Thị trường mua bán thận "sôi động"

Thứ Sáu, 09/05/2008, 14:58
Tại Bệnh viện Chợ Rẫy, hằng năm có hàng chục trường hợp người gửi đơn, thậm chí xin gặp Giám đốc bệnh viện "năn nỉ" xin bán thận, hay đề nghị xác nhận tình trạng sức khỏe bình thường để được qua nước ngoài… bán thận. Nếu không bán được ở Việt Nam thì chuyện họ tìm cách đi nước ngoài để bán hoàn toàn có thể xảy ra khi mà các đường dây mua bán đã đón họ ngay cổng bệnh viện.
>> Hành trình bán thận

Đang từ một sinh viên khỏe mạnh, sau một ca phẫu thuật bán thận, Tô Công Luân, sinh viên năm thứ 2 Trường Cao đẳng Kinh tế kỹ thuật công nghiệp 2 TP Hồ Chí Minh đã rơi vào tình trạng liệt não và nguy cơ khó qua khỏi.

Thông tin chính thức từ người được cho thận là Phó Giám đốc Sở Nội vụ Nguyễn Tấn Tài cho biết, người giới thiệu cho ông sang Trung Quốc ghép thận là Giám đốc Bệnh viện Nhân dân 115 - bác sỹ Nguyễn Quốc Khánh.

Xét về khía cạnh đạo đức cũng như chuyên môn, vụ việc đau lòng trên đã và đang dấy lên một hồi chuông báo động về tình trạng mua bán nội tạng xuyên quốc gia đang ngày càng hoạt động ráo riết do nhu cầu cấy ghép tạng ngày càng lớn.

Khi thương mại hóa nội tạng…

Phải bán đi một phần cơ thể là việc bất đắc dĩ do sẽ có ảnh hưởng rất lớn tới sức khỏe. Về lý thuyết, một con người hoàn toàn có thể sống "bình thường" với một quả thận nhưng để đảm bảo họ có thể sống bình thường với một quả thận hay không thì còn phải được xác định bằng các xét nghiệm y khoa.

Chiều 7/5, bác sĩ Trương Văn Việt, Giám đốc Bệnh viện, Chủ tịch Hội đồng ghép thận của Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết: "Thận có vai trò điều chỉnh chất điện giải, chất độc ra khỏi cơ thể… việc một người thân cho một người cùng huyết thống một quả thận vẫn có thể duy trì cuộc sống gần như bình thường. Nhưng vô cùng nguy hiểm cho ai mắc những bệnh truyền nhiễm hay máu không đông như Tô Công Luân khiến phải mổ đi mổ lại 5 lần dẫn tới liệt não như hiện nay".

Sinh viên Tô Công Luân đang được mẹ chăm sóc trong tình trạng sức khỏe nguy kịch (Ảnh: Chương Nga).

Nguyên nhân gì khiến các bác sỹ trong ca phẫu thuật lấy thận của Luân mắc một lỗi sơ đẳng về chuyên môn như vậy? Điều này chỉ có thể giải thích là do áp lực từ những "hợp đồng" cấy ghép đang chờ sẵn. Nhưng hơn cả chính là lợi nhuận đã làm họ nhắm mắt làm ngơ. Tại Bệnh viện Chợ Rẫy, những trường hợp cho thận tương tự phải được khám rất kỹ.

TS-BS Trần Ngọc Sinh - Trưởng khoa Thận niệu bệnh viện cho biết: Đó là người không mắc các bệnh truyền nhiễm và chịu được cuộc mổ lớn để lấy thận, không mắc các bệnh về phổi, tim mạch, cao huyết áp, đái tháo đường, những bệnh về rối loạn đông máu như xơ gan, đặc biệt là máu không đông (rất nguy hiểm vì khi mổ bị chảy máu không cầm được). Ngoài ra, còn có một yếu tố rất quan trọng: người bệnh phải được chứng nhận trong tình trạng sức khỏe tinh thần tốt.

Cũng theo TS-BS Sinh, riêng tại Bệnh viện Chợ Rẫy, quy định về tình hình sức khỏe của người hiến và nhận thận được áp dụng từ năm 1992 đến nay là: người cho thận phải là người cùng huyết thống hoặc phải lý giải được một cách minh bạch, rõ ràng là tự nguyện cho chứ không vì lý do mua - bán.

Nhờ sự chặt chẽ trong các quy định của bệnh viện nên kể từ khi thực hiện được ca ghép thận đầu tiên vào năm 1992 cho tới nay, trong số 134/200 ca được ghép thận trong cả nước là của ê kíp ghép thận Bệnh viện Chợ Rẫy. Và 128/134 ca hiện vẫn đang sống khỏe mạnh và kiên trì sử dụng thuốc chống thải ghép và do các bác sỹ ở đây nhận điều trị. Điều đó cho thấy tỷ lệ thành công rất cao.

Ngoài ra, tại Bệnh viện Chợ Rẫy còn trên 200 bệnh nhân đang được dùng thuốc chống thải ghép là được ghép từ nước ngoài (chủ yếu từ Trung Quốc).

Rõ ràng ghép thận không phải là một chuyên môn quá khó đối với các bác sỹ Việt Nam. Nhưng vì sao kỹ thuật cấy ghép trong nước hoàn toàn có thể đảm bảo cho những ca cấy ghép thận mà sao bệnh nhân cứ phải đi nước ngoài để thực hiện? TS-BS Ngọc Sinh khẳng định, tất cả các cuộc mua bán tạng "lậu" đều xuất phát từ nguyên nhân không có người cho.

Và cũng theo TS-BS Sinh, sau ca mổ ghép chỉ là bước đầu cho một quá trình bệnh nhân phải đấu tranh với sinh tồn, với quả thận mới. Thời gian bệnh nhân sống được bao lâu phụ thuộc vào thành công của việc dùng thuốc chống thải ghép.

Những ca ghép từ Trung Quốc về với Chợ Rẫy theo thống kê thì tỷ lệ thành công chỉ đạt 60%, dưới mức 90% mà thế giới đã làm được. 40% còn lại trong tình trạng… đem "hũ tro" trở về nước.

Hiện Bệnh viện Nhân dân Gia Định cũng đang theo dõi chống thải ghép cho 4 trường hợp đã ghép thận ở Trung Quốc về, 2 trong số này đang có dấu hiệu suy thận mãn (STM) trở lại… Trong đó phần lớn bệnh nhân tử vong do mắc bệnh virus và những bệnh khác.

Thế giới cũng đã chứng minh ghép thận từ người cùng huyết thống có tỷ lệ thành công tới 99%. Không cùng huyết thống tỷ lệ thành công chỉ đạt 85%. Những thông tin trên phần nào cho thấy mức độ nguy hiểm khi "thương mại hoá" nội tạng cơ thể con người và Luân là một ví dụ điển hình.

Cung không đủ cầu

Theo điều tra tại tất cả các nước đang áp dụng chế độ Bảo hiểm y tế toàn dân (ở châu Âu, châu Mỹ) thì trong 1 triệu người dân có khoảng 200 tới 300 người là mắc bệnh STM giai đoạn cuối. Với nước ta có 80 triệu dân thì con số mắc STM này vào khoảng hơn 1.000 người.

Hiện Khoa Chạy thận nhân tạo của Bệnh viện Nhân dân Gia Định chỉ có 12 máy nhưng luôn phải phục vụ tới 65 bệnh nhân.

Tại Bệnh viện Nhân dân 115, Bệnh viện Đa khoa tư nhân An Sinh có chế độ chạy thận nhân tạo được BHYT thanh toán nên số máy luôn quá tải, không đủ phục vụ bệnh nhân.

Trong số 500 bệnh nhân đang điều trị thận tại Bệnh viện Chợ Rẫy có khoảng 30% có nhu cầu ghép thận nhưng chỉ 1% trong số họ là có người nhà cho thận. 99% còn lại cần người cho từ ngoài gia đình.

Và ghi nhận tại đây hằng năm vẫn có hàng chục trường hợp người gửi đơn, thậm chí xin gặp Giám đốc bệnh viện "năn nỉ" xin bán thận, hay đề nghị xác nhận tình trạng sức khỏe bình thường để được qua nước ngoài… bán thận.

Thực trạng nhiều người quá bức bách muốn bán phủ tạng lấy tiền là một thực tế. Nếu không bán được ở Việt Nam thì chuyện họ tìm cách đi nước ngoài để bán hoàn toàn có thể xảy ra khi mà các đường dây mua bán đã đón họ ngay cổng bệnh viện.

Theo các bác sỹ, dù STM nhưng bệnh nhân vẫn có thể tiếp tục duy trì cuộc sống bằng chạy thận nhân tạo, bằng phương pháp lọc màng bụng liên tục… do đó người có nhu cầu cũng đừng quá bức bách tìm mọi cách để có quả thận bằng được mà trở thành người gây ra tội ác cho người khác.

Hơn nữa tại Việt Nam, Luật Hiến mô, bộ phận cơ thể người và hiến xác đã ban hành năm 2006 và tháng 7/2007 đã có hiệu lực. Đây là một tín hiệu đáng mừng cho những người có nhu cầu cấy ghép tạng và cả những người có nhu cầu hiến tặng sẽ được thực hiện một cách an toàn với cả người cho và người nhận

H.Nga
.
.
.