Thí sinh chọn nghề học theo… cảm tính

Thứ Năm, 20/03/2008, 10:49
Khi đặt câu hỏi với các em học sinh về các ngành nghề nào mà xã hội đang cần, hoặc được dự báo là sẽ rất khát nhân lực trong tương lai thì đa số các em đều tỏ ra ngơ ngác. Các em vẫn lựa chọn nghề nghiệp theo cảm tính, chọn nguyện vọng nghề nghiệp theo phong trào và theo định hướng của bố mẹ mà không đủ khả năng phân tích năng lực thực sự của mình.

Lần đầu tiên tại Hà Nội, một ngày hội về nghề nghiệp dành cho thanh niên Thủ đô đã được Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở LĐTB&XH phối hợp với Thành đoàn Hà Nội tổ chức trong hai ngày 18, 19/3 tại khuôn viên Trường Trung học Thương mại Du lịch Hà Nội.

Rất nhiều hoạt động đã diễn ra như biểu diễn thời trang, hội chợ ẩm thực, hội thảo, tư vấn nghề nghiệp, nhưng theo ghi nhận của chúng tôi, các gian hàng của 60 đơn vị trường nghề và doanh nghiệp, phần tâm điểm của ngày hội vẫn chỉ dừng lại ở việc quảng bá, giới thiệu hình ảnh của trường với mục đích tuyển sinh chứ chưa đưa ra được những thông tin cần thiết về các ngành học cũng như thông tin về thị trường lao động để các em học sinh lựa chọn nghề nghiệp.

Nhiều bạn học sinh của Trường THPT Đại Mỗ cũng tâm sự với chúng tôi về nguyện vọng thi vào các trường đại học, lựa chọn một trường nghề chỉ là để nhỡ có trượt đại học thì có chỗ đi học.

Trong khi nhiều gian hàng trong cảnh đìu hiu, nhất là các trường khối nông-lâm-nghiệp thì các gian hàng liên quan đến các ngành nghề "hot" hiện nay như công nghệ thông tin, lập trình viên, thương mại, kế toán lại rất được nhiều bạn trẻ quan tâm.

Chọn trường, chọn ngành học để quyết định cho sự nghiệp trong tương lai bao giờ cũng là khâu băn khoăn nhất của học sinh cuối cấp THPT nhưng trong rất nhiều hoạt động diễn ra tại ngày hội, thông tin về thị trường lao động vẫn rất mờ nhạt.

Khi chúng tôi đặt câu hỏi về các ngành nghề nào mà xã hội đang cần, hoặc được dự báo là sẽ rất khát nhân lực trong tương lai thì đa số các em đều tỏ ra ngơ ngác. Các em vẫn lựa chọn nghề nghiệp theo cảm tính, chọn nguyện vọng nghề nghiệp theo phong trào và theo định hướng của bố mẹ mà không đủ khả năng phân tích năng lực thực sự của mình.

Đồng chí Hoàng Hữu Niềm, Trưởng phòng Chuyên nghiệp Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cho biết: Hoạt động hướng nghiệp cần có một quá trình, không phải một chốc một lát nhưng ở các trường THCS nhìn chung chưa được đặt ra một cách nghiêm túc. Thời gian gần đây ở các trường phổ thông mỗi tuần đều có 1 tiết học về hướng nghiệp nhưng vẫn chỉ làm có tính hình thức.

Trên địa bàn Hà Nội có trên 40 trường do Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội quản lý với trên 100 ngành học khác nhau. Khối trường Kinh tế - Dịch vụ - Thương mại chiếm tỷ lệ cao nhất (gần 50%), sau đó là công nghiệp, nông nghiệp. Việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp. Hà Nội cũng chưa có trường nghề nào xây dựng được thương hiệu mạnh, hấp dẫn học sinh.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Đông, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Nghề cơ điện Hà Nội khẳng định, việc tổ chức một ngày hội nghề nghiệp cho thanh niên Thủ đô là việc làm rất có ý nghĩa nhưng giữa các trường và doanh nghiệp còn mang tính độc lập, chưa tạo được sự liên thông liên kết để cung cấp thông tin, tư vấn cho học sinh.

Các trường chỉ giới thiệu ngành nghề trường đào tạo trên giấy, trên máy chiếu, chứ không có không gian để trưng bày các trang thiết bị của ngành học để học sinh có thể hình dung trực quan bước đầu về ngành nghề của trường.

Đáng tiếc số lượng học sinh tham gia ngày hội đông nhưng đối với nhiều em vẫn chỉ coi đây là cuộc dạo chơi. Hoạt động của những ngày hội thanh niên với nghề nghiệp như trên mới chỉ "cưỡi ngựa xem hoa". Vì thế, các thí sinh thường chọn nghề học theo cảm tính là điều dễ hiểu

Uyên Hạnh
.
.
.