để kiểm tra, xử lý các hành vi khai thác khoáng sản trái phép 

Lê Minh Triết
.
.
.