Họp trực tuyến toàn quốc về hỗ trợ ngư dân đóng tàu sắt ra khơi:

Tạo điều kiện tối đa cho ngư dân

Thứ Bảy, 25/04/2015, 11:14
Sau 8 tháng triển khai Nghị định 67 của Chính phủ, về một số chính sách phát triển thuỷ sản, sáng 24/4, Chính phủ đã tổ chức họp trực tuyến toàn quốc với các bộ, ngành và địa phương, dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh về kết quả thực hiện và tháo gỡ những khó khăn đang đặt ra.

Dù được đánh giá cao về tính toàn diện của chương trình, cũng như sự vào cuộc quyết liệt của các địa phương, đến nay mới có 31 con tàu được giải ngân vốn vay, để tiến hành đóng mới, một con số vô cùng khiêm tốn, so với hơn 2.600 tàu được phân bổ theo kế hoạch.

Tiến độ giải ngân vốn vay tuy còn chậm nhưng Chính phủ nhận định chương trình đã đi đúng hướng.

Báo cáo tại buổi họp, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Vũ Văn Tám cho biết: Ngay sau khi Nghị định có hiệu lực, các bộ, ngành đã tích cực triển khai, ban hành nhiều văn bản hướng dẫn. Với một khối lượng công việc rất lớn, ban đầu địa phương có khó khăn lúng túng, nhưng nhìn chung đã vào cuộc quyết liệt, đặc biệt là các tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ và Bắc Trung Bộ, các địa phương có nhiều tàu đánh bắt xa bờ và có nhiều kết quả sáng tạo. Số tàu đăng ký đóng mới là 628 chiếc (chiếm gần 28% số tàu được phân bổ).

Trong số này, ngư dân đã đăng ký đóng mới 267 tàu vỏ sắt, 44 tàu vật liệu mới và 317 tàu gỗ. Công suất những tàu này cũng khá lớn, từ 400 cho đến hơn 1.000CV. Đến hết ngày 24/4, các ngân hàng thương mại đã nhận được 157 bộ hồ sơ của chủ tàu tại 17/23 tỉnh, thành phố. Tuy nhiên, mới ký được hợp đồng tín dụng đóng mới, nâng cấp 31 tàu (28 tàu đóng mới, nâng cấp 3 tàu) với tổng số tiền là 271,01 tỷ đồng, thời hạn vay 11 năm, mức cho vay từ 60 – 95% giá trị tàu. Dư nợ đến thời điểm báo cáo đạt gần 70 tỷ đồng.

Nhận định đây là chính sách đồng bộ nhất từ trước đến nay, đáp ứng nguyện vọng của ngư dân, góp phần vào việc phát triển thuỷ sản theo hướng hiện đại, tạo đột phá trong việc tổ chức lại sản xuất nghề cá, góp phần thực hiện thành công đề án tái cơ cấu ngành Thuỷ sản, nâng cao đời sống ngư dân và góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo của Tổ quốc... Tuy nhiên, vẫn còn khá nhiều vướng mắc được các địa phương đồng loạt kiến nghị, đa phần là giống nhau. Hơn thế nữa, nhìn vào kết quả có thể thấy tiến độ giải ngân vốn vay cho bà con ngư dân còn rất chậm, mới có 31 trường hợp được vay tiền trên tổng số hơn 2.600 con tàu được Chính phủ phê duyệt là một kết quả rất ít ỏi.

Phát biểu tại hội nghị, đa phần kiến nghị của các địa phương đều tập trung vào việc thiết kế tàu, chưa thích hợp với đặc thù đánh bắt của ngư dân từng địa phương; tiến độ giải ngân chậm, ngân hàng chưa quyết liệt và còn đòi hỏi tài sản đảm bảo ngoài con tàu; khó khăn về vốn đối ứng của ngư dân; kiến nghị về việc giãn thời hạn vay lên 16 năm đối với tàu vỏ sắt và kiến nghị cho phép ngư dân được sử dụng máy cũ đảm bảo chất lượng.

Nêu thực trạng địa phương mình, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh cho biết, đến nay toàn tỉnh mới xét duyệt được 32 tàu đóng mới, 18 chủ tàu đã nộp được hồ sơ vay vốn, 16 đã ký được hợp đồng nguyên tắc, nhưng chưa giải ngân được một trường hợp nào. Một số chủ tàu rơi vào tình trạng tài sản thế chấp đang khó khăn và chưa chứng minh được tài sản đối ứng.

Nguyên nhân của tình trạng này, là ngư dân cho rằng thiết kế tàu chưa phù hợp, đề nghị được điều chỉnh, sửa đổi, nhưng phải báo cáo với Tổng cục Thuỷ sản thì quá mất thời gian, nên kiến nghị nếu không ảnh hưởng lớn đến an toàn kỹ thuật tàu có thể ủy quyền cho tỉnh phê duyệt việc điều chỉnh. Mặt khác, một số ngư dân phản ánh các cơ sở đóng tàu định giá hơi cao.

“Do đó, chúng tôi đề xuất luôn các cơ sở đóng tàu cập nhật chi tiết phần mềm thiết kế để có cơ sở theo dõi giá thành và đưa giá hợp lý nhất”. Báo cáo cho biết, đến 23/4, các NHTM đã đồng ý cho vay, ký hợp đồng tín dụng được 4 tàu, giải ngân được trên 17 tỷ đồng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi cũng “xin nói thật” là “ngân hàng còn chần chừ, làm chưa mạnh, chưa quyết liệt, làm chậm đi tiến độ. Thậm chí, ở Quảng Ngãi có trường hợp người ta đã bán tàu nhỏ để góp vốn làm tàu thép, nhưng hiện tại chưa được vay, gây thiệt hại cho họ. Ngân hàng là một mắt xích quan trọng, cần tích cực hơn nữa, để cùng địa phương và ngư dân đẩy mạnh quá trình này”.

Trước các kiến nghị này, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Đồng Tiến khẳng định “không có trường hợp nào không cho vay mức tối đa và không có trường hợp nào yêu cầu thêm tài sản bảo đảm, ngoài con tàu. Nếu địa phương phát hiện, báo về, Ngân hàng Nhà nước sẽ kỷ luật tổ chức tín dụng không tuân thủ yêu cầu”.

Phát biểu kết thúc hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh tiếp tục khẳng định đây là chính sách đồng bộ và toàn diện nhất từ trước tới nay, phải kiên trì thực hiện. Tuy cho rằng việc giải ngân chậm chưa hẳn là tín hiệu đáng lo lắng, bởi cho thấy địa phương và ngư dân đều đang rất thận trọng, nghiêm túc, Phó Thủ tướng cũng nhắc nhở kết quả so với Nghị định là chưa đạt, cần nỗ lực hơn và tìm thêm nguồn vốn để phát triển hạ tầng nghề cá.

Phó Thủ tướng cũng đã đưa ra hướng xử lý hầu hết các vấn đề địa phương khúc mắc. Phó Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu “phải tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tự lựa chọn, từ mẫu tàu, máy móc trang thiết bị, ngư lưới cụ, cho tới thời hạn vay, không để cò mồi ép ngư dân”. “Tôi nhắc lại một lần nữa, các NHTM cử người ngay vào các tổ, theo ngay từ đầu, cần những hồ sơ gì yêu cầu ngư dân một lần thôi, đừng có yêu cầu bổ sung giấy tờ nọ kia, mất thời gian lắm”.

Riêng kiến nghị về việc được sử dụng máy móc cũ với tàu vỏ gỗ, có nhiều ý kiến khác nhau ngay cả trong các địa phương, do lo lắng không kiểm soát được chất lượng, biến nước ta thành bãi rác công nghệ của thế giới; Phó Thủ tướng cũng cho biết đây là vấn đề rất phức tạp, cần báo cáo thêm với Chính phủ trước khi cho ý kiến. “Nếu quản lý được sẽ mở ra”.

Vũ Hân
.
.
.