Tết sớm ở Trại giam Xuân Nguyên
Mong gặp người thân ngày giáp Tết
Đầu giờ chiều, khu lao động của phạm nhân nữ Đội 13, Phân trại 1 chất đầy vải bên những chiếc máy may công nghiệp. Đúng ngày mất điện, các phạm nhân nữ vẫn ngồi bên cạnh máy, làm những công việc chuẩn bị khác. Theo lời giới thiệu của Trung tá Nguyễn Văn Kiều, Đội trưởng Đội Giáo dục hồ sơ Trại giam Xuân Nguyên, Đội 13 có các phạm nhân ăn Tết ở trại lâu năm nhất.
Nổi bật giữa các phạm nhân nữ, phạm nhân Hoàng Thị Hường SN 1969, có nước da trắng mịn, đôi mắt biết cười, dễ làm xiêu lòng người đối diện. Số năm ở trại của Hường đã lên tới con số 13. Ngồi trên ghế đá dưới tán hoa sữa, Hường trải lòng với câu chuyện về cuộc đời chan chứa nỗi buồn. Hường vào trại năm 2002 với mức án tù chung thân về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Ngày vào trại, hai đứa con trai của chị mới 6 tuổi và 11 tuổi. Bây giờ thì chúng đã trưởng thành, thế mà từ ngày đó đến nay, chị chưa được gặp các con một lần.
Cố nén tình cảm, chị vẫn run rẩy tuột ra lời nói buốt lòng: “Bây giờ chẳng biết các cháu như thế nào, có gặp chưa chắc tôi đã nhận ra”. Chị bảo, gia đình chồng thất vọng về chị nên không cho con vào. “Em viết rất nhiều thư về cho gia đình, cho con nhưng không có trả lời”. Dù không được trả lời nhưng chị vẫn viết. Viết với mong muốn được gặp các con, viết mong được gia đình tha thứ lỗi lầm. Thế nhưng, đáp lại khát khao đó là sự im lặng của gia đình, các con. Rồi một ngày bất ngờ, người chồng vào gặp chị, nhưng không phải là thăm mà để giải quyết ly hôn.
Trước đây, Hường chỉ tính ngày vào, còn bây giờ, sau đợt giảm án 2-9 vừa qua, Hường được xuống án 30 năm nên phấn khởi lắm. Hường nhớ từng ngày, đếm từng ngày - “Em nhớ lắm, nhớ không thể quên, nhớ ngày giảm án còn về”, Hường tâm sự. Dù không được gặp con, nhưng Hường còn có chút an ủi là được gọi điện nói chuyện với con. Chỉ thế thôi cũng là động lực giúp chị cải tạo tốt để trở về với xã hội. Hường kể: “Gia đình ít quan tâm nhưng các cán bộ ở đây rất tình cảm. Ngày Tết các cán bộ tổ chức cho xem văn nghệ, cải thiện cái ăn, chỗ ở…”. 26 Tết là ngày giỗ mẹ nên Hường nhớ Tết lắm. Người thăm nuôi duy nhất của Hường là người chị ruột. Thường thì cứ vào dịp Tết, chị mới vào thăm, nên Tết cũng là niềm mong mỏi của Hường để được gặp người thân.
Đội 13 có 26 phạm nhân nữ, chủ yếu làm lao động may hàng xuất khẩu. Trước khi làm hàng, Ban Giám thị cho các phạm nhân học 1 lớp đào tạo nghề may, được cấp chứng chỉ nên ai cũng tự tin khẳng định: “Ra trại là làm nghề tốt”. Ngoài ra, các phạm nhân còn được tham gia các lớp học phòng chống AIDS, giao thông, được tham gia góp ý sửa đổi Hiến pháp, làm bài dự thi hướng thiện... Hường thoáng chốc vui hơn: “Trung sỹ Đỗ Thị Mỹ Linh là quản giáo trẻ rất tình cảm và tâm lý. Chúng em cảm thấy thoải mái. Với lại, ngoài xã hội có phong trào gì, chúng em có cả. Sau này trở về xã hội cũng không ngỡ ngàng”.
Các phạm nhân Trại giam Xuân Nguyên dọn dẹp, trang trí khuôn viên chuẩn bị đón Tết. |
Tập văn nghệ, chơi thể thao… đón Tết
Giống như Hường, Vũ Thị Hóa (43 tuổi, ở Mộc Châu, Sơn La) cũng đã đón 13 cái Tết trong trại giam này. Nhận án chung thân về ma túy, năm nay Hóa cũng được xuống án 30 năm. Giáp Tết nào gia đình cũng đến thăm, nhưng Tết này thì khác. “Tết này nhà em có việc bận nên hẹn không đến thăm. Hơi buồn tí thôi, dù sao thì Tết ở đây cũng vui mà, được xem biểu diễn văn nghệ, có bánh chưng, bánh kẹo, được tham gia hoạt động thể dục thể thao, vui chơi…”.
Đại tá Lều Quang Hòa, Giám thị Trại giam Xuân Nguyên giới thiệu với chúng tôi những gốc đào vẫn còn lớp đất mới: “Đây là những gốc đào được trồng bổ sung chuẩn bị đón Tết”. Ngoài trồng thêm mới, những cây đào cũ đã được tuốt lá cẩn thận, đang ươm nụ chờ ngày nở hoa. Trên đường đưa chúng tôi vào Phân trại 3, Trung tá Nguyễn Văn Kiều thông báo đã mua sắm đầy đủ đồ phục vụ cho việc vui chơi của phạm nhân ngày Tết, từ chiếc dây thừng để kéo co, bóng chuyền, cho đến vật dụng trang trí, chuẩn bị văn nghệ…
Trong khuôn viên Phân trại 3, một tốp phạm nhân nam cầm cây chổi quét vôi cho bức tường đã cũ. Đó cũng là một phần việc chuẩn bị cho cái Tết đang đến gần.
Đại tá Nguyễn Viết Dục, Phó Giám thị trại giam cho biết, Phân trại 3 có hơn 1.400 phạm nhân, bố trí ở 2 khu, công việc lao động cải tạo chính là đan lưới, dán giấy, xây dựng, sửa chữa thủ công. 3 ngày Tết cổ truyền là 30, mùng 1, mùng 2, phạm nhân sẽ được tiếp xúc với người nhà thoải mái hơn ngày thường. Tại các phân trại đều thành lập các đội văn nghệ, xây dựng kịch bản giao lưu giữa các phân trại trong ngày Tết.
Hơn 3.400 phạm nhân ở 3 phân trại của Trại giam Xuân Nguyên được đưa về từ hơn 20 tỉnh, thành, thuộc nhiều dân tộc khác nhau như Mường, Dao, Thái… Bởi thế, ngoài các trò chơi thể thao, vui chơi truyền thống còn có thêm trò chơi ném còn dành cho phạm nhân là người dân tộc. Mùa xuân mới sẽ góp thêm động lực cải tạo tốt cho các phạm nhân ở Trại Xuân Nguyên, như lời phạm nhân Đào Duy Khánh quê ở huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng: “Phấn đấu cải tạo tốt để về với gia đình”.