TP HCM:

Tập trung kiểm soát bệnh sốt xuất huyết và tay chân miệng

Thứ Tư, 05/11/2014, 16:59
Tại phía Nam, thời tiết đang vào mùa mưa, môi trường thuận lợi dễ phát sinh các bệnh giao mùa ở trẻ nhỏ và cả ở người lớn như cúm, sốt siêu vi đặc biệt là sốt xuất huyết (SXH). Ngoài ra diễn tiến bệnh tay chân miệng(TCM) tại phía Nam đang có dấu hiệu phức tạp và tăng đột biến. Ngày 5/11, bác sĩ Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Y tế dự phòng TP Hồ Chí Minh cho biết như trên.

Được biết, trong 9 tháng đầu năm 2014, số trường hợp mắc bệnh SXH ghi nhận tại khu vực TPHCM theo kết quả chẩn đoán và nhập viện là 3.150 ca . Có giảm 20% so với cùng kỳ năm 2013 nhưng trên số trường hợp tử vong cho thấy vẫn còn nhiều nguy cơ: 5 trường hợp tử vong từ đầu năm tới nay.

Riêng trong tháng 10/2014, số ca nghi ngờ SXH đã là 1.074 ca được chẩn đoán và nhập viện. Bệnh SXH sẽ gia tăng theo mùa, đó là nhận định của Trung tâm Y tế dự phòng TPHCM. Mưa nhiều, kèm nóng ẩm, thời tiết thất thường khiến gia tăng số ca mắc SXH nhất là nhiều nơi người dân không tuân thủ việc ngủ mùng, chứa nước trong các vật dụng không được bảo quản, sinh lăng quăng, ổ phát sinh muỗi SXH. Trong đó tại TPHCM, các quận, huyện như: Q 7, quận 12, Hóc Môn, Thủ Đức, Bình Chánh, Bình Tân luôn là những nơi cao điểm về SXH.

Trẻ mắc sốt xuất huyết nặng được điều trị tại bệnh viện nHi Đồng 1 TP HCM  

Cũng theo bác sĩ Dũng, bệnh tay chân miệng( TCM) cũng đang diễn biến phhức tạp. Trong 9 tháng đầu năm, đã ghi nhận 1 trường hợp tử vong, 5.382 ca được chẩn đoán mắc bệnh, đã tăng 20% so với cùng kỳ năm 2013. Riêng trong tháng 10, tỉ lệ mắc bệnh TCM ở trẻ đã tăng 59% so với cùng kỳ năm ngoái.( 1.235 ca).

BS Nguyễn Trí Dũng cho rằng, riêng trong tháng 10, bệnh TCM đã gia tăng đột ngột, với số ca bệnh trung bình lên tới 300 ca/ tuần. Do đó, trong 2 tháng cuối của năm 2014, thành phố sẽ tập trung kiểm soát 2 loại bệnh truyền nhiễm lưu hành là SXH và TCM. Theo đó, tại các quận, huyện trên địa bàn sẽ tập trung vào việc điều tra dịch tễ, tìm hiểu các ca bệnh tới địa từng địa bàn để nhận định chính xác tình hình dịch bệnh nhằm có biện pháp xử lý ổ dịch đúng kỹ thuật, cũng như đạt độ bao phủ công tác dự phòng trên diện rộng. Trong đó tập trung điều tra dịch tễ, xử lý ổ dịch tại các địa bàn có số ca bệnh tăng cao trong 3 tuần liên tiếp.

Cùng phối hợp với cơ quan chức năng kiểm soát tốt được tình hình dịch bệnh truyền nhiễm, người dân hết sức lưu ý trong các hành vi ăn uống, vệ sinh hàng ngày nhằm tránh lây bệnh. Trong trường hợp nghi ngờ mắc bệnh SXH hay TCM , bệnh nhân cần đến bệnh viện để thăm khám và điều trị kịp thời, tránh các biến chứng đáng tiếc có thể xảy ra. Đặc biệt, với trẻ mắc bệnh TCM, phụ huynh và nhà trường cần phối hợp giám sát bệnh Nhi, tốt nhất là cho nghỉ học ít nhất 10 ngày kể từ khi khởi phát bệnh để không lây lan cho trẻ khác do tiếp xúc gần

Huyền Nga
.
.
.