Thiệt hại hàng trăm tỷ đồng vì thủy điện bất ngờ tích nước

Thứ Năm, 17/10/2013, 00:24
Theo báo cáo của UBND huyện Lâm Hà (tỉnh Lâm Đồng) cho biết, sau hơn 10 ngày tích nước lòng hồ Thủy điện Đồng Nai 2, đến nay đã có hơn 400ha cà phê cùng nhiều tài sản của người dân đã bị nhấn chìm trong nước, ước tính thiệt hại lên đến gần 200 tỷ đồng.
>> Kiên quyết không để các hồ chứa không bảo đảm an toàn tiếp tục tích nước

Sáng 15/10, chúng tôi có mặt tại xã Liên Hà và Tân Thanh, huyện Lâm Hà khi lòng hồ thủy điện Đồng Nai 2 (do Công ty cổ phần Thủy điện Trung Nam làm chủ đầu tư) vừa tích nước đạt cao trình mực nước chết (665m), hình ảnh đầu tiên chúng tôi ghi nhận được là những rẫy cà phê của người dân sắp đến kỳ thu hoạch bị nhấn chìm trong biển nước. Bên cạnh đó là một số nhà dân chưa kịp di dời, nằm nổi lênh đênh giữa lòng hồ, có căn ngập tận mái. Nhiều tài sản giá trị khác cũng bị dòng nước cuốn trôi.

Theo phản ánh của người dân xã Liên Hà và Tân Thanh thì vào ngày 19/9, họ nhận được tin báo của Thủy điện Đồng Nai 2 tích nước. Chưa kịp trở tay thì rạng sáng 21/9, thủy điện đã chặn dòng, nước dâng lên nhanh vùn vụt và đến trưa cùng ngày thì bắt đầu ngập vườn tược, nhà cửa.

Thủy điện Đồng Nai 2 tích nước khiến người dân trở tay không kịp, nhiều tài sản bị nhấn chìm.

Ông Nguyễn Tấn Hoàng (trú thôn Sình Công, xã Liên Hà) cho biết, do nước dâng quá nhanh, gia đình ông chỉ kịp mang theo một ít quần áo di dời lên cao, còn lại nhà cửa, heo gà và 9 sào cà phê sắp chín đều bị nhấn chìm trong biển nước… Không chỉ gia đình ông Hoàng mà hàng chục hộ dân tại 2 xã Liên Hà và Tân Thanh cũng phải “bỏ của chạy lấy người” khi thủy điện Đồng Nai 2 tích nước. “Đáng lẽ họ phải thông báo trước khoảng một tuần, để người dân chúng tôi có thời gian chuẩn bị di dời tài sản”, nhiều người dân bức xúc phản ánh.

Không chỉ người dân, mà lãnh đạo hai xã Liên Hà và Tân Thanh cũng cho rằng thời gian thông báo tích nước của Thủy điện Trung Nam như vậy là “quá gấp”, dân không thể kịp xoay xở. Chủ tịch UBND xã Liên Hà, ông Đào Xuân Sơn, cho biết, ngày 19/9, xã nhận được tin và báo bằng điện thoại cho các thôn để thông báo cho dân về việc thủy điện tích nước. Đến ngày 21/9 thì thủy điện tích nước, người dân trở tay không kịp.

Ngày 22 và 23/9, địa phương đã phải huy động lực lượng hỗ trợ dân “chạy” được một số tài sản, còn nhiều máy bơm, ao cá và nhất là vườn cà phê (trong đó cà phê katimo đã chín) chưa kịp thu hoạch bị nhấn chìm. Chỉ tính riêng 200ha cà phê của người dân đã thiệt hại khoảng 160 tỷ đồng.

Còn tại xã Tân Thanh, có khoảng 100ha cà phê của 47 hộ dân bị ngập, trong đó 70% diện tích sắp thu hoạch đã bị nhấn chìm. Chủ tịch UBND xã Tân Thanh, ông Đoàn Văn Trung, cho biết, trong số những hộ dân trên, có 30 hộ chưa nhận được tiền đền bù hỗ trợ đến khi thủy điện tích nước, một số khác nhận chưa đủ tiền. Vì vậy, khi nhà cửa, vườn tược bị ngập, dân không biết làm gì để sống, không có tiền mua đất, mua nhà.

Không chỉ gây ngập úng hoa màu, nhấn chìm tài sản của hàng trăm hộ dân tại 2 xã Liên Hà và Tân Thanh mà đến ngày 15/10, tại thôn Gia Bắc 2, xã Liên Nghĩa, huyện Di Linh đã xảy ra tình trạng sụt lún và nứt đất, làm ảnh hưởng đến hàng chục căn nhà. Trong đó, đã có 3 căn của người dân bị sụp đổ hoàn toàn, hàng chục ha cà phê chuẩn bị thu hoạch bị ảnh hưởng.

Nhiều diện tích cà phê, hoa màu của dân bị nhấn chìm trong nước.

Qua trao đổi với người dân trong vùng bị ảnh hưởng cho biết, những vết nứt chỉ xuất hiện sau khi lòng hồ thủy điện Đồng Nai 2 tích nước. Lãnh đạo huyện Di Linh cho biết, khu vực nứt đất nằm cách bờ hồ Thủy điện Đồng Nai 2 khoảng 500m. Tuy nhiên, hiện tượng này có liên quan đến việc tích nước hồ thủy điện Đồng Nai 2 hay không phải chờ các nhà chuyên môn vào cuộc khảo sát, kết luận. Trước mắt, huyện đã vận động, hỗ trợ dân di dời khỏi khu vực nguy hiểm để tránh tình trạng đáng tiếc xảy ra.

Theo báo cáo của UBND huyện Lâm Hà, Dự án thủy điện Đồng Nai 2 có diện tích đất thu hồi 475ha của 297 hộ với tổng kinh phí chi trả bồi thường, hỗ trợ là 134 tỷ đồng. Đến tháng 9/2013, Công ty cổ phần Thủy điện Trung Nam đã chuyển hơn 81 tỷ đồng để chi trả cho 156 hộ thuộc khu vực lòng hồ. Khi thủy điện tích nước, mực nước dâng nhanh, toàn bộ các hộ dân trong vùng bị ngập chưa kịp di dời. Huyện đã huy động lực lượng giúp dân tháo dỡ nhà, di chuyển tài sản và thu hái cà phê nhưng do nước dâng quá nhanh nên chỉ thu hoạch được 4ha cà phê, còn lại bị ngập. Nhiều hộ cũng chưa kịp thu hoạch cá, gia cầm, vật nuôi và di dời tài sản, máy móc…

V.T.
.
.
.