Tăng viện phí khi các bệnh viện được tự chủ
Tăng viện phí trong bối cảnh các bệnh viện (BV) đang được đẩy mạnh giao quyền tự chủ theo Nghị định 43, liệu có khiến bệnh nhân thêm gánh nặng vì BV sẽ "tận thu" nhằm tăng lợi ích? Để tìm hiểu vấn đề này, PV Báo CAND đã có cuộc trao đổi với TS Lý Ngọc Kính, Phó Chủ tịch Hội Kinh tế Y tế Việt Nam:
PV: Thưa ông, quan điểm của ông trước những ý kiến lo ngại về việc tăng viện phí trong bối cảnh các BV được giao quyền tự chủ, chỉ làm lợi thêm cho các BV?
TS. Lý Ngọc Kính: Việc các BV được giao quyền tự chủ là một bước tiến đáng ghi nhận, khắc phục được những hạn chế của cơ chế bao cấp: tạo ra sự năng động cho các cơ sở khám, chữa bệnh. Nhờ đó, hệ thống KCB đã phát triển cả về qui mô và trình độ chuyên môn kỹ thuật và khắc phục sự trì trệ, lãng phí vốn có. Các thầy thuốc muốn có tay nghề cao, BV phải cho đi đào tạo để đáp ứng yêu cầu chuyên môn, kỹ thuật mới. Các BV có sự cạnh tranh lành mạnh, nhờ đó, hệ thống y tế đã phát triển mạnh mẽ, nhiều kỹ thuật ngang tầm khu vực và thế giới như lĩnh vực can thiệp tim mạch, ghép tạng, vi phẫu… được ứng dụng ở BV Nhi TW, BV Việt Đức, Bạch Mai, Chợ Rẫy, TW Huế v.v… và cán bộ y tế nhiều nước đã đến Việt Nam học hỏi.
Tuy nhiên, việc chậm đổi mới cơ chế đã khiến quá trình thực hiện cơ chế tự chủ bộc lộ một số nhược điểm, khi mục tiêu của các BV là tăng thu kinh phí, thay cho mục tiêu phục vụ người bệnh. Đó là tình trạng lạm dụng thuốc, lạm dụng kỹ thuật cao, lạm dụng xét nghiệm diễn ra khá phổ biến. Các BV không công nhận xét nghiệm của nhau, buộc bệnh nhân phải làm xét nghiệm nhiều lần, nhiều bệnh điều trị bằng thuốc thông thường cũng khỏi, nhưng bác sĩ vẫn kê đơn thuốc đắt tiền để được hưởng hoa hồng do các công ty dược trả. Hiện nay, vấn đề lạm dụng xét nghiệm, thuốc và kỹ thuật cao là tồn tại lớn nhất của các BV, khiến ngành Y tế trăn trở tìm giải pháp khắc phục.
PV: Hầu hết lãnh đạo các BV không có kinh nghiệm quản lý, nhất là về kinh tế, việc giao quyền tự chủ có nảy sinh nhiều vấn đề gây thiệt thòi cho người bệnh?
TS. Lý Ngọc Kính: Được giao quyền tự chủ, nhiều BV đã liên doanh liên kết để phát triển kỹ thuật. Nhưng do thiếu kinh nghiệm quản lý, nên khi ký kết, đại đa số giám đốc các BV bị "hớ" khi không tính đến giá trị rất lớn là thương hiệu của BV, nên chỉ thống nhất phần BV được hưởng là 30% doanh thu, còn đơn vị có thiết bị hưởng 70%. Tỉ lệ này rất vu vơ, không căn cứ trên cơ sở tính toán nào. Cũng do thiếu kinh nghiệm quản lý, nên lãnh đạo BV đôn đốc thu hồi sớm khấu hao máy móc, bằng việc tăng tần suất sử dụng máy, khiến nhiều người bệnh dù không cần thiết vẫn phải sử dụng.
Trong bối cảnh khung viện phí thấp, BHYT khống chế thuốc và vật tư tiêu hao, nên người bệnh phải tự mua nhiều thứ, còn BV cũng phải bù chi về kỹ thuật cao, điện, nước… cho bệnh nhân BHYT. Ví dụ một giường cấp cứu ở BV Bạch Mai có thiết bị hiện đại, giá hơn 200.000đ/ngày nằm, nhưng BHYT chỉ thanh toán 18.000 đồng… Để bù lại, BV phải tăng cường khám dịch vụ và thế là cái vòng luẩn quẩn lại đến, với việc lạm dụng xét nghiệm, lạm dụng kỹ thuật cao.
TS Lý Ngọc Kính. |
PV: Không lẽ, ngành Y tế bó tay trước thực trạng này, thưa ông?
TS. Lý Ngọc Kính: Vấn đề lạm dụng thuốc, kỹ thuật cao trong điều trị được ngành y tế quan tâm từ lâu, nên đã nghiên cứu và thực hiện nhiều biện pháp nhằm ngăn chặn. Biện pháp trước hết là thay đổi cơ chế chi trả, tức là chi trả với phương thức trọn gói theo nhóm bệnh, ví dụ bệnh nhân mổ ruột thừa, mổ đẻ… có quy trình kỹ thuật và sử dụng lượng thuốc tương đương, được trả cùng một giá như nhau. Chúng tôi đã thí điểm chi trả theo nhóm ở một số BV như Thanh Nhàn, Sơn Tây…
PV: Việc tăng viện phí sẽ ảnh hưởng lớn đến người bệnh, trong khi đó, BHXH Việt
TS. Lý Ngọc Kính: Theo tôi không thể tăng mức đóng BHYT đồng thời với tăng viện phí, vì như thế là tăng viện phí "kép". Bởi vì bệnh nhân có BHYT vẫn phải đồng chi trả 5%-20%. Nhà nước sẽ có trách nhiệm bù cho phần Quỹ BHYT nếu bị hụt khi viện phí tăng, chứ không nên để người dân phải đóng thêm phí BHYT trong giai đoạn hiện nay. Để bớt gánh nặng cho người nghèo cần sử dụng quỹ 139 hỗ trợ bệnh nhân nghèo, người mắc bệnh mãn tính, người bệnh có chi phí điều trị lớn không có khả năng chi trả...
PV: Xin cảm ơn ông!