“Thầy giáo làng” dạy hơn 200 em đỗ đại học

Thứ Bảy, 31/10/2009, 15:15
Về thôn Duyên Linh (xã Đình Cao - Phù Cừ - Hưng Yên), hỏi thăm nhà "thầy Điền" (tên đầy đủ là Nguyễn Xuân Điền, 50 tuổi), người làng đều chỉ vanh vách. Từ một kĩ sư tốt nghiệp Trường Đại học Bách khoa, anh thôi việc về làm "thầy giáo làng". Ban đầu anh chỉ dạy cho con em quanh làng, về sau, tiếng đồn vang xa, nhiều em từ các tỉnh xa cũng tìm đến. Tính tới nay, anh đã dạy hơn 200 em đỗ đại học, trong đó có rất nhiều em đạt thành tích cao.

Từ thầy giáo cho con đến thầy giáo làng

Tốt nghiệp Khoa Công nghệ dệt - may của Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, anh trở về quê làm việc cho Xí nghiệp đay và may Hưng Yên. Công việc khá suôn sẻ, thu nhập đủ sống nhưng khổ một nỗi, xí nghiệp cách nhà gần 30 km nên anh phải ở lại cơ quan, mỗi tháng chỉ ghé qua nhà vài lần. Vì vắng nhà liên tục, 3 đứa con anh đều chểnh mảng học hành.

Tới khi cậu con trai lớn chuẩn bị thi vào cấp 3, anh kiểm tra con thì thấy kiến thức đã hổng quá nhiều. Anh xin nghỉ việc ở cơ quan, lấy mảnh bảng nhỏ, làm "thầy giáo" cho 3 đứa con. Chỉ sau một tháng dạy lại kiến thức, con trai lớn của anh đỗ vào cấp 3. Nghe tin anh ở nhà dạy học cho con, người làng cũng rủ nhau đưa con đến nhờ anh kèm cặp. Chẳng mấy chốc căn nhà cấp 4 nhỏ của anh không còn đủ chỗ. Anh dựng tạm cái lán ra góc vườn, mua một cái bảng lớn, thế là thành lớp học. 

Từ năm 2000, anh chính thức mở lớp, ngày dạy 2 ca. Học sinh của anh không chỉ là con em người làng, mà còn có các tỉnh xa tìm đến. Nhờ sự giới thiệu, em Võ Thị Mỹ Hạnh đã bắt tàu từ Cần Thơ về xin trọ học. Các em Quân (Bắc Cạn), Huy, Vinh (Tuyên Quang), Điệp (Quảng Ninh)… cũng lặn lội tìm xuống.

Hạnh tâm sự: "Lúc đầu em cũng không nghĩ tới việc ra ngoài Bắc ôn thi. Nhưng rồi, đúng dịp ra thăm người bà con ở Hải Phòng, được giới thiệu em đã tìm tới lớp thầy Điền học thử vài buổi. Thầy dạy hay, dễ hiểu, khoa học nên em xin ở lại trọ học luôn".

Tất cả các em từ tỉnh xa đều xin ăn ngủ lại nhà thầy giáo. Tính từ năm 2000 tới nay, trung bình mỗi năm, lớp học của anh có từ 20 - 30 em đỗ đại học. Một số em có thành tích rất cao như Nguyễn Trung Tín (thôn Khả Duy - xã Đoàn Đào - Phù Cừ) được 29 điểm, một trong hai thủ khoa của Trường Đại học Giao thông vận tải (năm 2005). Tính tới nay, số người đỗ đại học trong các lớp của thầy Điền đã lên tới hơn 200 người.

"Lớp học vàng" ôn thi đại học

Học sinh của anh chủ yếu là "lớp 13" thi vào đại học. Ngoài ra, anh cũng kèm cặp cho các em lớp 10, 11, 12. Anh nói, muốn dạy tốt thì trước hết phải hiểu học sinh của mình, hổng chỗ nào thì lấp chỗ ấy. Đối với những học sinh lớp 13, đầu tiên anh cho một bộ đề để đánh giá kiến thức từng người, sau đó phân nhóm. Nhóm có thể giải đề học riêng, nhóm chưa nắm vững sách giáo khoa học riêng.

Tới 3 tháng cuối trước ngày thi thì tất cả đều phải tiến hành giải đề, làm quen với phương pháp thi. Anh cũng phân tích: "Tôi luôn ủng hộ việc luyện thi ở các trung tâm. Các thầy dạy rất tốt, đi theo chuyên đề bài bản. Nhưng ở các lò luyện, các thầy đánh đồng trình độ của thí sinh, coi tất cả đều đã nắm vững SGK. Giảng viên đi theo chuyên đề chứ không đi theo đối tượng, bởi thế những học sinh chưa nắm vững SGK nếu tới lò luyện sẽ không hiệu quả".

Anh cho biết: "Phương châm dạy của tôi là lấy SGK làm gốc. Để đảm bảo kiến thức của mình không quá xưa cũ, lạc hậu, tôi cũng phải tự đi mua sách về học, lên mạng để cập nhật những nét mới. Hiện nay hầu hết các môn tự nhiên đều thi trắc nghiệm, tôi luôn hướng dẫn học sinh giải bằng phương pháp tự luận trước, sau đó tìm ra công thức giải nhanh. Mỗi dạng bài chỉ có 1-2 công thức giải nhanh, học sinh làm nhiều sẽ quen, tới lúc gặp bài thi sẽ áp dụng rất nhanh".

Lớp học 13 hiện tại của anh có hơn 30 học sinh. Anh phải chia làm hai lớp để đảm bảo có thể kèm cặp từng người, tránh dạy theo kiểu ồ ạt, không hiệu quả. Lúc đầu, anh hoàn toàn dạy miễn phí. Mấy năm gần đây, cuộc sống sinh hoạt đắt đỏ, cộng thêm gánh nặng nuôi hai đứa con lớn học đại học, anh mới thu học phí. Tới nay, riêng với lớp 13, do phải có thêm chi phí in đề thi, mức học phí mới lên 5.000 đồng/buổi. Những em có hoàn cảnh khó khăn, anh đều miễn giảm học phí.

Ông Nguyễn Văn Chuốc, Chủ tịch UBND xã Đình Cao nhận xét: "Từ mấy năm gần đây, tỉ lệ học sinh đỗ đại học của Đình Cao tăng cao đáng kể, trung bình mỗi năm có từ 40 - 50 em. Hiện tại, xã đang là địa phương đi đầu về phong trào giáo dục của huyện Phù Cừ. Mô hình dạy học như thầy giáo Điền rất đáng được khích lệ, nhân rộng"

Hà Ly
.
.
.