Thẩm mĩ viện "múa dao kéo", cơ quan quản lý "khoanh tay nhìn"?

Thứ Sáu, 06/05/2011, 09:51
Sau khi bị phạt hành chính vì “quảng cáo quá phạm vi cho phép”, Thẩm mỹ viện Hà Nội vẫn tiếp tục quảng cáo “Phẫu thuật nâng ngực” cũng như thực hiện cả những nội dung không được phép. Nhưng tại sao, ngành Y tế Hà Nội cũng như địa phương lại không biết việc này?
>> Một phụ nữ bị chết tại cơ sở thẩm mỹ viện Hà Nội

Những vụ tai biến, thậm chí tử vong vì phẫu thuật thẩm mỹ (PTTM) ở các cơ sở hành nghề y tư nhân dẫu được báo chí lên tiếng, nhưng vẫn cứ xảy ra. Vụ một nữ bệnh nhân ở TP HCM thiệt mạng sau khi bơm silicon nâng ngực vừa xảy ra cuối tháng 3/2011 còn chưa lắng xuống, lại tiếp đến vụ chị Bùi Bích L. tử vong tại Thẩm mỹ viện Hà Nội ở 257 đường Giải Phóng, Hà Nội, đã thực sự gióng lên hồi chuông về công tác quản lý ở lĩnh vực này.

Công khai vi phạm

Có thể khẳng định rằng, việc Thẩm mỹ viện Hà Nội thực hiện phẫu thuật nâng ngực là hoạt động vi phạm, vì theo qui định của pháp luật, cơ sở y tư nhân không được phẫu thuật nâng ngực, hút mỡ. Thực tế, do không đủ điều kiện cần thiết, nên bệnh nhân đã tử vong sau khi được phẫu thuật. Khi xảy ra biến chứng, nạn nhân đã không được đưa đến bệnh viện cấp cứu... 

Theo ông Nguyễn Việt Cường, Chánh thanh tra Sở Y tế Hà Nội, thì cuối năm 2010, cơ sở này đã bị xử phạt hành chính vì “quảng cáo quá phạm vi cho phép”. Về nguyên tắc, khi đã xử phạt, Thanh tra Sở Y tế Hà Nội sẽ thông báo về địa phương để tiếp tục giám sát. Thế nhưng, sau khi bị phạt, không chỉ trên website của cơ sở, mà trên một số trang báo mạng, Thẩm mỹ viện Hà Nội vẫn tiếp tục quảng cáo “Phẫu thuật nâng ngực”, thậm chí, được một trang mạng đưa vào mục “Địa chỉ vàng”. Hơn thế, không chỉ quảng cáo, từ khá lâu, Thẩm mỹ viện Hà Nội còn thực hiện cả những nội dung không được phép. Nhưng tại sao, ngành Y tế Hà Nội cũng như địa phương lại không biết việc này?

Những nguy cơ khi “trùng tu nhan sắc”

Theo TS. Lê Hành, Trưởng khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ - Bệnh viện Chợ Rẫy, Chủ tịch Hội PTTM TP HCM thì tai nạn từ PTTM có khi còn phức tạp hơn những tai biến của ngành phẫu thuật chung, như phản ứng thuốc, do gây mê, do bệnh tiềm ẩn của khách hàng, rồi phẫu thuật không thành công, không đẹp. Chính vì thế mà ở bệnh viện được cấp phép PTTM, phạm vi mổ xẻ cũng được phân cấp rõ ràng.

Thẩm mỹ viện Hà Nội - nơi một nạn nhân tử vong sau khi làm đẹp.

PGS.TS Trần Thiết Sơn - Trưởng bộ môn phẫu thuật tạo hình Đại học Y Hà Nội, Tổng Thư ký phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ Hà Nội - cho biết: Ở bệnh viện, thường phải là bác sĩ chuyên khoa I mới được phép PTTM, nhưng ở các cơ sở tư nhân thì tiêu chuẩn để PTTM đơn giản hơn nhiều, trong khi các nguy cơ khi tiến hành PTTM ở phòng khám tư lẫn bệnh viện là như nhau. Có điều, nếu ở bệnh viện, sẽ có nhân lực đầy đủ cùng với thuốc, trang thiết bị, để xử trí kịp thời các tai biến, còn ở bên ngoài, hầu như không có điều kiện này. Có trường hợp, để tiết giảm chi phí, người ta không chọn các bác sĩ gây mê có tay nghề, thậm chí có bác sỹ phẫu thuật kiêm luôn… gây mê.

PGS.TS Trần Thiết Sơn cũng khuyến cáo: Phẫu thuật nâng ngực, hút mỡ liên quan đến cả phẫu thuật và gây mê và ở cả 2 lĩnh vực này đều có nguy cơ, mà chỉ những phẫu thuật viên có kinh nghiệm mới loại trừ tối thiểu biến chứng… PGS.TS Trần Thiết Sơn phản đối chuyện cổ súy việc hút mỡ bụng vì tỉ lệ tử vong hiện là khá cao.

Riêng silicon lỏng thì Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ đã cấm sử dụng từ lâu, vì nếu silicone đi vào đường máu, sẽ gây tắc nghẽn mạch máu, còn biến chứng nhẹ là xơ hóa, phải cắt bỏ vùng tiêm... Do đó, để an toàn, chị em cần đến bệnh viện có chuyên khoa PTTM như: Bệnh viện Việt Đức, Bệnh viện Xanh Pôn, Bệnh viện Việt Nam – Cu Ba, Bệnh viện Quân y 108 (Hà Nội), Bệnh viện Chợ Rẫy (TP HCM) v.v…

Ai phải chịu trách nhiệm?

Các chuyên gia đều cho thấy, nguy cơ do PTTM là không nhỏ. Nhưng đây là nghề dễ kiếm bộn tiền khiến nhiều bác sĩ bất chấp pháp luật. Thông tư 01/2004/TT-BYT của Bộ Y tế hướng dẫn về hành nghề y, dược tư nhân qui định rõ các phòng khám giải phẫu thẩm mỹ “không được phẫu thuật tạo hình như nâng ngực, hút mỡ bụng, hút mỡ chi...”.

Chúng tôi đồng tình với day dứt của TS. Nguyễn Anh Tuấn (Khoa tạo hình – thẩm mỹ Bệnh viện ĐH Y dược TP HCM): “Sẽ còn bao nhiêu nạn nhân nữa do tắc trách, sai sót chuyên môn, do hành nghề trái phép hay do sự vô cảm của các cơ quan hữu quan, của chúng ta hôm qua và hôm nay? Sự vô cảm cũng sẽ đồng nghĩa với tội ác”. Không thể lặp lại mãi điệp khúc “rút kinh nghiệm”, “sẽ tiếp tục kiểm tra”, mà phải có người chịu trách nhiệm khi để xảy ra hậu quả thương tâm vì PTTM ở lĩnh vực, địa bàn mình phụ trách!

Một số trường hợp tử vong do phẫu thuật thẩm mỹ:

- Ngày 19/4/2005, chị Ngô Thị Kim H. (Bắc Hồng, Đông Anh, Hà Nội) đã tử vong do sốc thuốc sau khi phẫu thuật nâng ngực tại Thẩm mỹ viện Hồng Chi Sài Gòn số 1 phố Gầm Cầu, quận Hoàn Kiếm.

- Ngày 3/2/2006, chị V.Th.B.Th. phẫu thuật lấy ra túi nâng ngực bị chai cứng tại phòng khám số 52 Trần Khát Chân, quận 1, TP HCM và cũng bị tử vong vì sốc thuốc.

- Ngày 11/11/2006, bà Trần Thị R. đã bị tử vong sau khi làm đẹp tại 226/20 Nguyễn Lương Bằng, Đà Lạt.

- Ngày 25/3/2011, chị H.T.L. (quận 8, TP HCM) bơm silicone lỏng để nâng ngực tại một cơ sở thẩm mỹ tư nhân và bị nhiễm trùng đường huyết dẫn tới tử vong.

- Ngày 29/3/2011, bệnh nhân N.T.H., 26 tuổi, bị tai biến sau khi bơm silicon vào ngực và mông ở một cơ sở làm đẹp tư nhân phải vào cấp cứu tại Bệnh viện Xanh Pôn Hà Nội.

- Ngày 29/4/2011, chị Bùi Bích L. tử vong tại Thẩm mỹ viện Hà Nội -257 đường Giải Phóng, Hà Nội sau khi cắt mí và nâng ngực.

Thanh Hằng
.
.
.