Pu Sam Cáp - thiên đường tạo hóa ban tặng

Thứ Bảy, 21/02/2015, 11:04
Đến với Lai Châu, du khách không chỉ đắm mình trong khung cảnh núi non hùng vĩ, những cung đèo quanh co uốn lượn ẩn hiện trong những đám mây, khám phá những nét văn hóa đặc sắc của 20 dân tộc anh em, mà còn được chiêm ngưỡng vẻ đẹp kỳ vĩ mà tạo hóa ban tặng cho quần thể hang động Pu Sam Cáp hoang sơ và huyền bí.

Bước chân vào quần thể hang động này, du khách cảm nhận rõ cái se lạnh từ trong hang động tỏa ra, lắng nghe những giọt nước nhỏ trong vắt từ các nhũ đá nhỏ xuống đất tí tách lại thấy như một bản giao hưởng êm ái ngân vang trong thính phòng. Tất cả tạo nên một bức tranh mê hoặc lòng người. 

Nằm trên tỉnh lộ 129 nối thành phố Lai Châu với huyện Sìn Hồ là quần thể hang động Pu Sam Cáp gồm 10 hang động lớn nhỏ, trong đó có ba hang động chính là: động Thiên Môn, động Thiên Đường và động Thủy Tinh. Đây là quần thể nằm trên dãy núi đá phong hóa và đá vôi, sườn núi có độ cao từ 200 - 300 mét hướng về phía Nam với những dốc đứng, chia cắt về hướng Bắc.

Kiến tạo địa chất này đã tạo nên ở phía Bắc của dãy núi một hệ thống hàng chục hang động, suối ngầm kéo dài từ xã Nùng Nàng (huyện Tam Đường) qua xã Nậm Loỏng (thành phố Lai Châu) đến xã Lả Nhì Thàng (huyện Phong Thổ). Đường lên động gập ghềnh, khúc khuỷu với những cây cổ thụ lâu năm bị gió xô ngã nằm ngổn ngang bên đường cùng những cây tầm gửi, rêu mốc bám kín.

Bước đến cửa động Thiên Môn, du khách sẽ thấy một vòm hang lớn, bên trong sâu hun hút và chứa khoảng tối huyền bí. Khi tiến vào trong động sẽ cảm nhận được cái se lạnh của nước và đá. Giữa động, có rất nhiều những viên bi nhũ được kết tinh từ hàng triệu năm vận động của những dòng nước chắt lọc từ đá, viên đứng, viên nằm hoặc chồng lên nhau tạo nên các hình hài vừa quen, vừa lạ, làm phong phú trí tưởng tượng của du khách.

Dò dẫm trong khoảng tối huyền bí ấy, du khách cảm nhận rõ hơi lạnh từ đá tỏa ra, phía dưới nhấp nhô những vũng nước trong vắt cộng thêm một chút ánh sáng lộ thiên từ cuối động tạo ra không gian sáng tối mờ ảo như tăng thêm hứng thú trên mỗi bước chân du khách khi cảm nhận một không gian tương phản.

Vượt qua khoảng sáng mờ ảo ấy, du khách lại được thưởng thức một cảm giác mạo hiểm khi đặt chân đến động Thiên Đường. Con đường dẫn xuống động cheo leo, hiểm trở với một sợi dây thừng bám theo những sườn vách đá. Động Thiên Đường như món quà kỳ diệu được tạo hóa ban tặng để trí tưởng tượng của du khách phát huy khi bắt gặp những nhũ đá được sắp đặt một cách tự nhiên đầy huyền bí.

Những đường cong uốn lượn như những thửa ruộng bậc thang. Đi sâu vào bên trong, du khách cảm giác như lạc vào tiên bồng, với nhiều hình thù kỳ vĩ những cột nhũ đá bao quanh động với hoa văn uốn lượn quanh hồ nước trong vắt được tạc bởi "bàn tay" thiên nhiên như một giàn hoa với đủ các loài của vùng đất Tây Bắc, như: hoa lan, hoa ban..., tất cả tạo nên một sức hút. Ở giữa động là một cột nhũ vàng đứng sừng sững, phía trên xòe ra rồi rủ xuống như hình chiếc lọng, mọi người vẫn gọi đó là "thiên lọng". Tiếp tục đi vào phía trong, du khách thấy một suối nhũ hiện ra với những hình thù kỳ lạ.

Mỗi người có thể tưởng tượng ra một hình khác nhau như: ông Phúc, ông Thọ, cột chống trời, cột vàng, cột bạc hay trống đồng. Đến cuối động này, du khách có cảm giác choáng ngợp bởi một khối hình thể giống cung điện nguy nga, lộng lẫy như được tạo hóa phủ lớp vàng óng ánh với những cột nhũ cả mấy người ôm. Với những đường nét nguyên sơ, tự nhiên đầy hấp dẫn, động Thiên Đường như một bức tranh sơn thủy đầy màu sắc.

Đại tá Trần Kim Thẩm, Phó TBT Báo CAND và đoàn công tác của Báo tại cổng động Thiên Đường.

Đường xuống động mang đến cho du khách cảm giác mạnh bằng một sợi dây leo được cố định men theo sườn vách đá. Một không gian tĩnh mịch bao trùm, cảm giác lắng đọng, linh thiêng theo mỗi bước đi. Thiên Đường như một cuộc sống thu nhỏ được tạo hóa ban cho con người. Du khách sẽ được thấy những cột nhũ đá được sắp đặt một cách tự nhiên đầy huyền bí. Nửa ngày khám phá hang động đầy hứng thú, du khách còn được thả hồn vào thiên nhiên hoang sơ và thưởng thức tiếng chim hót véo von trên những cánh rừng nguyên sinh. Đến quần thể hang động Pu Sam Cáp đầy bí hiểm, chắc chắc du khách sẽ lưu giữ được ấn tượng về vẻ đẹp tuyệt vời mà tạo hóa ban tặng cho nơi đây.

Quần thể hang động Pu Sam Cáp được phát hiện từ năm 2006 nhưng đến nay chưa được đầu tư, khai thác xứng tầm. Hiện tại, Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Lai Châu là đơn vị duy nhất được UBND tỉnh Lai Châu cấp phép đầu tư.

Do nguồn kinh phí hạn chế nên đến nay, Công ty mới chỉ làm đường lên quần thể hang động một cách sơ sài với các bậc thang, dây vịn thô sơ để du khách có thể vào thăm động. Ngoài ra, Công ty mới sử dụng máy phát điện để cung cấp hệ thống ánh sáng điện thưa thớt bên trong động nhằm phục vụ mỗi khi có du khách tham quan, mà chưa có hệ thống ánh sáng trang trí đủ tầm cho các hang động, cũng như các thiết bị phụ trợ kèm theo.

Tiếp xúc với chúng tôi, ông Nguyễn Hữu Mạnh, Phụ trách tổ bảo vệ, kiêm hướng dẫn du khách ra vào tham quan động tâm sự, mỗi năm quần thể hang động Pu Sam Cáp đón tiếp trên 1.000 du khách tham quan, trong đó chủ yếu là người dân địa phương và các đoàn khách đến Lai Châu công tác, chứ khách tự đến Lai Châu tham quan thì hầu như không có.

Với số tiền thu được từ khách tham quan (30.000 đồng/người/lượt) chỉ đủ duy trì hệ thống máy nổ, đèn chiếu sáng và một vài nhân viên hướng dẫn đi cùng đoàn du khách để đảm bảo sự an toàn cần thiết. Đến thời điểm này, mặc dù UBND tỉnh Lai Châu đã có dự án quy hoạch, xây dựng quần thể hang động Pu Sam Cáp thành khu du lịch sinh thái phục vụ du khách đến tham quan, nghỉ ngơi, nhưng do nguồn kinh phí chưa có nên dự án này hiện vẫn đang… nằm trên giấy.

Trao đổi với phóng viên Báo CAND về công tác bảo vệ hang động Pu Sam Cáp, Đại úy Vũ Tiến Văn, Phó trưởng Công an thành phố Lai Châu cho biết, từ khi phát hiện ra quần thể hang động này, Ban Chỉ huy Công an thành phố đã có kế hoạch bảo vệ an ninh trật tự khu vực này.

Đồng thời, Công an thành phố chỉ đạo lực lượng Công an phụ trách xã thường xuyên tăng cường kiểm tra về an ninh trật tự, phối hợp với Công an xã Nậm Loỏng mở hồ sơ điều tra cơ bản về mô hình động, tài sản trong động, những ngày tổ chức lễ hội để có phương án bảo vệ phù hợp với thực tiễn.

Để quần thể hang động Pu Sam Cáp là một điểm đến lý tưởng, ngoài việc bảo vệ những vật thể đang có trong hang động, bảo vệ tình hình an ninh trật tự trong và ngoài khu vực thì điều rất cần thiết là tỉnh Lai Châu phải kêu gọi được những nhà đầu tư tâm huyết để xây dựng và phát triển Pu Sam Cáp tương xứng với giá trị sẵn có của một kỳ quan quốc gia, góp phần xây dựng Pu Sam Cáp thành một địa điểm du lịch hấp dẫn của cả nước.

Nguyễn Hưng – Văn Thiệp
.
.
.