"Thần dược", đồ chơi bạo lực "bủa vây" lễ hội chùa Hương

Thứ Tư, 08/02/2012, 10:26
Cùng với sự gia tăng du khách đổ về điểm lễ hội chùa Hương - huyện Mỹ Đức (Hà Nội) là tình trạng kinh doanh tràn lan thuốc cổ truyền - thuốc nam mập mờ chất lượng, đồ chơi bạo lực. Đây đã và đang là vấn đề "nóng" cần sự lưu tâm của cơ quan chức năng hữu quan. Bởi mùa lễ hội vẫn đang còn phía trước.
>> Vé thắng cảnh và vé đò Lễ hội chùa Hương đều tăng

Còn đó những "hạt sạn"

Trưa 6/2 (tức rằm tháng Giêng âm lịch), ngay từ điểm dẫn lên trạm đi cáp treo chùa Hương, đập vào mắt chúng tôi là hình ảnh người đàn ông trung niên đang chào mời du khách ghé vào sạp của mình để mua "thần dược" - thuốc cổ truyền. Hàng trăm gói "thần dược" với những tên gọi cực sốc như: "Thuốc chữa đau dây thần kinh tọa - công hiệu 100%"; "Thuốc viên đặc trị viêm xoang"; "Thuốc bột chuyên dùng chữa vảy nến", v.v... được bày biện chỉn chu trên kệ bàn. Toàn bộ số thuốc này được đóng gói, đựng trong cơ số chai thủy tinh. Bên ngoài là những tờ giấy in chữ đánh máy: tên thuốc, triệu chứng, liều dùng…

Còn hạn sử dụng, mã số kinh doanh, số hiệu kiểm định chất lượng do cơ quản chức năng cấp thì không thấy có. Đáng bàn, số "thần dược" được người đàn ông này quảng cáo rất công hiệu, song giá của nó đưa ra thì lại… quá bèo. Đơn cử như 2 gói thuốc "chữa đau dây thần kinh tọa" và "thuốc giảm béo" chỉ vỏn vẹn có 10 ngàn đồng. Nhìn giá thành cũng như sự như mập mờ chất lượng của số thuốc cổ truyền này, thử hỏi khách hàng khó mà tránh khỏi hệ lụy khôn lường khi sử dụng nó.

Ghi nhận của PV Báo CAND trên suốt quãng đường dẫn từ Thiên Trù lên động Hương Tích, nhẩm tính cũng có đến gần hai chục sạp bán thuốc cổ truyền - thuốc nam mập mờ chất lượng tương tự. Đáng chú ý, tại quầy "Thuốc gia truyền Q.H" nằm trên lối dẫn lên động Hương Tích, bên cạnh việc đính kèm lời bảo hành như đúng rồi: "Đặc trị viêm xoang mũi - khỏi 100%"; "Đặc trị dạ dày, đại tràng - khỏi 100%"; "Thuốc cai rượu - khỏi 100%"…, bà chủ này hễ gặp khách nào lui tới cửa hàng cũng đều tuôn một tràng "quảng cáo": "Mình có 15 người con rồi, nhưng vẫn trẻ là do dùng thuốc cổ truyền của quầy đấy!". Và chẳng hiểu "thần dược" có đặc tính ra sao, nhưng nhìn vào số gói - lọ - viên thuốc với giá rẻ bất ngờ (chủ yếu dao động từ 10 ngàn đến 50 ngàn đồng) như vậy, không cần trả lời cũng biết, công dụng của nó là thế nào.

Cẩn trọng trước thuốc cổ truyền mập mờ chất lượng bày bán ở chùa Hương.

Không chỉ có thuốc cổ truyền - thuốc nam mập mờ chất lượng, tình trạng kinh doanh buôn bán đồ chơi nguy hiểm - súng bắn đạn nhựa với độ sát thương cao cũng xuất hiện khá tràn lan trên dọc tuyến đường lên động Hương Tích. Số súng bắn đạn nguy hiểm này có kiểu dáng không khác xa là mấy so với súng AK, súng máy (với chiều dài 70-90cm) thông thường. Giá thành của nó dao động từ 170 ngàn đồng đến 220 ngàn đồng.

Khi được hỏi: "Em không sợ lực lượng chức năng xử phạt sao?", cu cậu tuổi chưa đầy 20, bán súng đồ chơi liểu dáng súng AK ở cổng động Hương Tích thản nhiên đáp: "Có gì đâu mà sợ anh! Sợ thì đã không bán rồi!"… Nghe đến đây, tôi mới hiểu vì sao, số súng đồ chơi nguy hiểm này lại được bán nhan nhản ở đây đến như vậy. Và đã có không ít thanh niên đã mua nó về… sử dụng.

Trách nhiệm thuộc về chính quyền địa phương

Không thể phủ nhận trong mùa lễ hội chùa Hương, huyện Mỹ Đức (Hà Nội) năm nay đã có nhiều chuyển biến cơ bản. Ngày 6/2 (tức rằm tháng Giêng âm lịch), có mặt trên suốt quãng đường từ đền Trình - Thiên Trù - động Hương Tích, tôi không còn chứng kiến cảnh các đối tượng "cò mồi" gạ gẫm người dân chơi trò úp xu, "chiếc nón kỳ diệu" - hình thức đánh bạc biến tướng cũng như người ăn xin vạ vật giữa đường như những năm trước đây nữa.

Một thanh niên "sắm" súng bắn đạn nhựa nguy hiểm ở điểm lễ hội chùa Hương.

Tuy nhiên, trước thực trạng thuốc cổ truyền mập mờ chất lượng, đồ chơi bạo lực đang "bủa vây" ở đây, câu hỏi đặt ra, liệu chính quyền địa phương vẫn đang "bình chân như vại", mặc kệ vi phạm tràn lan? Bởi không thể có chuyện trên địa bàn mình quản lý xuất hiện hiện tượng kinh doanh trên mà chính quyền địa phương lại không hề hay biết để mà đề xuất, phối hợp cùng các lực lượng chức năng chuyên trách khác tiến hành kiểm tra, xử lý.

Ví như đối với thuốc cổ truyền - thuốc nam, khi thấy các sạp kinh doanh bán buôn, bán lẻ thuốc mà không hề thấy có biển hiệu, giấy phép đăng ký kinh doanh, đăng ký chất lượng, hạn sử dụng… chính quyền địa phương cần phải chủ động phối hợp với thanh tra y tế, lực lượng QLTT vào cuộc kiểm tra, để ngăn chặn, xử lý kịp thời sai phạm. Thế nhưng, đằng này, dù đã tồn tại từ lâu, song số thuốc được đóng gói ni lông, lưu cất trong lọ… mập mờ chất lượng, xuất xứ vẫn được bàn bán tràn lan, khiến du khách lạc vào "mê hồn trận" thuốc cổ truyền.

Ấy nên, hơn lúc nào hết, ngay từ bây giờ, chính quyền sở tại cùng các cơ quan chức năng hữu quan phải sớm chấn chỉnh tồn tại. Không thể cứ mãi "bình chân như vại" trước các hiện tượng vi phạm nêu trên như thế được. Lẽ vì, hậu quả phát sinh đi kèm là rất khôn lường.

Theo Nghị định 93/2011/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính về thuốc, mỹ phẩm và trang thiết bị y tế thì sẽ phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 15 triệu đồng đối với hành vi: bán buôn thuốc không đạt tiêu chuẩn chất lượng hoặc thuốc đã hết hạn sử dụng; buôn bán thuốc thuộc danh mục cấm nhập khẩu, thuốc thử lâm sàng, thuốc chưa được phép lưu hành, thuốc mẫu dùng để đăng ký…

Các hành vi sản xuất, tàng trữ, mua, bán, vận chuyển trái phép đồ chơi nguy hiểm nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự… căn cứ theo Nghị định 73/2010/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh và trật tự, an toàn xã hội thì sẽ bị phạt tiền từ 4 triệu đồng đến 8 triệu đồng.

Trần Huy
.
.
.