"Thầy giáo làng" 20 năm gieo chữ đầm Sam
Lớp học đặc biệt giữa mênh mông nước
Giữa một đầm lầy hôi hám, nước trắng xóa nổi lên một lớp học tình thương của trẻ em vạn đò các xã Phú Mỹ, Phú An, Phú Xuân… (huyện Phú Vang). Trong lớp, học sinh đen nhẻm, mắt sâu hoắm, thân hình gầy gò do nhọc nhằn sông nước. Đứa mặc quần dài, đứa quần cộc, đứa lấm lem bùn đất nhưng rất chăm chú học bài. Trên bục giảng, "thầy giáo làng" với bộ quần áo nồng mùi sông nước say sưa giảng. Xung quanh lớp là mấy chục chiếc đò của các gia đình có con em đến lớp.
Điều đặc biệt ở lớp học này là 30 học trò ngồi đối diện theo hai cái bảng đen ngược chiều. Hết giảng bên này, thầy lại nhanh chân quay 180 độ chạy về bảng kia trong sợ chờ đợi của học trò. Vì lớp học ghép nên có sự lạ như vậy.
Năm 1990, thương trẻ nghèo đầm Sam không có điều kiện đến trường, nhớ lại ngày tháng nhọc nhằn lội bùn gần 3km cõng con đi học, ngư dân Hòa quyết tâm làm cái việc không tưởng là mở lớp học. Nhưng lấy đâu ra kinh phí trong cái cộng đồng toàn người nghèo, cái ăn chẳng đủ nói chi đến quyên góp mở lớp học. Nghĩ nát óc, anh quyết định dùng căn nhà ngang của gia đình làm lớp học.
Anh chèo đò khắp nơi nhặt những mảnh ván, khúc gỗ… về nhà miệt mài đục, đẽo thành bàn ghế, bảng đen. Không còn lo chỗ học nhưng làm sao để vận động trẻ đến trường trong khi những đứa trẻ với cuộc sống trên đò, lênh đênh sông nước theo cha mẹ kiếm ăn. Chuyện học là thứ quá xa vời đối bà con các xã bãi ngang trên đầm Sam.
Thầy cặm cụi đến từng nhà chòi, từng chiếc đò thuyết phục phụ huynh, vận động con em đến lớp. Nghe anh khuyên nhủ về lợi ích của việc học và tin tưởng vào người từng phục vụ quân sự về, phụ huynh nhất trí cho con em đến lớp.
Ngày dạy học, đêm đánh cá
Anh nhớ những ngày đầu dạy học: "Trẻ ở đây sinh ra trên đò, lớn lên phải theo cha mẹ lênh đênh sông nước mưu sinh nên chẳng thiết đến chuyện học hành. Suốt 3 tháng đầu, tui phải nhiều lần đến từng nhà vận động cha mẹ mới cho con đến lớp, nhưng chỉ học được vài hôm lại bỏ học".
Mấy tuần đầu, lớp chỉ có 6 em và phải học ban đêm vì ban ngày trẻ em theo đò cùng cha mẹ. Thành công bước đầu cùng nhiệt huyết của anh Hòa khiến ngư dân vạn đò tin tưởng gửi con đến lớp càng đông. Sau 1 năm, lớp học đã kín chỗ, đi vào nền nếp. Thương cuộc sống vất vả, nghèo khó của thầy mà tự nguyện dạy học miễn phí, phụ huynh thỉnh thoảng mang biếu thầy con cá, con lươn, con trìa… làm lệ phí cho con em mình.
Thầy Hòa tận tụy chỉ bảo từng em. |
Hàng trăm trẻ em từ chỗ không biết một chữ bẻ đôi đã biết đọc, biết viết, lại ngoan ngoãn hơn. Tiếng thơm của lớp học thầy Hòa lan khắp vùng. Năm 2000, Hội Cứu trợ trẻ em không cha mẹ (ACWP) đã hỗ trợ xây dựng phòng học kiên cố trong nhà anh Hòa trên cái nền lớp học cũ. Những năm gần đây, Sở Giáo dục và Đào tạo, Phòng Giáo dục huyện Phú Vang đã có những hỗ trợ nhất định đối với "thầy giáo làng" gần 20 năm dạy học miễn phí này.
20 năm qua, thầy Hòa đã xóa mù chữ cho nhiều trẻ em đầm Sam không có điều kiện đến trường. Những học trò xưa học chữ thầy, lập gia đình, sinh con lại tiếp tục gửi gắm thầy Hòa dạy chữ. Phụ huynh Trần Thị Thúy, 30 tuổi vui mừng: "Trước đây, nhờ ơn thầy Hòa mà em biết chữ, nay vợ chồng em lại gửi 2 con xin thầy dạy. Chúng rất chăm học, ngoan ngoãn".
Tấm lòng cao cả, nhiệt huyết của thầy đã chắp cánh không biết bao nhiêu ước mơ của trẻ em vạn chài vào đời. Nhiều em hãnh diện bước lên giảng đường đại học, cao đẳng như Trần Văn Muống đang học Đại học Bách khoa Đà Nẵng, Đoàn Văn Cự học Đại học Khoa học Huế... và vô số những em đang học cao đẳng, các trường trung cấp nghề…
Thầy là một lão ngư chính hiệu. Ngày hai buổi dạy học, chiều tối, thầy lại cùng vợ con chèo đò ra đầm ngụp lặn dưới dòng nước lạnh lẽo, vẩn đục kiếm con cá, con lươn,… để lo cho cái ăn ngày mai. Anh kể: "Nghề sông nước phải đi ban đêm thì mới kiếm được ăn chú ạ!". Đối với anh, đứng lớp không chỉ chăm chăm với giáo án cũ kỹ, năm này qua năm khác mà phải thường xuyên tìm kiếm, mua sách giáo khoa, sách tham khảo, cập nhật thêm trên Internet…
Mãn nguyện về học trò của mình đã chăm chỉ học hành, biết chữ, ngoan ngoãn… nhưng thầy vẫn đau đáu về tình trạng học hành đứt gánh giữa chừng. Khi học xong ở đây, nhiều em không có điều kiện đi học tiếp. Đó là câu chuyện buồn của trẻ em vạn đò