Tập trung mọi nguồn lực, khả năng cứu chữa bệnh nhân sởi

Thứ Bảy, 26/04/2014, 10:47
Sau một ngày (23/4) không có ca tử vong về sởi, theo PGS.TS Trần Đắc Phu, đến ngày 24 và 25/4, cả nước ghi nhận thêm gần 100 trường hợp mắc sởi đã được xác định trên tổng số trên 300 trường hợp sốt phát ban dạng sởi tại 25 tỉnh, thành phố cùng với 6 trường hợp tử vong liên quan đến sởi tại Bệnh viện (BV) Nhi Trung ương (TW). Hiện, số người mắc sởi trong cả nước đã là hơn 10.017 trường hợp, trong đó có 25 trường hợp tử vong do sởi trong số 123 trường hợp nặng xin về và tử vong có liên quan đến sởi.

Cũng theo PGS.TS Trần Đắc Phu, con số tử vong hiện chưa giảm, là vì số bị sởi biến chứng nặng đến mức thở máy từ nhiều ngày trước đó dồn lại. Số bệnh nhân nặng phải thở máy ở các bệnh viện tuyến Trung ương vẫn còn cao, tiềm ẩn nguy cơ tử vong: Số bệnh nhân hiện đang phải thở máy ở BV Nhi TW hiện là 22, só bệnh nhân nặng và thở máy ở BV Bạch Mai vẫn còn 30 trường hợp. Trong khi đó, hàng ngày, vẫn có hàng chục bệnh nhân mắc sởi mới nhập viện, đều là trường hợp đã nặng.

Tuy nhiên, số trường hợp mắc sởi xác định tại các địa phương đã bắt đầu giảm dần, song do số trẻ dưới 9 tháng tuổi không được tiêm vaccine nên nguy cơ số mắc ở nhóm này khó giảm, đồng thời có thể sẽ tiếp tục ghi nhận ca nặng. Tỷ lệ tiêm phòng vaccine sởi tại các tỉnh tiếp tục được nâng lên từ chiến dịch tiêm vét vaccine sởi cho phép ngành Y tế khả quan hơn về tình hình dịch sởi. 

Điều trị bệnh nhân sởi tại Bệnh viện Bạch Mai.

Vì số bệnh nhân nặng và phải thở máy ở 2 BV Nhi TW và BV Bạch Mai vẫn còn nhiều, nên trong buổi kiểm tra  2 BV trên vào ngày 25/4, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến yêu cầu các bệnh viện phải tập trung mọi nguồn lực, khả năng có thể để cứu chữa bệnh nhân nặng.

Với sự khuyến cáo của ngành Y tế và của báo chí về các “điểm nóng” của dịch sởi, nên hiện, số lượng người đến BV Nhi TW đã giảm đáng kể, khiến cho BV giảm tải rõ rệt và các bệnh nhi điều trị nội trú đã không còn phải nằm ghép.

Thực tế này cho thấy hiệu quả của công tác phân tuyến điều trị, thực hiện cơ cấu BV vệ tinh, nhất là tuyên truyền về dịch sởi đang hoành hành tại đây, đã giúp cho bệnh nhân các nơi không còn dồn về BV Nhi TW như trước. Trước đây, mỗi ngày, BV khám cho khoảng hơn 3.000 ca, thì nay, chỉ còn trên 1.000 ca. Giảm tải được, bệnh nhân giãn ra, các thầy thuốc giảm bớt áp lực về công việc, do đó, chất lượng chăm sóc và điều trị bệnh nhân chắc chắn được nâng lên. Nhất là khi, với sự quan tâm về nhiều mặt của Bộ Y tế, hiện, BV Nhi TW đã đủ điều kiện về trang thiết bị y tế để phục vụ nhu cầu khám, chữa bệnh của người dân. Theo PGS.TS Lê Thanh Hải, Giám đốc BV Nhi TW thì một vấn đề đặc biệt quan trọng là hiện, lây nhiễm tại BV gần như giải quyết được triệt để. BV cũng tập trung mọi điều kiện để chữa trị cho các cháu. Kỹ thuật mới ECMO có chi phí tới 500 triệu đồng/ca, nhưng BV vẫn sử dụng để chữa trị hết khả năng, nhằm giành giật lại sự sống cho các bé.

Tuy nhiên, ở khoa Nhi (BV Bạch Mai) vẫn rất đông bệnh nhân. Hiện tại bệnh viện có 70 bệnh nhân sởi, trong đó nhiều ca nặng. BV đã cho kê thêm 15 giường nhưng do bệnh nhân đông nên vẫn phải nằm ghép. PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng Khoa Nhi, cho biết, hầu hết các trường hợp vào đây là chuyển về từ các tỉnh và đều nặng.

Để tiếp tục giảm tải, Bộ trưởng Bộ Y tế chỉ đạo cả BV Bạch Mai và BV Nhi TW phải kê thêm giường, chuyển bệnh nhân đã điều trị ổn định về tuyến dưới

Thanh Hằng
.
.
.