Tết của giáo viên “cắm bản” ở vùng cao Tây Bắc

Thứ Tư, 05/02/2014, 13:36
Có đến, có đặt chân lên các điểm bản của huyện Nậm Nhùn (tỉnh Lai Châu) mới thấy được hết sự nhọc nhằn “nuôi” con chữ của các thầy, cô giáo “cắm bản” ở đây. Trong những khó khăn, vất vả ấy, nghĩa tình thầy trò nơi thượng ngàn Tây Bắc thêm một lần nữa được thăng hoa. Năm nay, các thầy - cô Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú - THCS Nậm Pì (Nậm Nhùn) lại “cắm bản”, đón Tết cùng các em học sinh nơi thượng ngàn Tây Bắc. Một mùa xuân ấm áp lan tỏa nơi bản làng biên cương.

Con đường đất “sợi chỉ”, ngoằn ngoèo dẫn lên điểm Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú – THCS Nậm Pì, xã Nậm Pì (huyện Nậm Nhùn - Lai Châu) mấy ngày nay, khi sắc xuân đã khỏa lấp các vạt rừng, ngọn núi Nậm Nhùn dường như hiểu được lòng người. Nó không nhầy nhụa, khó đi như những hôm tiết trời đổ sương, trút mưa. Tinh mơ, thầy Đồng Văn Tám, Hiệu phó nhà trường cùng các thầy cô trực Tết ở bản đã trở dậy, chuẩn bị bữa cơm đầu xuân. Thầy Tám tâm sự, năm nay là lần thứ 5 thầy đón Tết cùng bà con các thôn bản Lai Châu. Dẫu còn khó khăn, nhưng Tết ở vùng cao Nậm Nhùn cũng ấm áp, nghĩa tình lắm.

Thầy Tám quê ở thị xã Sông Công (Thái Nguyên). Vốn là sinh viên Trường Cao đẳng Sư phạm Thái Nguyên, tháng 9/2005, sau khi tốt nghiệp, mang trong mình ước mơ được gieo con chữ nơi các bản làng xa xôi, còn gặp nhiều khó khăn, người thanh niên ấy vai khoác ba lô ngược lên Mường Tè (Lai Châu) công tác. “Khi mới lên Lai Châu, mình nhớ nhà lắm. Nhất là những lần trực Tết ở bản. Thế rồi, sau hơn 7 năm gieo con chữ nơi các bản làng người Mông, người Mảng, người La Hủ… ở Mường Tè, cuộc đời mình đã gắn với các bản làng tự lúc nào không hay”, thầy Tám nói thêm.

PV Báo CAND trò chuyện với cô giáo “cắm bản” Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú - THCS Nậm Pì.

Sau khi huyện Nậm Nhùn được thành lập. Tháng 12/2013, thầy Tám được phân công về công tác tại Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú - THCS Nậm Pì, xã Nậm Pì. Và rồi năm nay cũng vậy, thầy ở lại trường, đón Tết cổ truyền cùng bà con Nậm Pì. Bữa cơm tất niên hôm nay ở lán trại dựng gần trường của thầy Tám thật đông vui. Cũng bánh chưng, cũng thịt lợn luộc, cũng bát canh măng… Thầy Tám cùng mọi người trong trường trực Tết ở bản không ngừng chúc tụng nhau lời tốt đẹp đầu xuân năm mới. Trong thoáng chốc, dường như khó khăn, vất vả đã nhường chỗ cho tình cảm thầy trò thân thương.

0h, đêm Giao thừa. Pháo hoa bắt đầu tỏa sáng tại nhiều điểm. Qua màn hình tivi, thầy Tám cùng mọi người không khỏi xúc động. Cái cảm giác mừng đón thời khắc thiêng liêng giao thời ấy thật sâu lắng. Tất cả cảm nhận không khí Tết dưới xuôi qua kênh truyền hình đang trực tiếp phát sóng. Trên khuôn mặt cô giáo Nguyễn Thị Bảo Trâm, quê ở huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi) đâu đó vẫn hiện hữu nỗi nhớ nhà. Cũng phải thôi vì đây là lần đầu tiên cô xa nhà, đón Tết ở huyện thượng ngàn Tây Bắc – Lai Châu. Cô nở nụ cười: “Dù có nhớ nhà, song đây cũng là nhiệm vụ, và cũng là niềm mong mỏi bấy lâu nay của em – được cùng ăn Tết với bà con thôn bản, nơi mà mình đang theo đuổi nghiệp giáo dục”.

Trò chuyện với cô, tôi được hay, cô lên Nậm Nhùn công tác từ tháng 6/2013. Vì đường sá xa xôi, nên từ ngày đó đến nay, cô vẫn chưa một lần về quê thăm gia đình. Và Tết này, cô đã xin ở lại đón Tết cùng bà con, cùng các em học sinh. Có sức hút gì chăng? Vâng, đó không gì khác, chính là “nghĩa tình thầy trò”. Bởi thế mà không riêng gì thầy Tám, cô Trâm, còn rất nhiều thầy cô cũng ở lại trường, đón Tết cùng bà con, các em học sinh như thầy Hà, thầy Dua...

Đoàn viên thanh niên Tổng cục XDLL CAND với các em học sinh Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú - THCS Nậm Pì.

Ở các xã của Nậm Nhùn, địa hình hiểm trở, đường đi còn gặp nhiều khó khăn. Chỉ tính riêng ở Nậm Pì, có các điểm bản, để đến được trung tâm xã, điểm Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú – THCS Nậm Pì, các em học sinh phải “cuốc bộ” mất 4-5 giờ đồng hồ như: bản Nậm Vời, Ma Sang, Pá Đởn, Pá Sập... Vào những ngày nắng, đường đi đã khó. Khi tiết trời đổ mưa, sự khó khăn, hiểm trở lại tăng gấp bội. Khó khăn là thế, đường đi hiểm trở là vậy, nhưng với sự nhiệt huyết của các thầy cô giáo “cắm bản” ở Nậm Nhùn nói chung và Nậm Pì nói riêng, tỷ lệ học sinh đến trường trong mấy năm trở lại đây không ngừng gia tăng.

Thầy Cao Hồng Thanh, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, hằng ngày 25 cán bộ, giáo viên của trường sau những giờ lên lớp, vẫn thường phải lặn lội đến các điểm bản tuyên truyền, vận động các gia đình tạo điều kiện cho con em đi học đầy đủ. Từ lúc ít học sinh theo học, đến nay, ngôi trường đã có gần 150 em học sinh (chủ yếu là người Mông, người Mảng…) theo học từ lớp 6 đến lớp 9. Tỷ lệ học sinh khá giỏi không ngừng tăng lên.

Cũng theo thầy Thanh, không chỉ ngày thường, vào dịp Tết, Ban Giám hiệu nhà trường cũng cắt cử thầy cô trực Tết, đón Giao thừa cùng bà con thôn bản, đến thăm hỏi, chúc Tết gia đình phụ huynh các em học sinh. Qua đó, tạo sự gắn kết chặt chẽ hơn giữa gia đình và nhà trường. Vâng! Chẳng thế mà, trong mấy ngày Tết Nguyên đán vừa qua, nhiều gia đình ở Nậm Pì mừng vui khi trong dịp Tết, các thầy cô giáo “cắm bản” đến chơi, chúc Tết gia đình. Sáng mùng 3 Tết (tức ngày 2/2), gia đình em Mùa A Tỉnh, ở bản Mới, học sinh lớp 8 – Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú – THCS Nậm Pì cảm thấy vui hơn cả, khi thầy Tám cùng các thầy cô trong trường đến nhà chúc Tết. “Các thầy, các cô đến chơi nhà, gia đình mình vui lắm đó. Bọn mình phải bảo nó (em Tỉnh – PV) cố gắng học thôi”, chị Mây tiếp lời…

Thầy giáo xa vợ, cô giáo trẻ xa chồng, xa con. Giữa nơi thượng ngàn Tây Bắc – Nậm Nhùn (Lai Châu), văng vẳng đâu đó tiếng con chim rừng lạc bầy gọi đàn, tiếng gió rít bên sườn núi. Trong căn nhà vách, quây quần bên bếp lửa, người thân em Mùa A Tỉnh vẫn kể cho nhau nghe câu chuyện về các thầy cô giáo “cắm bản” đến nhà chúc Tết, chung vui với gia đình… Thật nghĩa tình thay!

Ông Hà Văn Sơn, Phó Chủ tịch UBND huyện Nậm Nhùn (Lai Châu): Nậm Nhùn là một huyện mới được thành lập dựa trên sự chia tách từ 2 huyện Mường Tè và Sìn Hồ của tỉnh Lai Châu. Huyện đi vào hoạt động từ tháng 4/013. Huyện có 11 xã, thị trấn, người dân sinh sống chủ yếu bằng nghề nông lâm nghiệp. Nậm Pì là xã mới được chia tách từ xã Chăn Nưa của huyện Sìn Hồ cùng thời gian đó, địa hình đa số là đồi núi hiểm trở, đi lại khó khăn. Tỷ lệ hộ nghèo chiếm tới 92%. Thời gian qua, nhờ sự nhiệt huyết, tận tình của các thầy cô giáo “cắm bản”, tỷ lệ mù chữ ở trẻ nhỏ đã giảm thiểu đáng kể. Tệ nạn xã hội theo đó được kiềm chế. Đặc biệt trong dịp Tết Nguyên đán cổ truyền, các thầy, các cô giáo “cắm bản” đã góp thêm tiếng xuân vui cho bà con.

Trần Quang - Quỳnh Vinh
.
.
.