Thầy giáo tật nguyền 22 năm dạy chữ cho trẻ em nghèo

Thứ Ba, 20/11/2012, 12:00
Lớp học nhỏ rộng vẻn vẹn 20m2, nằm nép mình bên xóm nhỏ đã gắn liền với thầy Hưng suốt 22 năm qua và đã đào tạo biết bao em học trò nơi quê nghèo được vào ĐH. Có em ra trường với công việc ổn định vẫn nhớ về người thầy tật nguyền nơi xóm nhỏ...

Suốt 22 năm qua, dù mưa hay nắng, cứ ngày 2 buổi, thầy giáo tật nguyền Lê Quốc Hưng (47 tuổi) vẫn đều đặn đứng lớp truyền dạy kiến thức cho trẻ em nghèo. Dẫu lớp học ấy chỉ rộng vỏn vẹn 20m2, được che đậy tuềnh toàng bằng vài ba tấm tôn, tấm bạt nilon, nằm lọt thỏm giữa thôn Tuân Lễ, xã Phước Hiệp (huyện Tuy Phước, Bình Định), nhưng hằng ngày vẫn rộn vang tiếng trẻ em trong xóm học bài.

Cậu học trò với uớc mơ dang dở

Dù cuộc sống gia đình gặp nhiều khó khăn nhưng chưa bao giờ cậu học trò Lê Quốc Hưng, người sinh ra và lớn lên trong một gia đình ở xóm nhỏ nghèo tọa lạc trên đường Lê Hồng Phong, phường Ngô Mây (TP Quy Nhơn) tỏ ra nản chí. Ngược lại, Hưng lấy đó làm nguồn động lực lớn cho hành trình thắp sáng con chữ của mình. 11 năm học trôi qua với bao nhọc nhằn, gian khó, nhưng ít ai biết, được 11 năm học từ bậc tiểu học đến bậc phổ thông năm nào Hưng cũng đạt danh hiệu học sinh giỏi. Những tưởng hành trình thắp sáng tri thức sẽ luôn sát cánh trên đôi chân cậu học trò nghèo này. Ấy vậy, "niềm vui ngắn chẳng tày gang", trong đêm tối tĩnh mịch đầu năm học lớp 12, khi mà mọi người chìm trong giấc ngủ say, Hưng bỗng khóc thét lên rồi nắm riết bàn chân trái, nhăn nhó trong đau đớn. Trời tờ mờ sáng, gia đình phát hiện chân trái quanh vùng mắt cá chân Hưng bị sưng húp, tím tái lên. Sau đó, gia đình đưa Hưng lên Bệnh viện Đa khoa tỉnh khám thì nhận được tin dữ em Hưng mắc bệnh viêm khớp dạng thấp.

Từ đó trở đi, Hưng được gia đình đưa đi điều trị ở nhiều nơi với đủ phương thuốc, không những không giảm mà bệnh lại tái phát mạnh hơn. Từ mắt cá chân trái sang mắt cá chân phải, lên đầu gối, hông, xương sống. Chỉ sau mấy tháng phát bệnh toàn bộ xương sống, xương khớp chân của Hưng đều bị căng cứng, không thể cử động được. Cũng từ đó, mà ước mơ trở thành một bác sĩ giỏi để khám chữa bệnh cho bệnh nhân nghèo mà Hưng ấp ủ từ lâu bỗng chốc tan biến.

Thầy Hưng đã tận tậm hướng dẫn bài tập cho những học trò ở lớp học của mình. Ảnh: Hoàng Nguyên.

… Đến "ông giáo tiên" của trẻ em nghèo

Để trấn tĩnh lại tinh thần, quên đi cuộc sống xô bồ, nhộn nhịp nơi thành phố. Gia đình quyết định đưa Hưng về quê sinh sống. Chính nhờ cuộc sống yên ả, thanh bình làng quê mà ước mơ thắp sáng con chữ trong Hưng lại được đánh thức thêm lần nữa. Hằng ngày, Hưng lại tìm đến những cuốn sách, cốt là để quên đi những năm tháng buồn tủi vì bệnh tật.

Hằng ngày, trong căn nhà nhỏ, Hưng nhìn thấy cảnh trẻ em xóm nghèo lầm lũi vì không được đến lớp mà lòng cảm thấy quặn đau. Nhiều đêm trằn trọc Hưng muốn làm một điều gì đó để giúp cho các em có được con chữ. Sau hơn 2 năm bị căn bệnh viêm thấp dạng khớp đeo đẳng. Hưng quyết định gạt bỏ tất cả nỗi buồn để hướng đến một cuộc sống nhiều niềm vui hơn.

Ban ngày, Hưng chủ động mượn sách giáo khoa chương trình cấp 2, cấp 3 bọn trẻ học trên trường về tự mình chép lại bài. Đêm tối, thậm chí đến tận khuya Hưng tự ra bài tập rồi dựa trên lý thuyết sách giáo khoa và tự mình mày mò tìm ra phương pháp giải. Thời gian cứ trôi, đến 25 tuổi Hưng phần nào lấy lại được hình ảnh hào quang cậu học trò năm xưa với kiến thức sâu rộng. Lúc này, Hưng bàn với gia đình mở lớp học dạy chữ con em xóm nghèo vào năm 1990.

Thầy Hưng, nhớ lại: "Lúc mới mở, lớp chỉ vài ba em nhỏ trong xóm. Nhưng càng về sau thấy mình dạy đơn giản, bọn trẻ lại tiếp thu nhanh, hiểu bài hơn lại chẳng tốn tiền nên bọn trẻ đến ngày một đông hơn. Nhiều lúc cũng thấy mệt mỏi lắm, vì đứng mãi đôi bàn chân lại đau buốt nhưng nghĩ lại thấy vui vì mình đã giúp được cho các em trong xóm có được vốn kiến thức sau này có thể bước ra đời sống tốt hơn".

Ban đầu thoạt nhìn vào lớp học thầy Hưng chỉ thấy đơn giản một chiếc bàn lớn đặt ở giữa, một tấm bảng đen, xung quanh bao bọc tấm bạt cũ kỹ, vài ba tấm tôn nhiều người tỏ ra quan ngại về hiệu quả lớp học. Ấy vậy mà, lớp học nhỏ rộng vẻn vẹn 20m2, nằm nép mình bên xóm nhỏ đã gắn liền với thầy Hưng suốt 22 năm qua và đã đào tạo biết bao em học trò nơi quê nghèo được vào đại học, có em ra trường với công việc ổn định vẫn nhớ về người thầy tật nguyền nơi xóm nhỏ Tuần Lễ đã dạy mình nên người.

Để bài giảng sinh động, bắt nhịp xu thế giảng dạy chương trình mới, thầy Hưng luôn tìm cách tiếp cận phương pháp giảng dạy hiện đại. Sau những lần giảng bài, thầy lại nhờ học sinh mua sách để tham khảo. Bước sang tuổi 47 nhưng vốn kiến thức từ các môn tự nhiên như Toán, Lý, Hóa, Sinh đến các môn xã hội như Văn, Ngoại ngữ thầy Hưng vẫn tỏ ra rất thông suốt, am hiểu sâu. Nhờ vậy, mà kiến thức thầy truyền dạy được học trò tiếp thu rất nhanh và hiệu quả.

Em Lê Thị Thanh Hằng, học sinh lớp 11A13, Trường THPT Nguyễn Diêu (huyện Tuy Phước), bộc bạch: "Em học thầy Hưng từ lớp 4 đến nay. Những năm qua, nhờ lòng tận tụy, thương yêu học trò mà thầy đã truyền dạy cho em rất nhiều kiến thức, giúp em tiến bộ từng ngày".

"Thầy Hưng dạy dễ hiểu nên hiện không chỉ có học sinh trong xã, mà nhiều bạn ở các vùng lân cận như xã Phước Sơn, Phước Thắng, Phước Lộc. Thậm chí, các bạn ở xa như thị trấn Diêu Trì cũng tìm đến học", em Nguyễn Thị Mộng Nguyên, học sinh lớp 11A7 (Trường THPT Xuân Diệu), cho biết thêm.

Nói về tấm lòng của thầy Hưng, chị Thu một người dân trong xóm, bộc bạch: "Mặc dù, hoàn cảnh gia đình khó khăn, bản thân thầy bị bệnh tật. Nhưng thầy dạy không lấy tiền mà dạy miễn phí. Thầy Hưng là tấm gương sáng cho tất cả học sinh làng quê này noi theo"

Hoàng Nguyên
.
.
.