Tháng vệ sinh an toàn thực phẩm nhìn từ Trung tâm Chống độc Bệnh viện Bạch Mai

Chủ Nhật, 16/04/2006, 07:10

Người đàn ông nằm bất động, phải thở bằng máy và được theo dõi đặc biệt ấy là ông N.T.P., bị ngộ độc do một lần ăn nhậu cùng bạn bè tại một nhà hàng khá nổi tiếng ở Hà Nội. Sau hơn 1 tuần điều trị, ông P. vẫn trong tình trạng hôn mê...

Đây chỉ là 1 trong hàng nghìn ca bệnh bị ngộ độc do ăn nhậu ở quán, nhà hàng không đảm bảo vệ sinh. Vài năm trở lại đây, do kinh tế phát triển, tình trạng ăn nhậu ở quán xá của người dân ngày một tăng cao. Thức ăn thừa mứa, đồ uống vung vãi, nhất là vào ngày hè nóng nực luôn là cơ hội để vi khuẩn tấn công. Theo bà Nguyễn Thị Dụ, Giám đốc Trung tâm Chống độc Bệnh viện Bạch Mai, trung bình mỗi ngày trung tâm tiếp nhận từ 3 đến 8 bệnh nhân bị ngộ độc.

Trong những ngày này, khi mà Bộ Y tế đang phát động rầm rộ Tháng Vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) thì tại Trung tâm Chống độc Bệnh viện Bạch Mai liên tiếp có bệnh nhân vào cấp cứu do ăn phải thức ăn nhiễm vi sinh vật, hóa chất, thực phẩm độc… Chỉ với 33 cán bộ, nhưng có lúc họ phải làm việc gấp vài người bình thường vì những ca ngộ độc tập thể ào đến một lúc. Đó là một đội ngũ cán bộ say nghề, là chiếc "phao cứu sinh" của hàng nghìn người bệnh trong cơn nguy cấp.

Vào đúng ngày 8/4 (ngày Bộ Y tế tổ chức lễ phát động Tháng VSATTP) thì tại Trung tâm Chống độc tiếp nhận 3 ca ngộ độc do thức ăn đường phố. Đó là anh Đoàn Văn B., cán bộ Bệnh viện Nội tiết, ăn mì xào thịt bò tại một quán bia hơi trên đường Thái Thịnh; anh Ngô Tuấn P. ăn phở gà và bà Trần Thị Bích L., ở Giáp Bát ăn cơm bình dân có tôm, đậu, giá đỗ ở một quán vỉa hè cạnh Bến xe Giáp Bát.

Theo bà Dụ thì có rất nhiều ca "hậu họa từ miệng" không đáng có như cả tổ giáo viên của một trường tiểu học ở Hà Nội ăn liên hoan mừng khai giảng năm học mới, chưa kịp về đến nhà thì phải vào Trung tâm Chống độc cấp cứu. Hay một tốp công nhân Nhà máy Dệt 8-3 uống nhầm phải nước tẩy chén trong bữa cơm do tưởng nước canh…

Có lần Trung tâm Chống độc tiếp nhận 22 ca ngộ độc tiết canh lợn, tiết canh ngan, tiết canh vịt rất nặng, phải điều trị tích cực bằng truyền dịch, kháng sinh. Thậm chí ăn hoa quả, uống sữa hộp, nước ngọt cũng bị ngộ độc. Điều đáng lưu ý là ngộ độc rượu ngày một tăng, nhất là người uống phải rượu có chất Metanol. Người sản xuất đã sử dụng chất Metanol hoà với rượu (không phải nấu từ gạo) để kiếm lời. Bệnh nhân uống phải "rượu độc" này, chỉ sau 2-3h sẽ tử vong.

Kết quả mẫu xét nghiệm tại Trung tâm Chống độc cho thấy, 100% bệnh nhân bị nhiễm khuẩn Ecoli và tụ cầu vàng. Đây là những vi khuẩn chịu được nhiệt độ cao, chịu được trong môi trường axit và rượu. Khi những vi khuẩn này xâm nhập vào thức ăn, sẽ thải ra độc tố vô cùng nguy hiểm. Người ăn phải sẽ bị nhiễm độc tố gây ra tình trạng sốt cao, nôn, đau bụng, tiêu chảy, mất nước, trụy tim mạch…

Mỗi năm, mỗi cuộc phát động đã có rất nhiều "sáng kiến" để hạn chế và đẩy lùi nguy cơ ngộ độc thực phẩm. Thế nhưng, kết quả chỉ mang tính hình thức nhiều hơn là thực tế. Qua khảo sát việc bán cơm hộp ở Hà Nội cho thấy, từ người nấu đến người chia thức ăn vào hộp đều không có dụng cụ chuyên dùng đảm bảo vệ sinh (vẫn dùng tay để chia thức ăn vào hộp). Kết quả kiểm tra trên đủ để "rợn người" khi mà việc ăn uống của người dân thường "khuất mắt trông coi".

Mới đây, ngành Y tế đưa ra một yêu cầu bắt buộc đối với các hàng ăn bán rong cũng phải đăng ký chất lượng. Việc này sẽ được triển khai trước hết ở các thành phố lớn. Tuy nhiên, các quy định về thực hiện vệ sinh an toàn thực phẩm đối với các cửa hàng ăn uống, thức ăn chín ở các chợ trước đây vẫn chưa được thực hiện. Vì vậy, hậu quả là những ca ngộ độc thực phẩm tăng theo thời gian.  

Đã đến lúc chúng ta cần chữa căn bệnh hình thức này. Để công tác hiệu quả, không chỉ những người làm công tác quản lý mà chính các khách hàng cần thay đổi suy nghĩ, thói quen ăn uống

Trần Hằng - Cao Hồng
.
.
.