Tàu đổ bộ JS Kunisaki với thủy thủ đoàn quốc tế thăm Đà Nẵng

Thứ Sáu, 06/06/2014, 13:58
Trưa ngày 6/6, tàu đổ bộ JS Kunisaki (LTS 4003) của lực lượng Phòng vệ Hàng hải Nhật Bản cùng thủy thủ đoàn đa quốc gia đến từ Hoa Kỳ, Úc và Nhật Bản đã cập cảng Tiên Sa (Đà Nẵng) trong khuôn khổ chương trình Đối tác Thái Bình Dương 2014.

Đại tá Hải quân Hoa Kỳ Brian Shipman - Tư lệnh của Chương trình đối tác Thái Bình Dương cùng Phó Tư lệnh, Đại tá Yoichi Matsui (thuộc lực lượng Phòng vệ Hàng hải Nhật Bản) và Tham mưu trưởng chương trình - Trung tá John Cronnin (Úc) đã trả lời nhiều câu hỏi của các phóng viên Việt Nam và quốc tế về mục đích chuyến thăm, khả năng ứng phó của lực lượng tham gia chương trình Đối tác Thái Bình Dương đối với thiên tai và các vấn đề liên quan đến an ninh, tự do hàng hải…

Diễn ra từ nay đến ngày 15/6, “Chương trình đối tác Thái Bình Dương năm 2014” tại Đà Nẵng sẽ có các hoạt động trao đổi như Hội thảo chăm sóc cấp cứu và ổn định bệnh nhân, hội thảo chấn thương trên chiến trường, hội thảo chăm sóc y tế, hội thảo chăm sóc phục hồi cho bệnh nhân bỏng, hội thảo hồi sức cấp cứu cơ bản, hội thảo chống nhiễm khuẩn bệnh, hội thảo chăm sóc lâm sàng - dược và độc chất học, hội thảo tim mạch nhi khoa; hỗ trợ nâng cấp Trạm y tế Hòa Quý, thăm Trung tâm nuôi dạy trẻ mồ côi Đà Nẵng, giao lưu văn hóa, thể thao giữa Việt Nam và các nước Nhật Bản, Hoa Kỳ, Úc…

Tàu vận tải đổ bộ JDS Kunisaki (LST-4003) thuộc lớp tàu đổ bộ lớn Osumi do Công ty Mitsui, Tamano đóng. Tàu có lượng giãn nước không tải là 9.000 tấn, đầy tải 14.000 tấn; chiều dài 178m, rộng 25,8m, cao 17m, mớn nước 6m, biên chế nhân viên 135 người. Tàu trang bị 2 động cơ diezen 2 trục đẩy, công suất 26.000hp, đảm bảo có thể chạy với vận tốc 22 hải lý/h; có khả năng vận tải tối đa lên tới 1000 binh lính và 2 tàu đổ bộ đệm khí LCAC. Ngoài ra tàu còn có thể vận chuyển được 16 chiếc trực thăng hạng nặng CH-47 Chinook, 10 xe tăng chiến đấu chủ lực Type-90 hoặc 1.400 tấn hàng hóa. Đồng thời Nhật Bản đang có có kế hoạch cải tiến lớp tàu này để tiếp nhận được máy bay vận tải MV-22 Osprey.

Tàu được trang bị hệ thống radar trinh sát đường không OPS-14C, radar trinh sát mặt nước OPS-28D, radar định vị OPS-20… và nhiều hệ thống khác.

Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam, ngài Hiroshi Fukada có mặt từ khá sớm để đón thủy thủ đoàn từ tàu LTS 4003.

Các quan chức, sĩ quan và thủy thủ từ tàu LTS 4003 được chào đón trong không khí thân thiết, hữu nghị.

Đội quân nhạc của Hạm đội 7 tấu nhạc chào mừng.

Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản và Chỉ huy chương trình Đối tác Thái Bình Dương 2014 trả lời phỏng vấn của báo chí Việt Nam và quốc tế.

Đại diện UBND TP Đà Nẵng và Hải quân Vùng 3 chụp ảnh lưu niệm và lên tham quan tàu LTS 4003.

Bên cạnh đó, các quốc gia tham dự Chương trình Đối tác Thái Bình Dương sẽ có cơ hội giao lưu cả về lĩnh vực quốc phòng.

Trong thời gian lưu lại cảng Tiên Sa, tàu LTS 4003 cũng sẽ tổ chức đón các đoàn đại biểu của các sở, ban, ngành TP Đà Nẵng lên tham quan tàu. Đội quân nhạc của Hạm đội 7 (Hoa Kỳ) sẽ trình diễn ca nhạc ngoài trời trên tuyến đường Bạch Đằng dọc bờ Tây sông Hàn… Kết thúc hoạt động hợp tác, giao lưu tại Đà Nẵng, tàu LTS 4003 sẽ tiếp tục hành trình tới Campuchia, Philippines.

"Đối tác Thái Bình Dương" là chương trình được tổ chức từ năm 2007 theo đề xuất của Hải quân Mỹ với sự tham gia hằng năm của lực lượng phòng vệ Nhật Bản. Theo trang tin Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ, tính đến nay "Đối tác Thái Bình Dương" đã cung cấp dịch vụ y tế cho khoảng 250.000 bệnh nhân, thực hiện hơn 170 dự án kỹ thuật tại 14 quốc gia khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Trả lời câu hỏi về việc lực lượng Hải quân Hoa Kỳ có thể giúp gì cho ngư dân Việt Nam khi gặp thảm họa trên biển Đông, Đại tá Brian Shipman khẳng định, mặc dù sự kiện lần này không có chương trình hợp tác liên quan đến vấn đề trên, nhưng Hoa Kỳ sẽ có kế hoạch hợp tác để hỗ trợ ngư dân Việt Nam trong thời gian tới

Thân Lai
.
.
.