Thay đổi thói quen đi làm bằng xe máy

Thứ Bảy, 08/10/2011, 13:01
Bắt buộc các đối tượng có lộ trình cố định chuyển sang đi xe buýt, TP Hồ Chí Minh sẽ hạn chế được cả triệu xe máy tập trung trên đường vào giờ cao điểm. Khi đó, theo tính toán của Sở GTVT, ngoài việc tiết kiệm được trên 21 tỷ đồng chi phí nhiên liệu mỗi ngày, đây sẽ là cơ sở để thành phố thực hiện cấm xe máy tại nhiều tuyến đường.

Hiện tại dù đã có tới 4,5 triệu xe gắn máy đăng ký nhưng trên địa bàn TP Hồ Chí Minh còn có khoảng 1 triệu xe gắn máy mang biển số các tỉnh, thành trên cả nước tập trung về. Ngoài vấn đề nhức nhối là người đi xe máy gây tai nạn, sự gia tăng nhanh chóng về số lượng xe gắn máy tại TP Hồ Chí Minh cũng là nguyên nhân chính gây ra tình trạng ùn tắc giao thông.

Theo TS Dư Phước Tân, cán bộ Viện Nghiên cứu phát triển TP Hồ Chí Minh, thực tế cho thấy trong vòng hơn 2 năm thực hiện quy định "Mỗi người chỉ được đăng ký 1 xe gắn máy" của Bộ Công an, lượng xe gắn máy đăng ký mới tại thành phố chỉ còn tăng 0,9% vào năm 2003 và tăng ở mức 5,36% vào năm 2004.

Tuy nhiên năm 2005 khi bỏ quy định này, lượng xe máy đăng ký mới tăng gấp 3 lần so với năm trước đó. Thực trạng này đã và đang tiếp tục đặt ra cho TP Hồ Chí Minh vấn đề bức thiết về giảm số lượng xe máy cá nhân trên địa bàn.

Trước mắt thành phố sẽ tính toán áp dụng biện pháp hành chính để hạn chế xe gắn máy trên một số tuyến đường ở khu vực trung tâm và tiến tới sẽ cấm hẳn xe gắn máy. Tuy nhiên, biện pháp này đòi hỏi hoàn thiện một loạt vấn đề liên quan nên trước khi thực hiện, TP Hồ Chí Minh cần có ngay quy định bắt buộc những người có giờ giấc, địa điểm học tập, làm việc ổn định phải đi làm bằng xe buýt.

Cảnh  xe buýt chặn đường xe máy, xe máy vây xe buýt diễn ra thường xuyên trên đường phố.

Với hơn 18.000 chuyến xe buýt ngược xuôi mỗi ngày, song hiện tại TP Hồ Chí Minh mới chỉ tổ chức được vẻn vẹn 68 lộ trình đưa rước công nhân theo hình thức hợp đồng; tổ chức đưa đón học sinh, sinh viên cho 179 trường học với 75.000 người/ngày.

Dù chất lượng của xe buýt chưa thực sự tốt, nhưng sự tiện lợi cũng đã tạm ổn với những người làm việc cố định một chỗ khi trên các tuyến trọng điểm cứ 5 - 10 phút lại có một chuyến xe buýt đi qua, người đi xe buýt không phải chờ đợi lâu nhưng xe buýt không thu hút đầy khách.

Từ các kết quả thăm dò thực tế và theo đánh giá của nhiều chuyên gia, lý do để người dân ngại đi xe buýt là bởi sợ tốn thời gian do bị kẹt xe và lo phải đi nhiều chặng xe buýt mới tới nơi cần đến.

Theo ước tính của TS Nguyễn Hữu Nguyên, cán bộ Trung tâm Nghiên cứu kinh tế miền Nam, do ít người đi xe buýt, hàng năm TP Hồ Chí Minh lãng phí tới 700 triệu chỗ ngồi trên xe.

Về đối tượng thường xuyên đi xe buýt, kết quả thăm dò của sinh viên Lê Minh Tiến, Trường Đại học Mở bán công với 423 người dân đã cho thấy, khách đi xe buýt gồm 63,2% là học sinh, sinh viên; 6,3% là công nhân và có rất ít người thuộc giới công chức - viên chức đi xe buýt. Để tạo thói quen cho cán bộ, công nhân viên chức của thành phố sử dụng xe buýt, Sở GTVT đã yêu cầu cán bộ viên chức thuộc Sở phải đi làm bằng xe buýt 1 lần trong tuần. Tuy nhiên, việc đi làm bằng xe buýt của hàng ngàn cán bộ viên chức thuộc Sở GTVT cũng chỉ dừng ở mức độ 1.

Tại một đề tài nghiên cứu về cư dân và đô thị, Phó GS.TS Trần Hữu Quang, cán bộ Viện Nghiên cứu phát triển thành phố, cũng đã từng đưa ra đề xuất cần vận động những đối tượng có địa điểm làm việc ổn định đi làm bằng xe buýt. Nhưng dù TP Hồ Chí Minh có trên 100 ngàn công chức, viên chức và phần đông trong đội ngũ này đều làm việc tại một địa điểm cố định với giờ giấc ổn định cũng chẳng màng tới việc sử dụng xe buýt đến công sở.

Đối tượng công nhân, lao động có trình độ làm việc tại các khu công nghiệp - khu chế xuất cũng vậy, ngoài số ở trọ gần nơi làm việc, hàng ngày vẫn có một lượng công nhân lao động rất lớn đi làm bằng xe máy. Với trên 300 ngàn sinh viên, học sinh bậc THPT, hàng ngày vẫn có cả trăm ngàn người đến trường bằng xe máy.

Các đối tượng khác như đội ngũ nhân viên văn phòng làm việc tại các cao ốc, khách sạn ở khu vực trung tâm; nhân viên làm việc tại các đầu mối tập trung đông người như sân bay, nhà ga, bến xe, bến cảng… đều có giờ giấc, địa điểm làm việc cố định, song hầu như các đối tượng này đều chưa được yêu cầu thử đi làm bằng xe buýt... Kế hoạch bố trí làm việc lệch ca, lệch giờ để giảm tải lưu lượng phương tiện tập trung ngoài đường vào giờ cao điểm của thành phố gần như không thể thực hiện.

Thành phố cũng đã cho phép "cắt" một phần của hàng trăm tuyến vỉa hè có đủ bề rộng để làm bãi trông giữ xe máy nhằm tạo điều kiện cho người dân đi bộ hoặc đi bằng xe buýt. Song số bãi giữ xe gắn máy công cộng dành cho người đi đường được các quận, huyện phát triển rất ít. Thực trạng này càng đẩy người dân vào cảnh phải sử dụng xe gắn máy để đi lại.

Chính vì vậy, khi bắt buộc các đối tượng trên đồng loạt chuyển sang sử dụng xe buýt để đi làm, TP Hồ Chí Minh sẽ hạn chế được cả triệu xe máy tập trung trên đường vào giờ cao điểm. Khi đó, theo tính toán của Sở GTVT, ngoài việc tiết kiệm được trên 21 tỷ đồng chi phí nhiên liệu mỗi ngày, đây sẽ là cơ sở để thành phố thực hiện cấm xe máy tại nhiều tuyến đường.  

Dù chi phí khi đi xe buýt chỉ rẻ bằng một nửa so với đi xe máy, nhưng kết quả thăm dò ý kiến người dân của TS Nguyễn Hữu Nguyên với câu hỏi "Không có xe máy sẽ đi bằng phương tiện gì?", vẫn có tới hơn 54% số người trả lời sẽ đi bằng các loại phương tiện khác chứ không chọn xe buýt.

Theo một cán bộ ngành GTVT, để phục vụ nhu cầu đi lại, người dân chắc chắn sẽ vẫn không ngán ngại với biện pháp hạn chế xe máy bằng cách đánh vào kinh tế hoặc thu phí. Nên đã đến lúc phải sử dụng các biện pháp quản lý hành chính để bắt buộc thực hiện giảm xe máy.

Tuy nhiên, trước hết TP Hồ Chí Minh phải hoàn thiện hạ tầng xe buýt ra các ngả và bố trí nơi gửi xe máy tại đầu các tuyến đường cấm xe máy. Nếu không, lợi dụng tình trạng "đục nước béo cò", một lượng lớn taxi tiếp tục dồn về phục vụ nhu cầu đi lại sẽ còn gây kẹt xe hơn lúc chưa cấm xe máy. 

Theo thống kê của Công an TP Hồ Chí Minh, trong số 4.785 vụ tai nạn giao thông làm 3.888 người chết và 2.171 người bị thương xảy ra trên địa bàn trong vòng 4 năm trở lại đây, xe gắn máy là đối tượng gây tai nạn hàng đầu khi chiếm tới 3.217 vụ; làm 2.661 người chết và 1.623 người bị thương. Con số trên cho thấy, thực trạng xe máy gây tai nạn giao thông tại TP Hồ Chí Minh đã trở nên hết sức nghiêm trọng.

Bộ trưởng Bộ GTVT yêu cầu cán bộ ngành Giao thông đi xe buýt

Ngày 7/10, Bộ trưởng Giao thông vận tải Đinh La Thăng đã chính  thức có văn bản yêu cầu các đơn vị trong ngành Giao thông vận tải, nhất là các đơn vị tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh mỗi tuần một ngày đi xe buýt đi làm để giảm ùn tắc.

Bộ trưởng Đinh La Thăng cho biết, tình trạng ùn tắc giao thông đô thị tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh ngày càng trầm trọng và có diễn biến phức tạp đã gây lãng phí về thời gian tiền của và ảnh hưởng không nhỏ đến mọi mặt của đời sống xã hội. Một trong số những nguyên nhân gây nên tình trạng này là thói quen sử dụng phương tiện cá nhân của người dân đô thị.

Để từng bước khắc phục tình trạng trên, tạo nếp sống văn minh đô thị, Bộ trưởng Đinh La Thăng yêu cầu: Thủ trưởng cơ quan, đơn vị chủ trì, phối hợp với Công đoàn, Đoàn thanh niên và các đoàn thể yêu cầu cán bộ, công nhân viên chức trong cơ quan, đơn vị sử dụng xe buýt đô thị tối thiểu 1 ngày trong 1 tuần.

T. Huyền

Đức Thắng
.
.
.