Tết Trung thu 2015: ‘Sống’ lại nhiều nghề truyền thống

Thứ Bảy, 26/09/2015, 07:41
Tết Trung thu 2015, một trong những hoạt động hấp dẫn, bổ ích mà nhiều phụ huynh, trẻ em quan tâm chính là được tìm hiểu và trải nghiệm các công đoạn làm ra những sản phẩm thủ công truyền thống như nặn tò he, làm đèn ông sao bằng giấy, vẽ mặt nạ, làm diều giấy… Đây là cơ hội để nhiều nghề truyền thống được “sống” lại sau một thời gian có dấu hiệu bị lãng quên.

Những nghệ nhân “nhí”

Đình Kim Ngân, phố Hàng Bạc, Hà Nội sáng 25/9, những đôi mắt tròn chăm chú dõi theo đôi bàn tay khéo léo của anh Chu Văn Thắng, một nghệ nhân nặn tò he đến từ làng Xuân La, xã Phượng Dực, huyện Phú Xuyên, Hà Nội. Từ bột gạo nếp và phẩm màu an toàn, anh Thắng có thể nặn ra một chú tò he hình con gà trống sặc sỡ, bắt mắt trong vòng 3 phút.

Sau khi được nghệ nhân Chu Văn Thắng hướng dẫn, gần chục nghệ nhân “nhí” là những em học sinh Trường Tiểu học Trần Quốc Toản, Hà Nội say sưa tự thể hiện khả năng của mình. Ai nấy cũng thật thích thú với những chú tò he đủ màu sắc.

Phía bên trong đình, ở một góc nhỏ, từng chiếc đèn ông sao bằng giấy bóng kính xanh đỏ truyền thống đã được chính những bàn tay nhỏ xinh của các học sinh khối lớp 4, Trường Tiểu học Trần Quốc Toản cẩn thận cắt dán và hoàn thiện. Hướng dẫn các em là chị Nguyễn Thị Khánh, con gái nghệ nhân Nguyễn Thị Tuyến, người duy nhất còn giữ nghề làm đèn ông sao của làng Hậu Ái, xã Vân Canh, huyện Hoài Đức, Hà Nội.

Để làm được một chiếc đèn ông sao, chị Khánh phải chuẩn bị sẵn khung đèn cùng giấy màu, hồ nước. Tỉ mỉ hướng dẫn các em cách cắt cánh ngôi sao, giấy dán viền, dưới bàn tay còn “vụng về” của các "nghệ nhân nhí”, những chiếc đèn ông sao năm cánh được hoàn thiện mang theo biết bao niềm háo hức.

Lần đầu tiên được tận tay làm chiếc đèn ông sao, em Nguyễn Thanh Nga không giấu niềm vui: “Cháu sẽ mang chiếc đèn về khoe với bố mẹ. Đêm Trung thu cháu sẽ rước đèn cùng các bạn ở khu phố”. Cũng ngay trong khuôn viên đình Kim Ngân, các em học sinh còn được trải nghiệm với hoạt động tự làm diều giấy, nghe giới thiệu về hoạt động của tàu thủy làm sắt chạy bằng hơi nước...

Không chỉ tại đình Kim Ngân, trong dịp Tết Trung thu 2015 năm nay, tại nhiều địa điểm khác nhau như Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, Làng văn hóa – du lịch các dân tộc Việt Nam, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam… các em thiếu nhi đều sẽ có cơ hội được các nghệ nhân, họa sỹ hướng dẫn trực tiếp làm những sản phẩm đồ chơi truyền thống như vẽ mặt nạ giấy, nặn tò he, làm đèn ông sao… Đây thực sự là cơ hội quý báu để mọi người, đặc biệt là trẻ em, có dịp được sống lại không khí trung thu truyền thống cùng những món đồ chơi quen thuộc, an toàn của bao nhiêu thế hệ trẻ em Việt Nam mà thời gian gần đây đang có dấu hiệu bị lãng quên.

Dịp Tết Trung thu 2015, nhiều nghề truyền thống có cơ hội được "sống" lại.

Cơ hội cho nghề truyền thống “sống” lại

Anh Chu Văn Thắng là một nghệ nhân nặn tò he ở làng Xuân La, xã Phượng Dực, huyện Phú Xuyên, Hà Nội. Anh kể: Gia đình anh đã 4 đời làm nghề truyền thống nặn tò he. Bố anh Thắng chính là nghệ nhân ưu tú của Thủ đô Chu Tiến Công.

Ngày trước, hầu như cả làng anh Thắng đều theo nghề nặn tò he nhưng hiện nay thì số lượng các gia đình theo nghề chỉ còn trên dưới 10 hộ. Thời gian gần đây, khi những món đồ chơi truyền thống bắt đầu được người dân quan tâm trở lại trong giáo dục nhận thức cho trẻ nhỏ cũng là lúc mà nghề nặn tò he có đất sống hơn so với những năm trước, đặc biệt trong dịp Trung thu.

Anh Thắng kể: Bắt đầu từ 23/9, gia đình anh đã nhận “chạy sô” biểu diễn, hướng dẫn nặn tò he cho các cháu thiếu nhi tại các trường học, Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, đình Kim Ngân… Vất vả, tất bật cả chục ngày trước Tết Trung thu nhưng đây chính là niềm vui của những người còn yêu mến và muốn lưu giữ lại cho muôn đời sau nghề nặn tò he. “Mỗi chú tò he chỉ có giá từ 15.000 đồng-20.000 đồng. Để sống và theo nghề đòi hỏi chúng tôi một sự say mê thực sự. Bởi lẽ, cả tháng bán tò he có khi không đủ tiền cho con đóng học”, anh Thắng tâm sự.

Cũng giống như anh Thắng, chị Nguyễn Thị Khánh, con gái nghệ nhân Nguyễn Thị Tuyền ở làng làm đèn ông sao Hậu Ái, Vân Canh, Hoài Đức, Hà Nội đang mang đến cho Tết Trung thu năm nay những chiếc đèn ông sao, đèn con tôm, ông đánh gậy, ông tiến sỹ…

Chị Khánh kể: Quanh năm, gia đình chỉ làm vàng mã. Đến dịp Tết trung thu, cả gia đình tập trung nhận các đơn đặt hàng là các sản phẩm đồ chơi phục vụ cho thiếu nhi. Cách đây một vài năm, khi đồ chơi truyền thống có dấu hiệu bị lãng quên thì đơn đặt hàng không nhiều. Tuy nhiên, thời gian gần đây thì cả gia đình bắt tay làm cũng không xuể. Trung bình mỗi mùa Trung thu, cả nhà chị khoảng 4,5 anh chị em làm ra hàng trăm chiếc đèn các loại. Tất cả các công đoạn từ chặt tre làm khung đèn, cắt giấy, dán… đều được mọi người thực hiện bằng tay rất cẩn thận, tỉ mỉ.

Ngoài làm đồ chơi, gia đình chị Khánh cũng được mời tham gia biểu diễn, hướng dẫn cho các em thiếu nhi làm các loại đèn truyền thống tại một số trường học, lễ hội, di tích, bảo tàng… “Thù lao không phải là quá nhiều nhưng nghề truyền thống được người dân quan tâm trở lại chính là niềm vui lớn nhất của chúng tôi”, chị Khánh tâm sự.

Để những nghề truyền thống trong đó có nghề làm đồ chơi cho trẻ em tồn tại và phát triển trong thời buổi kinh tế thị trường hiện nay, bên cạnh sự nỗ lực của các nghệ nhân ở làng nghề thì sự quan tâm của các cấp chính quyền trong chiến lược phát triển làng nghề là một điều hết sức cần thiết. Đó cũng chính là sự quan tâm, giữ gìn những giá trị truyền thống không chỉ cho ngày nay mà còn là cho muôn đời sau.

Nguyễn Hương
.
.
.