Teen và trào lưu tự hành xác

Chủ Nhật, 03/05/2009, 11:05
Nhiều teen buồn, rạch tay. Bị điểm kém, rạch tay. Bố mẹ cãi nhau, rạch tay. Tình phụ, rạch tay… Lại có teen không có gì để buồn cũng rạch tay. Các teen xem cơ thể mình là nơi trút giận, cho hả hê. Đến nỗi, nhiều teen nghiện hành hạ mình.

Một em gái đã viết trên blog của mình: "Tôi luôn buồn nản và thấy chán ghét tất cả mọi thứ. Bố mẹ thì cãi nhau, gia đình bề bộn, cuộc đời chỉ toàn nước mắt. Tôi muốn khép kín, chẳng quan hệ với ai cho đến một ngày gặp đứa bạn, nó nghĩ ra trò tự rạch tay cho máu chảy ra. Lần đầu rạch tay tôi thấy sợ, chỉ lát sau lại thấy thích thú, bớt buồn và trở thành nghiện, một ngày không rạch tay thì không chịu được…".

Hai năm trở lại đây, trào lưu giới trẻ tự hành xác, ngược đãi bản thân đã phổ biến, không còn là chuyện nhỏ đối với xã hội nữa.

Một trào lưu ghê rợn

Trước đây, chịu khó lướt vào những trang blog cá nhân của một số em gái ở Hà Nội, tôi thường đọc được những hàng chữ: "Chán quá, chán quá! Chết đi thôi!", hoặc "Tự tử là cách tốt nhất để thoát khỏi muộn phiền"… Thì nay, chỉ thấy những cánh tay bị rạch chồng chéo, máu đọng đỏ lòm, do các bạn trẻ tự dùng dao lam rạch và chụp ảnh tung lên blog để tự… sướng.

Chuyện tự tử hoặc tuyên bố tự tử không còn được bạn trẻ, đặc biệt là thế hệ 9X lựa chọn. Hình thức gây sốc và thú vị hơn là ngược đãi bản thân, thành một hội chứng ở lứa tuổi teen còn non nớt, ngây thơ nhưng nhạy cảm.

Hội chứng ngược đãi bản thân (Self-harm) là một căn bệnh dễ mắc phải đối với những đối tượng bị suy sụp về mặt tinh thần. Họ có khuynh hướng làm chính bản thân mình bị đau, muốn phá bĩnh một điều gì đó. Họ sẵn sàng dùng dao cắt vào tay chân, bứt tóc, đốt da hoặc cào cấu cơ thể…

Nhiều teen buồn, rạch tay. Bị điểm kém, rạch tay. Bố mẹ cãi nhau, rạch tay. Tình phụ, rạch tay… Lại có teen không có gì để buồn cũng rạch tay. Các teen xem cơ thể mình là nơi trút giận, cho hả hê. Đến nỗi, nhiều teen nghiện hành hạ mình. Một ngày không dùng dao lam rạch một vài đường vào tay cho máu tứa ra không chịu được.

Tuy nhiên, nhiều teen không giấu giếm chuyện đó mà muốn được giãi bày, tâm sự. Các teen tự chụp ảnh, tung lên blog để được sẻ chia. Teen này học teen kia. Vô hình trung, sự lan truyền này nhanh hơn bất kỳ một loại virus nguy hiểm nào.

Một teen được hỏi qua chat đã trả lời: "Nếu có khả năng, cứ cắt chơi thấy cũng... sảng khoái lắm chứ. Bạn tớ còn thể hiện bản lĩnh của mình vì dám dùng dao tự cắt. Bọn tớ thực sự thấy thỏa mãn vì mình đã chịu đau đớn mà không hề rên rỉ một tiếng".

Qua webcam, cô bạn này còn cho tôi xem những vết cắt mới trên cổ tay. Nhìn mà thấy rợn. Tôi hỏi: "Rạch tay như vậy mà không sợ?". Cô bạn trả lời: "Chẳng. Cứ thấy máu chảy là bớt buồn. Mỗi lần rạch xong là như vừa trút được một cái gì đó, cảm thấy nhẹ nhõm".

Cô bạn này thấy tôi có vẻ sợ hãi, nhiệt tình giới thiệu thêm cho một số người bạn trong nhóm của mình, mà theo cô còn "ngầu" gấp đôi để tôi được mở rộng tầm hiểu biết. Tôi được giới thiệu với một teengirl khác, tôi vẫn "giả nai" sợ hãi thì liền được cô này nhiệt tình nói rằng, không cần phải buồn đau vẫn có thể rạch tay, rạch để chơi thôi. Cô còn hứa nếu tôi thích, sẽ hẹn gặp nhau để cô "bồi" thêm cho kiến thức.

Một blogger viết rằng, càng nhiều vết cắt, hoặc càng cắt nhiều vết khó thì càng được nhiều bạn bè ngưỡng mộ. Bộ đồ nghề để "tự sướng", tự hành hạ bản thân rất đơn giản. Chỉ cần 1.000 đồng một lưỡi dao lam, thêm 2.000 đồng mua một túi bông y tế cộng thêm chút bản lĩnh là đủ cho việc cắt tay. Các bác sĩ tâm lý cho rằng, ngược đãi bản thân thật sự là một căn bệnh rất nguy hiểm vì chính bản thân người bệnh cũng không biết mình đang mắc bệnh.

Việc làm cơ thể bị thương không thể giải quyết được những bế tắc hay đau khổ. Nó chỉ mang lại cho cơ thể một cảm xúc dễ chịu nhất thời nhưng sau đó sẽ là một cảm giác tệ hơn nhiều, thậm chí có người tử vong vì choáng ngất do mất nhiều máu mà không kịp thời được cứu chữa.

Lời cảnh báo cho các gia đình

Một teen có tên Nguyệt Nga tâm sự: "Tôi vẫn nghe người ta nói về tác hại của việc hành hạ bản thân. Nhưng tôi dường như bế tắc và cảm thấy đó là cách duy nhất để tôi không bị chìm trong những nỗi đau. Tôi không thể thoát ra được...".

Nguyệt Nga vốn là một cô gái nhạy cảm, dễ buồn, hay tủi thân vặt vãnh, hay suy nghĩ lung tung. Lần đầu tiên cô biết đến cảm giác thích một bạn nam một cách kinh khủng. Nhưng bạn đó không hề đáp lại. Rồi cô biết người đó có bạn gái. Cô đem trút hết nỗi buồn của mình ra kể với người bạn thân nhất, nhưng không nhận được đồng cảm, lại còn bị chỉ trích.

Cũng trong thời gian đó, gia đình cô gặp trục trặc về kinh tế. Bố mẹ cô hay cãi cọ nhau. Mẹ cô mắng sa sả khi cô mắc lỗi. Thậm chí, khi cô buồn bã, mẹ cô chẳng thèm hỏi tại sao mà còn đay nghiến khiến cô thấy tủi thân vô cùng. Cô trốn vào một chỗ khóc và chẳng may bị mẹ phát hiện, người mẹ đã chẳng hỏi tại sao, lại càng mắng mỏ thậm tệ, khiến cho Nguyệt Nga ngày càng trơ lì, ít nói và ghét mẹ.

Đến một lúc cô không dám khóc, cô giấu tất cả những cảm xúc của mình. Cô lâm vào trầm cảm, chẳng thiết nói chuyện với ai. Về đến nhà đóng cửa ở trong phòng một mình, ngấu nghiến nỗi đau.

Tất cả những cảm giác tồi tệ đó ập đến khiến cô rơi vào tình trạng khủng hoảng. Khóc mà không được khóc to, phải cắn chặt tay để đừng nấc lên kẻo mẹ biết. Cánh tay cô nham nhở vết máu tụ do tự cắn vào tay. Khi cảm giác đau đớn bị tê liệt, cô cảm thấy thích thú khi nhìn những vết máu tụ đó.

Về sau, khi việc cắn tay không còn làm cô thấy đau đớn, cô lấy thử dao lam cứa một vết nho nhỏ lên chỗ bầm cho máu chảy. Cô thấy mình thật sự được thoải mái. Từ đó, cô bắt đầu việc hành xác mình, thường xuyên, mỗi khi có chuyện buồn.

Thay vì tìm ai đó để tâm sự, chia sẻ, Nguyệt Nga thu mình vào một góc, tự giải thoát cho mình bằng cách rạch những đường dao lam ở cổ và cánh tay. Khi bố cô bất ngờ nhìn thấy thì ông ngã ngửa người. Chẳng ngờ con mình dại dột đến mức này. Tất nhiên, cô được đưa đi bệnh viện, đến gặp nhà tư vấn. Lúc này, bố mẹ cô mới cố dành thời gian quan tâm đến con hơn.

Cũng giống như Nguyệt Nga, hành động tự rạch tay của Tuấn Tú ở ngõ chợ Khâm Thiên có nguyên nhân từ gia đình.

Bố mẹ Tú là dân buôn bán, mỗi khi thất bại lại về chì chiết dằn vặt nhau. Tú thấy rằng mình chẳng thể nào tâm sự được với bố mẹ chuyện học hành, chuyện tương lai. Chính bố mẹ, ngoài chuyện kiếm tiền ra cũng chẳng bao giờ quan tâm con cái học hành thế nào. Họp phụ huynh thì đều lấy lý do trốn. Khi con mắc lỗi, chẳng tìm hiểu nguyên nhân vì sao con lại làm như vậy, mà chỉ chửi mắng Tú.

 Điều đó khiến cho Tú ngày càng xa lánh, căm ghét bố mẹ, cảm thấy ngôi nhà của mình không bình yên, chẳng đáng tin. Những sự nghi hoặc, mất niềm tin diễn ra và ngày càng gay gắt trong tâm hồn cậu bé. Cậu đã tìm đến những người bạn ăn chơi đua đòi khác, sau cùng tìm được cho mình niềm vui là tự hành hạ bản thân để quên đi những ngày buồn.

Khi trao đổi, một số bác sĩ tâm lý cho rằng, một nguyên nhân khác dẫn đến chứng bệnh tự hành hạ bản thân là bệnh trầm cảm. Bệnh này lại cũng có những nguyên nhân của nó. Nguyên nhân của bệnh trầm cảm, ngoài yếu tố nội sinh, tức là do các yếu tố di truyền hay tác động của nội tiết tố trong cơ thể ra, chủ yếu là do nguyên nhân ngoại sinh. Đó là các biến cố đau đớn trong cuộc sống gây ra tâm lý trầm cảm.

Khi bị trầm cảm, thế giới trong mắt người bệnh sẽ dần dần thu hẹp lại và chỉ cần một va chạm nhỏ với xung quanh cũng có thể có phản ứng dữ dội. Những xúc cảm xấu lập tức sẽ được dịp bùng lên, nếu không làm chủ được mình người bệnh sẽ bị cuốn đi. Hệ lụy này nối tiếp hệ lụy khác, người bệnh sẽ bị trầm cảm dai dẳng.

Giải pháp tiếp cận nhẹ nhàng nhưng triệt để sẽ giúp người bệnh vừa tránh bị sốc, vừa có đủ thời gian cũng như sự sáng suốt cần thiết để tự tìm hướng giải quyết tốt nhất.

Ngày nay, với rất nhiều sự biến đổi diễn ra trong suy nghĩ giới trẻ. Nhiều luồng văn hóa kém lành mạnh du nhập vào. Các em suy nghĩ thoáng và nông cạn. Nhu cầu thể hiện cái tôi của các em quá lớn, chỉ muốn mình trở thành trung tâm chú ý của mọi người, các em tăng sự ích kỷ.

Ở lứa tuổi này, các em cần sự quan tâm của cha mẹ nhiều hơn lúc nào hết. Nếu việc này không được đáp ứng thì việc tham gia các trò "nguy hiểm" là không tránh khỏi. Rất nhiều ông bố bà mẹ nghĩ rằng, chỉ cần đáp ứng đủ cho con điều kiện vật chất đầy đủ. Họ quên, hoặc có nhiều nguyên nhân khiến họ không chăm sóc con cái về tinh thần, giáo dục chúng về đạo đức và không cảm thông chia sẻ với những tâm sự của chúng. Các em cảm thấy bị bỏ rơi trong chính ngôi nhà của mình.

Thêm nữa, chính những việc làm sai trái của bố mẹ làm con trẻ mất lòng tin. Sự đổ vỡ tình cảm của gia đình cũng khiến tinh thần các em khủng hoảng, và các em đã tìm cách để phản đối bố mẹ, để giải thoát mình, để bố mẹ nhận ra sự hiện diện của mình trong ngôi nhà, trong cuộc đời này.

Vậy thì, các ông bố bà mẹ còn chờ gì nữa mà không trang bị cho con cái kiến thức vào đời. Đồng thời là chỗ dựa vững chắc, làm nguồn an ủi động viên và thấu hiểu các em.

Hãy cho các em một liều vaccin

Tiến sĩ tâm lý học Nguyễn Hồi Loan cho rằng, việc các em tự rạch tay là hành động thiếu hụt về kỹ năng sống. Hiện tượng này chưa xảy ra ở nông thôn, mà ở các thành phố lớn. Phần nhiều các em sinh ra trong những gia đình khá giả, có nhiều áp lực, không tìm thấy mái ấm, sự tựa nương hay một chốn để chia sẻ.

Những hành động của trẻ là mong muốn bố mẹ hãy ngoái lại nhìn chúng. Khi nhìn đến con cái thì họ thực sự sửng sốt, đau đớn. Họ lại tìm đến những bệnh viện, trung tâm tư vấn… nhưng giá mà họ tạo cho con cái khả năng tự vệ, cho chúng một liều vaccin sớm thì đâu đến nỗi.

Tất cả những người được hỏi đều trả lời: Người chịu trách nhiệm lớn nhất chính là những ông bố, bà mẹ vì đã bỏ rơi con cái. Một số người khác nói thêm rằng,  ngày nay các em nghèo nàn, trống rỗng về tâm hồn, mặc dù gia đình giàu có.

Nếu các em không được bồi bổ, tu dưỡng, bảo ban, thì trước sự khắc nghiệt của cuộc sống xô bồ, những người cha, người mẹ tiếp tục lao đi kiếm tiền, chinh phục, đuổi bắt. Đồng tiền sẽ đẩy cha mẹ và con cái xa nhau.

Sự làm giàu thái quá làm loãng hạnh phúc gia đình. Và như thế, sẽ khiến ngày càng nhiều thanh, thiếu niên tự hành hạ bản thân

Vãn Tình
.
.
.