Thái Bình: Xử lý học sinh trong lớp thuộc luật, ra đường vẫn thản nhiên vi phạm

Thứ Tư, 09/10/2013, 16:40
Thời gian qua, mặc dù các nhà trường trên địa bàn tỉnh Thái Bình đã có nhiều biện pháp tuyên truyền cho học sinh về công tác đảm bảo TTATGT, nhưng thực tế đang tồn tại nhiều em tham gia giao thông bằng xe máy, xe đạp, xe đạp điện vẫn còn dàn hàng ngang hoặc dùng ô đi xe trời nắng hoặc mưa.

Tại những nút giao thông ở đô thị, nhiều em còn vượt đèn đỏ, hầu hết các em đi xe đạp điện không đội mũ bảo hiểm... Những hành vi khi tham gia giao thông như vậy, sẽ rất nguy hiểm, gây mất TTATGT, dẫn đến nhiều vụ việc đáng tiếc xảy ra.

Chúng tôi có dịp chứng kiến, vào giờ tan học, trên quốc lộ 10, đoạn chạy qua thị trấn An Bài, huyện Quỳnh Phụ, gần 5 nghìn học sinh của 4 trường học hoà vào dòng xe cộ khiến cho mật độ giao thông ở khu vực này trở nên dày đặc và luôn tiềm ẩn yếu tố mất an toàn. Bên cạnh những em học sinh chấp hành tốt các quy định về an toàn giao thông thì vẫn còn nhiều em cứ vô tư, hồn nhiên đi xe hàng 4, hàng 5, thậm chí còn đi ngược chiều thành từng nhóm!

CSGT Công an TP Thái Bình xử lý các trường hợp là học sinh điều khiển xe đạp điện vi phạm Luật Giao thông đường bộ. (Ảnh: Thanh Tùng)

Thời gian gần đây, số các em học sinh THPT trên địa bàn thành phố Thái Bình sử dụng xe đạp điện gia tăng nhanh chóng. Đáng chú ý là, hầu hết các em đều không đội mũ bảo hiểm, điều bắt buộc khi điều khiển loại phương tiện này. Thậm chí dàn hàng ngang phóng xe với tốc độ từ 30 đến 40 km/giờ, vượt đèn đỏ, bất chấp những quy định khi tham gia giao thông, gây mất an toàn với chính các em và người đi đường. Phần lớn các em đều không biết quy định khi đi xe đạp điện phải đội mũ bảo hiểm, những hiểu biết về Luật Giao thông đường bộ của các em rất hạn chế. Thậm chí, nhiều trường hợp biết nhưng cố tình không chấp hành.

Về đêm, ở một số tuyến đường chính của thành phố, không ít thanh thiếu niên, trong đó có cả những em đang ngồi trên ghế nhà trường phổ thông, tụ tập chạy xe tốc độ cao, lạng lách, đánh võng, bất chấp luật pháp... Khi bị xử phạt, thay vì nhận thức ra hành vi sai trái của mình thì lại tỏ thái độ bất hợp tác, chống đối lực lượng chức năng. Nếu tình trạng trên tiếp tục tái diễn, tai nạn giao thông sẽ xảy ra bất cứ lúc nào. Hậu quả khôn lường từ việc không chấp hành Luật Giao thông đường bộ đang từng giờ, từng ngày đe doạ sự an toàn của chính các em và những người tham gia giao thông.

Cơ quan Công an đã phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành chức năng, các tổ chức đoàn thể trong tỉnh tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật an toàn giao thông tới mọi người dân. Đặc biệt, đối với các nhà trường phổ thông, công tác này luôn được coi trọng và thường xuyên đổi mới về nội dung, biện pháp, hình thức tuyên truyền. Những chương trình học ngoại khoá, những hội thi tìm hiểu Luật Giao thông đường bộ ở tất cả các cấp học dưới hình thức sân khấu hoá đã góp phần tích cực làm chuyển biến nhận thức của các em.

Tuy nhiên, từ nhận thức đến hành động của các em là cả một vấn đề đáng được quan tâm. Thực tế cho thấy, khi được hỏi về nhận thức, hiểu biết của mình về Luật Giao thông đường bộ, nhiều em tỏ ra rất "thuộc bài". Nhưng khi tham gia giao thông, chính các em lại là người vi phạm, thậm chí còn gây ra tai nạn. Rõ ràng, công tác tuyên truyền, giáo dục Luật Giao thông đường bộ cần phải làm thường xuyên, tích cực hơn nữa. Bởi với nhận thức còn non nớt và sự hiếu động ở lứa tuổi học trò thì sự quan tâm, giáo dục, quản lý, nhắc nhở của các thầy, các cô và cha mẹ các em là rất cần thiết

Hồ Tuyên
.
.
.