Thêm nhiều cơ hội cho thị trường xuất khẩu lao động
Đánh giá về tình hình thị trường xuất khẩu lao động trong tháng cuối năm, Cục Quản lý lao động ngoài nước tỏ ra rất khả quan. Kết quả mới nhất từ đoàn công tác của Bộ LĐ-TB&XH tại Hội nghị cấp cao về Đối thoại Abu Dhabi lần thứ ba tổ chức tại Kuwait, đã thảo luận các biện pháp nhằm thúc đẩy việc đưa và tiếp nhận lao động Việt Nam sang làm việc tại Kuwait, thị trường lao động tiềm năng ở khu vực vùng Vịnh, đang có nhu cầu tiếp nhận nhiều lao động nước ngoài phục vụ triển khai các dự án lớn về cơ sở hạ tầng. Theo đó, một số doanh nghiệp Việt Nam đã thống nhất và ký hợp đồng cung ứng lao động với các đối tác Kuwait để đưa lao động sang làm việc tại thị trường này.
Một lớp đào tạo tiếng Nhật cho ứng viên điều dưỡng, hộ lý Việt Nam vừa trúng tuyển chương trình đi làm việc tại Nhật Bản. |
Đối với thị trường tiếp nhận số lượng lao động lớn nhất hiện nay của Việt Nam là Đài Loan, một trong những thông tin đáng lưu ý liên quan đến việc tới đây Đài Loan sửa luật, bỏ quy định lao động nước ngoài hết hạn hợp đồng phải xuất cảnh 1 ngày. Ban Quản lý lao động Việt Nam tại Đài Loan cho hay, để chuẩn bị trước việc triển khai thực hiện nếu luật sửa đổi được chính thức thông qua tới đây, Bộ Lao động Đài Loan dự kiến quy định thủ tục người lao động làm thủ tục ký hợp đồng mới với chủ sử dụng cũ hoặc mới ngay tại Đài Loan mà không cần phải về nước. Việt Nam cùng 4 quốc gia khác phái cử lao động vào Đài Loan đã ký văn bản gửi Bộ Lao động Đài Loan đề nghị cần quy định chủ sử dụng phải đăng ký hợp đồng lao động với cơ quan đại diện nước người lao động, để phục vụ công tác quản lý, bảo hộ công dân và bảo vệ quyền lợi của lao động theo hợp đồng và các quyền lợi, phúc lợi khác.
Đáng lưu ý là thị trường Nhật Bản, Cục Quản lý lao động ngoài nước đã phối hợp với tỉnh Okayama tổ chức Hội thảo xúc tiến đẩy mạnh phái cử thực tập sinh (TTS) Việt Nam sang Nhật. Ông Nguyễn Gia Liêm, Trưởng Ban quản lý lao động Việt Nam tại Nhật Bản cho biết, qua khảo sát mới đây của các công ty xây dựng Nhật Bản, nhu cầu tiếp nhận lao động Việt Nam đứng ở vị trí cao nhất trong số 15 quốc gia phái cử. Từ năm 2015-2020, Nhật Bản cần 20.000 lao động Việt Nam trong lĩnh vực này. Ngoài ra, dân số Nhật Bản ngày càng già hóa, để bù vào số lượng lao động này, Nhật Bản tăng cường tiếp nhận thực tập sinh từ các quốc gia khác, trong đó có thực tập sinh Việt Nam ở tất cả các lĩnh vực. Ví dụ như tỉnh Ihime đang có nhu cầu tiếp nhận 1.000 TTS ở lĩnh vực chế biến thủy sản và dệt may…
Ngày 14/12 tới, 180 ứng viên điều dưỡng, hộ lý Việt Nam vừa trúng tuyển chương trình đi làm việc tại Nhật Bản sẽ được làm thủ tục nhập học khóa đào tạo tiếng Nhật tập trung. |
Ông Lê Long Sơn, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Esuhai, DN dẫn đầu danh sách đưa số lượng lớn lao động Việt Nam sang Nhật, chia sẻ: Sự quan tâm của các nghiệp đoàn, DN Nhật Bản đối với lao động Việt Nam đang tăng lên ở mức cao nhất từ trước đến nay, tăng 160% so với năm 2013. Nhận định về cơ hội việc làm ở thị trường có thu nhập cao như Nhật Bản, đại diện Phòng Thị trường Cục Quản lý lao động ngoài nước, Bộ LĐ-TB&XH cho biết, dù chưa kết thúc năm 2014, nhưng Nhật Bản đã trở thành một trong những thị trường khởi sắc nhất. 11 tháng đầu năm, đã có trên 18 nghìn TTS Việt Nam sang Nhật làm việc, tăng đột biến, vượt hơn 6.000 người so với kế hoạch đề ra cả năm. Công ty cổ phần Phát triển nguồn nhân lực LOD cũng cho biết, riêng tháng 11, có 13 đơn hàng chờ phỏng vấn, trong đó đơn hàng tuyển số lượng lớn 25 lao động. Bên cạnh những đơn hàng trong ngành xây dựng, cơ khí, hiện rất nhiều công ty đã ký được với các đối tác Nhật Bản tiếp nhận lao động ngành nông nghiệp như công ty có tới 6 đơn hàng ưu tiên tuyển dụng nữ ngành nông nghiệp là Công ty LOD, Công ty cổ phần Nhân lực và Thương mại Vinaconex còn tiếp nhận được đơn hàng tuyển cặp vợ chồng đi làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp tại tỉnh Ibaraki.
Trao đổi với PV Báo CAND, đại diện Phòng Thông tin tuyên truyền, Cục Quản lý lao động ngoài nước cho biết, trước nhu cầu lao động Việt Nam sang làm việc tại Lào và Campuchia ngày càng cao, Cục Quản lý lao động ngoài nước cũng đã phối hợp với các cơ quan góp ý dự thảo tờ trình Thủ tướng về chính sách tiền lương, bảo hiểm và các chế độ của lao động Việt Nam tại hai nước này. Trong tháng 12 này, Bộ LĐ-TB&XH cũng đã hoàn thiện nội dung dự thảo sửa đổi Bản ghi nhớ về tuyển dụng lao động Việt Nam giữa Việt Nam và Malaysia; nỗ lực đàm phán với Hàn Quốc ký kết lại Bản ghi nhớ hợp tác lao động theo chương trình EPS. Hy vọng từ năm sau - 2015, nhiều lao động mới của Việt Nam sẽ lại được sang làm việc tại thị trường có thu nhập cao này.