Thẩm tra báo cáo của Chính phủ về phát triển kinh tế - xã hội

Thứ Ba, 22/09/2009, 09:59
Ngày 21/9, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội khai mạc phiên họp toàn thể lần thứ 8 xem xét, thẩm tra báo cáo của Chính phủ về đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2009 và phương hướng nhiệm vụ kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2010; thẩm tra hai dự án Luật: Luật Ngân hàng Nhà nước (sửa đổi) và Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi); xem xét cho ý kiến vào Quy hoạch phát triển ngành Điện trong những năm tới.

Dự kiến những nội dung này sẽ được Chính phủ trình Quốc hội trong kỳ họp thứ 6 sắp tới.

Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội năm 2009 và dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2010 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư do Thứ trưởng Nguyễn Đức Hòa trình bày cho biết, thời gian qua kinh tế thế giới gặp nhiều khó khăn ảnh hưởng đến tốc độ phát triển kinh tế của Việt Nam. Tuy nhiên, Chính phủ đã thực hiện nhiều giải pháp tổng hợp, đặc biệt là gói kích thích kinh tế, nên đã ngăn chặn được suy giảm, từng bước phục hồi kinh tế, an sinh xã hội được bảo đảm. Trong số 25 chỉ tiêu kế hoạch Quốc hội đề ra trong năm 2009 dự kiến sẽ có 18 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch, 7 chỉ tiêu không đạt kế hoạch.

Tăng trưởng kinh tế năm 2009 dự kiến từ 5% đến 5,2%, vượt chỉ tiêu điều chỉnh mà Quốc hội đã thông qua.

Các đại biểu đã tập trung đánh giá về chính sách điều hành của Chính phủ thời gian qua, đặc biệt là chất lượng tăng trưởng trong năm 2009. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Lê Quốc Dung cho rằng để tăng trưởng GDP năm 2009 khoảng 5%, thì GDP của quý IV/2009 phải đạt 6,7%. Đây là con số cao đòi hỏi sự nỗ lực của Chính phủ và các cấp, các ngành và phải có giải pháp đột phá trong chỉ đạo điều hành, nhưng trong báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các giải pháp vẫn mang tính chung chung, chưa có sự đột phá.

Đánh giá về việc mặc dù có nhiều chính sách hỗ trợ kích thích kinh tế nhưng kim ngạch xuất khẩu năm 2009 có thể tăng trưởng âm từ 5% đến 6%, đại biểu Lê Quốc Dung cho rằng, không thể chỉ đưa ra nguyên nhân chung chung là do kinh tế thế giới suy giảm, cần phân tích rõ nguyên nhân chủ quan và khách quan.

Đại biểu đề nghị phân tích làm rõ hiệu quả của các chính sách giảm nghèo bởi theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, dự kiến đến hết năm 2009, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 11%, nhưng theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, số hộ đói lại tăng lên 21%. Điều này thể hiện chất lượng trong các chính sách giảm nghèo chưa cao.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Viết Ngoạn đề nghị Chính phủ có đánh giá cụ thể về chất lượng của công tác đầu tư và cho rằng Chính phủ cần đưa ra giải pháp hữu hiệu để cân bằng tỷ trọng trong thu hút FDI.

Đại biểu Nguyễn Thị Nguyệt Hường đề nghị Chính phủ làm rõ nguyên nhân dẫn đến kết quả phát hành trái phiếu Chính phủ trong năm 2009 đạt thấp, nhiều lần đưa ra kế hoạch phát hành trái phiếu nhưng không thực hiện được. Trong khi đó, năm 2010, Chính phủ vẫn đưa ra kế hoạch phát hành một lượng trái phiếu tương đối lớn.

Nhiều đại biểu đề nghị Chính phủ cần có báo cáo cụ thể về tình hình thực hiện vốn ODA trong các dự án phát triển kinh tế - xã hội bảo đảm an sinh xã hội; kế hoạch xây dựng nhà cho người có thu nhập thấp; hỗ trợ cho lao động đi lao động ở nước ngoài...

Phiên họp toàn thể lần thứ 8 Ủy ban Kinh tế của Quốc hội làm việc đến ngày 23/9

Bích Thủy
.
.
.