Thạc sĩ bị bại liệt với sự nghiệp phát triển con người

Thứ Năm, 23/10/2008, 15:30
Bị bại liệt chân sau một trận ốm thập tử nhất sinh khi mới ba tuổi nhưng Võ Thị Hoàng Yến không chấp nhận sự an bài của số phận. Bằng sự nỗ lực phi thường, chị không những tốt nghiệp cả hai trường đại học mà còn giành tấm bằng thạc sĩ về phát triển con người ngay trên đất Mỹ.

Tiếp tục từ chối nhiều điều kiện sống và làm việc thuận lợi hơn tại nước ngoài, Hoàng Yến quyết tâm trở về Việt Nam với một mục đích: Tìm sự công bằng, sự tự tin và cơ hội phát huy tiềm năng cho những người Việt Nam khuyết tật.

Vượt qua bất hạnh

Sau nhiều lần hẹn tới hẹn lui, đúng ngày Phụ nữ Việt Nam (20/10), chúng tôi mới có dịp ngồi trò chuyện cùng Hoàng Yến. Thế giới riêng của chị: căn phòng nhỏ nằm bên đường Nguyễn Duy Dương, quận 5, TP Hồ Chí Minh được sắp xếp khoa học đến không ngờ. Chị bảo thói quen, tính cách độc lập có được ngày hôm nay, đầu tiên là nhờ mẹ. Yến sinh năm 1966 ở Nhơn Trạch, Đồng Nai.

Bị khuyết tật chân khi mới 3 tuổi nhưng chị may mắn hơn rất nhiều trẻ em khuyết tật khác bởi tình yêu thương và thái độ công bằng của mọi người thân trong gia đình đã cho chị điều kiện tự lập và sự tự tin để phát triển bằng chính khả năng của mình. Không được chạy nhảy, vui chơi như các bạn đồng trang lứa, cô bé Yến ngày ấy chỉ làm bạn với sách cũ Yến mượn của thầy giáo làng. Thời gian rảnh rỗi hơn, cô tập ôm đàn guitar, mày mò theo cuốn tự học nhạc đi mượn.

Yến chỉ thực sự ý thức về nỗi bất hạnh của mình, ý thức về sự phân biệt của cộng đồng với những người khuyết tật như cô khi Yến đậu Đại học Kinh tế nhưng bị nhà trường từ chối cho nhập học. Hụt hẫng, thất vọng và bất bình, cô không chấp nhận lý do này, tiếp tục gõ cửa các phòng, ban khác nhau của nhà trường. Cuối cùng, cô cũng được chấp nhận vào học với điều kiện: ra trường sẽ không được bố trí công việc như các sinh viên khác...

Tốt nghiệp Đại học Kinh tế, Yến không có được việc làm ổn định. Tiếp tục tốt nghiệp văn bằng 2 Đại học Sư phạm, cô vẫn không thể có được cơ hội cho mình. Không chấp nhận số phận, Yến bắt đầu hành trình "săn" học bổng tại nước ngoài. Trời không phụ lòng người.

Năm 2001, cô may mắn trở thành một trong 95 người trên thế giới được nhận học bổng của quỹ Ford, du học cao học tại Trường Đại học Kansas (Mỹ). Nhớ lại những tháng năm một mình nơi xứ người, Võ Thị Hoàng Yến chia sẻ rằng chị cũng không hiểu tại sao mình lại đủ sức vượt qua tất cả như thế.

Mọi người quanh chị đều rất cởi mở, rất thân thiện nhưng ai cũng bận đến nỗi không còn thời gian trò chuyện, nói gì đến việc giúp đỡ. Yến không có bằng lái xe mà ở Mỹ, nếu không có xe thì coi như... mất tự do. Cô lại phải tự sắp xếp tất cả để có thời gian học tập và sinh hoạt hợp lý.

Sứ giả mang lại niềm tin cho người khuyết tật

Cho đến bây giờ, ấn tượng đậm nhất về chuỗi ngày ấy trong chị chỉ có công việc và công việc. Ít có ngày nào dám ngủ trước 1h đêm. Mệt mỏi, cô đơn, nhất là vào mùa lạnh, nhìn tuyết rơi trắng xóa, đã có lúc chị muốn buông xuôi nhưng rồi lại tự nhủ: Không lẽ người ta làm được, mình lại không? Thế nên lại lao vào học. Kết quả của những nỗ lực không ngừng ấy là một loạt điểm A ngay học kỳ đầu tiên và sự tin yêu của gia đình người giáo sư trực tiếp hướng dẫn Yến.

Cầm tấm bằng thạc sĩ về phát triển con người, Yến nhận được khá nhiều lời mời ở lại làm việc. Thậm chí, một gia đình triệu phú tại đây còn đề nghị giúp cô làm thủ tục đưa cả người mẹ già ở quê sang Mỹ định cư, song Yến vẫn từ chối. Cô quyết tâm trở về Việt Nam để thực hiện dự án thúc đẩy sự công bằng, tìm kiếm cơ hội cho người khuyết tật được phát huy khả năng của mình.

Ngoài thời gian tham gia giảng dạy tại một số trường đại học tại TP Hồ Chí Minh, Đà Lạt... chị cùng 7 thành viên khác đang dồn tâm sức dự án Chương trình khuyết tật và phát triển (DRD) do chính chị làm Giám đốc.

Theo đó, một thư viện điện tử cung cấp các thông tin về người khuyết tật, cũng như các tài liệu liên quan về chính sách, xã hội, các nghiên cứu, quy định pháp luật về người khuyết tật đã được xây dựng. Các hoạt động tổ chức tham vấn, hỗ trợ giới thiệu việc làm, tổ chức tập huấn kỹ năng xã hội, làm việc nhóm... đã bắt đầu mang lại hiệu quả thiết thực nhất.

Cũng thông qua DRD, một mạng lưới liên kết, hỗ trợ lẫn nhau của trên 20 hội, nhóm người khuyết tật các tỉnh, thành trên cả nước đã hình thành, đi vào hoạt động... Và tất nhiên, Võ Thị Hoàng Yến vẫn tiếp tục căng mình cho công việc. Bên cạnh những "người bạn đồng hành" với chị từ thủa ấu thơ: cây đàn guitar cũ kỹ và kho sách vở.

Chị bảo rằng chơi đàn, làm thơ đã không chỉ là thú vui lúc rảnh rỗi mà còn là cầu nối giúp chị tiếp cận, gần gũi hơn rất nhiều với các bạn khuyết tật trong những dịp sinh hoạt tập thể. Và, chị vẫn luôn tin rằng, những dự định, kế hoạch cho người khuyết tật của chị chắc chắn sẽ mang lại nhiều kết quả hơn...

N.Hoa
.
.
.