Tháo gỡ khó khăn cho làng thanh niên lập nghiệp vùng biên giới
Cách đây khoảng 9 năm về trước, năm 2009, làng TNLN A Lưới được Tỉnh Đoàn Thừa Thiên-Huế khởi công xây dựng với tổng kinh phí 24 tỷ đồng. Làng có đầy đủ hệ thống điện, đường, nước phục vụ sinh hoạt và các công trình công cộng, phúc lợi đáp ứng nhu cầu cuộc sống của gần 50 hộ dân.
Sau nhiều đợt tổ chức di dời, làng được bàn giao cho UBND xã Hương Phong, A Lưới quản lý. Tuy nhiên, theo phản ảnh của lãnh đạo xã Hương Phong, hiện cuộc sống của người dân ở làng TNLN A Lưới còn rất nhiều khó khăn.
Cuộc sống còn nhiều khó khăn của người dân làng Thanh niên lập nghiệp A Lưới do thiếu đất sản xuất. |
Cụ thể, chủ trương của dự án, mỗi hộ dân khi di dời về làng TNLN sẽ được hỗ trợ sinh kế cấp 2.000m2 đất ở và đất vườn, 2ha đất rừng sản xuất, tiền mua cây, con giống và 20 triệu đồng tiền di dời… Song cho đến nay, các hộ dân ở đây vẫn chưa được cấp đủ đất sản xuất như cam kết ban đầu, bên cạnh đó là thực trạng giải quyết, tạo việc làm cho người dân nơi ở mới đang còn là bài toán nan giải.
Thực trạng này khiến một số cặp vợ chồng sau khi chuyển lên làng TNLN sinh sống đã phải bỏ về nơi ở cũ. Hiện tại, làng TNLN A Lưới chỉ còn chưa đầy 30 hộ dân sinh sống. Bên cạnh đó, do thu nhập bấp bênh, cuộc sống luôn “thiếu trước hụt sau” nên chưa có hộ dân nào ở làng TNLN A Lưới hoàn tất thủ tục hành chính để được cấp giấy chuyển quyền sử dụng đất ở.
“Do không làm được sổ đỏ nên muốn thế chấp đất đai để vay vốn ngân hàng, hoặc giải quyết các vấn đề về tín dụng rất khó. Chính vì thế mà sau gần 4 năm di dời lên làng, kinh tế của vợ chồng tôi cũng chỉ phục thuộc vào việc chăn nuôi gia cầm, trồng rau màu nên cuộc sống rất vất vả…”, anh Hồ Văn Lân, một hộ dân ở làng TNLN A Lưới bày tỏ.
Để tìm hướng giải quyết, tháo gỡ khó khăn cho các hộ dân ở làng TNLN A Lưới, mới đây, ngày 24-11, ông Phan Ngọc Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thừa Thiên-Huế đã có buổi đối thoại với người dân.
Ông Thọ nhìn nhận, do nhiều lý do nên quá trình thực hiện triển khai dự án làng TNLN đã tồn tại những khó khăn chưa được giải quyết. Vì thế, yêu cầu UBND huyện A Lưới khẩn trương kiểm tra, rà soát lại điều kiện cơ sở vật chất, chính sách an sinh, thu nhập của người dân… tìm ra giải pháp để 29 hộ dân còn bám trụ ở làng TNLN được cấp đủ đất sản xuất; đồng thời yêu cầu các Sở, ngành liên quan giảm hạn mức đất ở để tạo điều kiện thuận lợi cấp giấy chuyển quyền sử dụng đất cho các hộ dân.
Cùng với đó, yêu cầu huyện A Lưới cần lập đề án phát triển các mô hình sản xuất kinh tế phù hợp với người dân làng TNLN và tỉnh sẽ hỗ trợ kinh phí để các mô hình này phát huy hiệu quả; cần quan tâm đảm bảo việc học hành cho con em ở làng TNLN, phải thực hiện tốt các giải pháp để các hộ dân sớm vượt qua khó khăn, có cuộc sống tốt đẹp hơn, góp phần phát triển kinh tế-xã hội địa phương, đảm bảo an ninh quốc phòng vùng biên giới...