Thí điểm mô hình nhà trường và doanh nghiệp đào tạo nghề

Thứ Ba, 16/07/2013, 22:37
Sau kỳ thi ĐH, CĐ, các trường nghề, bao gồm hệ thống 160 trường cao đẳng nghề (CĐN) và trên 300 trường trung cấp nghề (TCN), chưa kể 700 cơ sở dạy nghề, lại phấp phỏng chờ đợi một mùa tuyển sinh mới. Lựa chọn học nghề để làm hành trang bước vào đời chưa khi nào được thí sinh coi là lựa chọn đầu tiên.

Ông Dương Đức Lân, Tổng Cục trưởng Tổng cục Dạy nghề, Bộ LĐ-TB&XH cho rằng, câu chuyện khó tuyển sinh, thậm chí có trường, có cơ sở đào tạo nghề ở Việt Nam không tuyển sinh được, chính là vấn đề phân luồng.

Ở CHLB Đức, ông Lân cho biết, công tác phân luồng được tiến hành ngay từ bậc mẫu giáo. Các giáo viên đã có ý thức phân luồng, định hướng nghề nghiệp cho học sinh dựa trên sở thích đặc biệt đối với những thứ đồ chơi. Tiếp đến các bậc học phổ thông, từ bậc tiểu học, giáo viên cũng ghi chép cẩn thận xem các em có thiên hướng gì. Sau đó khi tốt nghiệp bậc THCS, các em học sinh phải đạt điểm tổng kết theo quy định, ví dụ từ 8 điểm trở lên mới được học tiếp lên THPT, số còn lại đều đi học nghề (vừa học nghề, vừa học văn hóa) theo tỷ lệ 30% tốt nghiệp THCS học tiếp lên THPT, 70% còn lại là vừa học nghề, vừa học văn hóa.

Tại Đức, học nghề được hoàn toàn miễn phí, ngoài ra mỗi em còn được nhận trợ cấp từ 500 – 700 EU/tháng, tương đương 15 đến 20 triệu đồng/tháng. Đối với quốc gia phát triển bậc nhất khối EU, Đức vẫn thực hiện tập trung chủ yếu là đào tạo nghề (70%) và học sinh học nghề ra không bao giờ thất nghiệp. Ra trường, học sinh được làm việc ngay tại DN, nhà máy đã từng được học.

Trong khi, ở Việt Nam, nhu cầu tiếp nhận lao động qua học nghề rất cao, không có chuyện thừa. Chỉ tính riêng Công ty Samsung, đang xây dựng thêm 2 nhà máy ở Thái Nguyên và Bắc Ninh, đều có nhu cầu tuyển mỗi nhà máy 30.000 lao động. Tổng cục Dạy nghề cho biết, từ năm 2007, bắt đầu có chương trình CĐN, đến nay đã có 3 khóa học sinh tốt nghiệp, hầu hết các em đều nhận được việc làm ngay sau lễ tốt nghiệp. Khóa đầu tiên tốt nghiệp năm 2010, có 23.000 học sinh, các nghề kỹ thuật đều được tiếp nhận hết; còn 2 nghề công nghệ thông tin và kế toán DN thì đạt 70%. Số còn lại cũng có được việc làm sau 2, 3 tháng ra trường.

Ông Dương Đức Lân, Tổng Cục trưởng Tổng cục Dạy nghề, còn cho biết, để cải thiện tình trạng này, đồng thời đảm bảo đổi mới và nâng cao năng lực của đào tạo nghề, tới đây đào tạo nghề sẽ có nhiều thay đổi. Đặc biệt, mô hình đào tạo kép, kết hợp giữa nhà trường và doanh nghiệp theo mô hình đào tạo nghề của CHLB Đức, đang được Bộ LĐ-TB&XH cho phép thực hiện thí điểm.

Hiện Bộ này đã cho phép Trường CĐ nghề LILAMA 2 ở Đồng Nai đã kết hợp với Công ty Boch, chuyên sản xuất các loại dụng cụ cơ khí của Đức, tuyển sinh một lớp thí điểm đầu tiên với 30 học sinh. Ngoài việc học lý thuyết tại Trường CĐ nghề LILAMA 2, học thực hành làm việc luôn tại DN, học sinh còn được DN trả lương 3 triệu đồng/tháng. Sắp tới, lớp học thứ hai sẽ được thực hiện tại Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên. Trường này sẽ kết hợp với 2 DN của Đức, đào tạo lao động nghề cơ điện tử với 2 chương trình: thời gian học 1,5 năm đối với học sinh tốt nghiệp Trung cấp nghề cơ điện tử; 3 năm đối với học sinh tốt nghiệp THPT.

Đổi mới đào tạo nghề đào tạo cho DN cần, đặc biệt là những nghề kỹ thuật, sẽ là hướng đi cởi trói cho các trường nghề Việt Nam  hiện nay

Thu Uyên
.
.
.