Tăng mức phạt, vỉa hè vẫn bị lấn chiếm

Thứ Năm, 30/12/2010, 11:02
Kể từ khi thực hiện Nghị định 34/NĐ-CP tăng mức xử phạt vi phạm hành chính về việc lấn chiếm hè đường để kinh doanh buôn bán lên 25 triệu đồng, gần như Hà Nội chưa xử phạt được trường hợp nào.

Cuối năm, tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng đường để kinh doanh buôn bán càng diễn biến phức tạp, gây mất trật tự giao thông đô thị và mỹ quan đường phố. Người dân bức xúc khi không còn vỉa hè dành cho người đi bộ; vào giờ cao điểm thì gây ách tắc giao thông.

Ngổn ngang lấn chiếm

Gọi điện đến Đường dây nóng của Báo CAND, một bạn đọc phản ánh: "Vỉa hè ở khu vực phố cổ lâu nay gần như bị việc kinh doanh buôn bán chiếm dụng khiến người đi bộ rất bức xúc. Đặc biệt là khách du lịch, họ không biết đi vào đâu, đành phải đi xuống lòng đường. Tôi nghĩ không thể để tình trạng này kéo dài, nhất là ở khu vực trung tâm của Thủ đô".

Đem theo bức xúc của người dân, sáng 29/12 chúng tôi gửi xe máy ở phố Gia Ngư và đi bộ vào phố cổ. Thời điểm này phố cổ là trung tâm buôn bán sôi động của Hà Nội với cảnh người, hàng ra vào tấp nập. So với nhiều phố khác thì vỉa hè trên đường Hàng Đào đến Đồng Xuân là có vẻ to nhất. Thế nhưng người đi bộ vẫn phải "lách" xuống lòng đường vì nhiều đoạn vỉa hè đã chật hàng hoá.

Vào phố Hàng Bồ, vẻ ách tắc càng rõ hơn khi vỉa hè bị hàng hoá lấn chiếm, khách hàng dựng xe ngổn ngang để chọn đồ. Đến phố Hàng Chiếu thì việc lấn chiếm vỉa hè để kinh doanh càng rõ nét. Vỉa hè vốn đã hẹp nay dường như chẳng còn chỗ để cho người đi bộ chen chân, trong khi dưới lòng đường thì hàng rong liên tục qua lại.

Hàng hóa chiếm dụng vỉa hè, người đi bộ phải đi xuống lòng đường.

Tệ hại hơn là có những con phố đã không còn vỉa hè như phố Hàng Khoai. Cả con phố này không còn chỗ nào là vỉa hè nữa vì bị bày bán chật kín bát đĩa, cốc chén, xoong nồi… Con phố này cũng thường xuyên xảy ra ách tắc giao thông bởi có rất nhiều ôtô, xe máy chở hàng ra vào chợ Đồng Xuân và các phố kinh doanh lân cận. Thậm chí, có đoạn vỉa hè ở phố Hàng Rươi, Lương Văn Can cũng bị người ta bầy chật kín hoa nhựa, đồ chơi….

Không chỉ phố cổ mà nhiều tuyến phố của Hà Nội hiện nay đang tồn tại cảnh vỉa hè bị lấn chiếm như đường Hoàng Hoa Thám, Đội Cấn, Tô Hiệu, Hai Bà Trưng, Bà Triệu… Theo ông Nguyễn Việt Hà, Đội trưởng Đội Thanh tra giao thông quận Hoàn Kiếm thì phố Bà Triêu có vài cửa hàng kinh doanh xe đạp lấn chiếm vỉa hè, nhắc nhở nhiều nhưng đâu vẫn đóng đấy.

Chế tài cao, khó xử phạt

Có vẻ như rất nghịch lý. Nếu như trước đây, mức phạt cho hành vi lấn chiếm vỉa hè để kinh doanh buôn bán là 750 nghìn đồng/trường hợp được xem là nhẹ, không đủ sức răn đe thì nay theo Nghị định 34, mức xử phạt này tăng lên 25 triệu đồng thì các cơ quan chức năng lại kêu… khó xử phạt. Vậy thì tại sao?

Theo ông Nguyễn Việt Hà, thì kể từ khi áp dụng mức xử phạt theo Nghị định 34 đến nay, Đội TTGT Hoàn Kiếm chưa xử phạt được trường hợp nào. Lý do ông Hà đưa ra là mức xử phạt cao, người vi phạm không chấp hành nộp phạt. "Chúng tôi đã lập biên bản xử phạt 25 triệu đồng đối với người vi phạm chiếm dụng hè phố để trông giữ xe không phép tại số 54 Trần Hưng Đạo nhưng đến nay họ vẫn chưa chấp hành nộp phạt. Hoặc có trường hợp lấn chiếm vỉa hè để kinh doanh xe máy, chúng tôi cưỡng chế thu giữ hàng hoá vi phạm, với xe cũ thì người kinh doanh bỏ luôn, xe còn mới thì họ kêu chưa đủ tiền nộp phạt nên cứ mặc kệ cho mình "trông" xe hộ. Ở khu vực phố cổ, nếu xử phạt hộ kinh doanh buôn bán quần áo lấn chiếm vỉa hè, họ thường là "bỏ hàng". Nếu cưỡng chế tịch thu hàng hoá thì giá trị lại thấp, không đủ mức phạt, mà cũng không có kho để chứa hết số hàng vi phạm"- ông Hà cho biết.

Trung tá Lê Ngọc Thăng, Phó trưởng Công an phường Hàng Đào cũng cho rằng: "Khả năng nộp phạt ít vì mức phạt cao". Trong năm 2010, Công an phường Hàng Đào chưa xử phạt được trường hợp nào với mức phạt 25 triệu đồng, hiện chỉ có một vài trường hợp đang chuyển hồ sơ để Chủ tịch UBND quận ra quyết định xử phạt.

Phố Hàng Khoai không còn vỉa hè.

Làm gì để chống tình trạng gia tăng lấn chiếm hè phố như hiện nay? Theo ông Thăng, từ nay đến giáp Tết Nguyên đán, trời càng lạnh thì việc xả hàng tồn càng diễn ra phức tạp. "Từ nay đến Tết Nguyên đán, mỗi ngày Công an phường tổ chức 6 lần kiểm tra nhằm đảm bảo trật tự giao thông đô thị", ông Thăng khẳng định.

Để đảm bảo tính kiên quyết, chấp hành pháp luật, thiết nghĩ cần phải xử phạt điểm hộ kinh doanh nào tái phạm nhiều lần, có thế trật tự đô thị dịp Tết Nguyên đán mới được đảm bảo

Trần Hằng
.
.
.