Thành tỷ phú sau mùa hồ tiêu

Chủ Nhật, 06/05/2007, 14:33
Tại địa bàn 2 xã Ia Blang và Nhơn Hòa (huyện Chư Sê, Gia Lai) có hàng trăm hộ gia đình sau vụ hồ tiêu này sẽ thu từ 2 tỷ đồng trở lên: Mỗi hộ có từ 4 - 7ha hồ tiêu, năng suất trung bình đạt gần 10 tấn/ha (tương đương 500 triệu đồng/ha)...

Hiện nay trên địa bàn tỉnh Gia Lai có hơn 3.000ha hồ tiêu, trong đó địa phương có diện tích hồ tiêu lớn nhất là huyện Chư Sê (hơn 2.000ha). Hàng năm, sản lượng hồ tiêu trên địa bàn tỉnh Gia Lai luôn ổn định ở mức 12.000 tấn sản phẩm (chất lượng cao) phục vụ nhu cầu xuất khẩu sang thị trường các nước Trung Quốc, Ấn Độ...

Đầu tháng 4/2007 đang là thời điểm thu hoạch rộ, nhờ giá hồ tiêu tăng gần gấp 3 lần so với mọi năm (hiện nay giá bán đạt kỷ lục là 51.000 đồng/kg hồ tiêu thô) nên đã giúp cho hàng ngàn nông dân trở thành tỷ phú.

Đặc biệt, tại địa bàn 2 xã Ia Blang và Nhơn Hòa (Chư Sê) đang có hàng trăm hộ gia đình sau vụ hồ tiêu này sẽ có thu nhập từ hơn 2 tỷ đồng trở lên: Mỗi hộ có từ 4 - 7ha hồ tiêu, năng suất trung bình đạt gần 10 tấn/ha (tương đương 500 triệu đồng/ha)...

Theo tính toán của các lão nông trồng hồ tiêu, vụ thu hoạch năm nay sau khi trừ hết mọi chi phí (phân bón, công lao động, nước tưới, thuốc bảo vệ thực vật...) thì ít nhất cũng đạt lãi ròng 30.000 đồng/kg (tương đương 150.000 đồng/kg).

Tuy nhiên, sản phẩm hồ tiêu hiện nay ở Gia Lai chỉ đang dừng lại ở công tác sơ chế (người dân tự phơi khô đem bán - hồ tiêu đen), nên lợi nhuận thu lại vẫn chưa tương xứng với giá trị thực.

Vì vậy đã có hàng trăm hộ trồng hồ tiêu đang tích cực theo học lớp biểu diễn kỹ thuật sản xuất hồ tiêu trắng (có sử dụng hóa chất tẩy) do Sở NN&PTTN tỉnh tổ chức để phục vụ nhu cầu xuất khẩu chất lượng cao.

Nếu áp dụng thành công kỹ thuật này vào sản xuất, chắc chắn sẽ nâng giá trị hồ tiêu lên ít nhất khoảng 30% so với giá cả như hiện nay; đồng thời tỉnh Gia Lai cũng đang khẩn trương tổ chức quảng bá và xây dựng thành công thương hiệu hồ tiêu Chư Sê - Gia Lai trong thời gian tới.

Hiện nay, Công ty Masico (TP Hồ Chí Minh) đã xây dựng một nhà máy chế biến hồ tiêu sạch lớn nhất trên địa bàn Tây Nguyên (công suất 5.000 tấn sản phẩm/năm).

Toàn bộ công nghệ này được nhập về từ Ấn Độ; đồng thời UBND huyện Chư Sê giao cho Công ty Masico giữ độc quyền về thương hiệu hồ tiêu nhằm tập trung quảng bá sản phẩm trên thị trường thế giới (tên tuổi của sản phẩm hồ tiêu Chư Sê sẽ gắn liền với mặt hàng truyền thống của Công ty Masico).

UBND huyện Chư Sê cũng đã tổ chức những hội nghị lớn về cây hồ tiêu nhằm vận động mọi người trồng hồ tiêu tham gia Hiệp hội đảm bảo việc cung cấp số và chất lượng (theo một quy trình nghiêm ngặt) phục vụ nguyên liệu ổn định cho nhà máy chế biến hồ tiêu xuất khẩu hoạt động.

Trong thời gian tới, huyện Chư Sê sẽ tiếp tục cho lắp đặt thêm một dây chuyền công nghệ hiện đại khác để sản xuất ra loại sản phẩm hồ tiêu trắng (chất lượng tuyệt hảo)...

Gia Lai đang chuẩn bị bước vào mùa mưa, nên sau vụ mùa bội thu như nói trên, đã có nhiều nông hộ đang thuê người đúc trụ bê tông (làm trụ tiêu thay cho trụ được làm bằng gỗ rừng) để chuẩn bị mở rộng thêm diện tích trồng hồ tiêu

Sê San
.
.
.