Tầng hầm chung cư “cháy” dễ, "dập” khó

Thứ Năm, 03/07/2008, 08:48
Theo đánh giá của lực lượng PCCC thành phố thì việc chữa cháy tại tầng hầm rất là khó khăn bởi đây là khu vực kín, khó thoát khói. Cháy tầng hầm cũng đồng nghĩa với thiệt hại tài sản là rất lớn bởi tập trung các loại phương tiện xe máy, ôtô...
>> “Bà hỏa” hỏi thăm, nhiều ôtô bị thiêu rụi

Vụ cháy lúc rạng sáng

Rạng sáng 2/7, tại tầng hầm khu nhà A cao 17 tầng, thuộc tổ 14 thị trấn Cầu Diễn, Từ Liêm, TP Hà Nội xảy ra một vụ cháy lớn, làm náo loạn một bộ phận lớn dân cư đang cư trú tại đây.

Vì vụ cháy xảy ra vào lúc đêm khuya, tại tầng hầm dành riêng để ôtô nên mặc dù được phát hiện sớm, song khi 4 xe cứu hoả với 20 cán bộ, chiến sĩ của Công an TP Hà Nội có mặt thì khói đã bốc lên dày đặc, phải hơn 1 tiếng đồng hồ sau ngọn lửa mới được dập tắt.

Sơ bộ bước đầu cho thấy trong tổng số 34 ôtô để trong tầng hầm, ngọn lửa đã thiêu rụi hoàn toàn 3 ôtô loại 4 chỗ mang nhãn hiệu BMW, Civic và Gentra. Hơi nóng của đám cháy làm gần chục chiếc ôtô đỗ cạnh đó bong trần, hỏng gương và nhiều bộ phận khác. Cơ sở hạ tầng của toà nhà như đường ống cấp thoát nước, đường dây điện thoại, Internet ở tầng hầm bị cháy trụi. Rất may là do phát hiện kịp thời, dân cư trong toà nhà sơ tán hết nên không có thiệt hại về người.

Ông Trần Kim Ngọc, Trưởng ban quản trị lâm thời của nhà chung cư cho biết: "Khoảng 0h30, tôi đang ngủ ở tầng 13 thì ngửi thấy mùi khét liền mở cửa ra ban công kiểm tra. Thấy mùi khét bốc từ dưới lên mỗi lúc thêm nồng nặc liền gọi điện báo cho cơ quan Công an. Sau khi gọi điện xong, tôi chạy bộ xuống theo cầu thang thoát hiểm nhưng thật ngạc nhiên là hệ thống báo cháy tự động ở các tầng không hiểu sao không hoạt động.

Khi tôi xuống đến tầng trệt thì thấy 6 nhân viên bảo vệ toà nhà đang dùng bình bọt cứu hoả nhưng không thể vào bên trong tầng hầm vì khói dầy đặc nên phải đập vỡ các cửa kính để thoát khí. Khoảng 25 phút sau thì có 4 xe cứu hỏa với gần 20 cán bộ, chiến sĩ đến và gần một tiếng sau thì dập tắt được ngọn lửa".

Điều đáng nói là tuy được xử lý kịp thời song vụ hỏa hoạn đã gây tác động và làm xáo trộn rất lớn tới cuộc sống của dân cư đang sinh sống tại tòa nhà. Một số người dân cho biết, họ không hề nhận được tín hiệu từ hệ thống báo cháy tự động cũng như đội ngũ bảo vệ của toà nhà. Chỉ đến khi mọi người thấy khói bốc lên dữ dội, quẩn vào và điện bị mất mới biết có sự cố.

Trong khung cảnh điện mất, khói đen ngùn ngụt lại không có hệ thống báo động bằng loa, người dân các hộ cao tầng đã dùng đèn pin phát tín hiệu cấp cứu rồi mạnh ai người nấy chạy xuống dưới theo cầu thang thoát hiểm.

Ngay trong sáng 2/7, các lực lượng chức năng đã tiến hành khám nghiệm hiện trường, điều tra nguyên nhân và xác định con số thiệt hại cụ thể do vụ hỏa hoạn gây ra.

Cảnh báo nguy cơ cháy tầng hầm

Vụ cháy buổi sáng 2/7 là sự cố cháy đầu tiên xảy ra tại tầng hầm khu chung cư cao tầng mà theo đánh giá của lực lượng PCCC thành phố thì việc chữa cháy tại tầng hầm rất là khó khăn bởi đây là khu vực kín, việc thoát khói khó. Mặt khác, tầng hầm có mật độ chất cháy cao nhất trong toà nhà. Cháy tầng hầm cũng đồng nghĩa với thiệt hại tài sản là rất lớn bởi tập trung các loại phương tiện xe máy, ôtô...

Cháy ở tầng hầm sẽ gây thiệt hại lớn vì tập trung nhiều ôtô.

Trong điều kiện chật chội như hiện nay thì xu hướng thiết kế tầng hầm tại các toà nhà cao tầng là một tất yếu. Nếu như trước đây, một số khu chung cư hiện đại như Linh Đàm, Định Công... chưa tính đến việc thiết kế tầng hầm thì các khu chung cư xây dựng sau này như khu Trung Hoà - Nhân Chính, khu Mỹ Đình I, trụ sở các doanh nghiệp trong khu tiểu thủ công nghiệp vừa và nhỏ quận Cầu Giấy và nhiều nhà cao tầng của tư nhân xây dựng cho thuê văn phòng... đã có tầng hầm để khắc phục tình trạng thiếu chỗ đỗ xe hiện nay.

Theo tiêu chuẩn về xây dựng và PCCC thì tầng hầm có diện tích 500m2, được lắp đặt hệ thống báo cháy tự động, hệ thống chữa cháy vách tường và các bình chữa cháy tại chỗ. Trường hợp tầng hầm muốn tăng diện tích thì phải chia thành các khoang, mỗi khoang có diện tích tối đa 500m2 và bắt buộc phải lắp đặt hệ thống chữa cháy tự động. Mặt khác, thang thoát hiểm không được thông xuống tầng hầm để tránh việc cháy lan lên các tầng trên.

Theo nhận định ban đầu của lực lượng chữa cháy thì vụ cháy tại tầng hầm sáng 2/7 lẽ ra không thiệt hại nhiều như vậy nhưng do lực lượng tại chỗ quá mỏng, việc xử lý chữa cháy ban đầu lại không hiệu quả dẫn tới cháy lan.

Từ vụ cháy này, cảnh báo ban quản lý các chung cư cao tầng khác, đặc biệt những toà nhà có tầng hầm phải bố trí phân công đủ lực lượng thường trực bảo vệ toà nhà để có thể xử lý kịp thời các sự cố cháy xảy ra, nhất là vào ban đêm. Ngoài việc phát hiện sự cố cháy sớm, phải có đủ lực lượng vừa chữa cháy, vừa cứu tài sản.

Bên cạnh đó, phải kiểm tra, bảo dưỡng, bảo trì thường xuyên các phương tiện chữa cháy tại chỗ đã được trang bị, lắp đặt, thường xuyên tập luyện các phương án, tình huống giả định cháy trong chính toà nhà và hướng dẫn người dân sinh sống tại đây biết sử dụng thành thạo các phương tiện chữa cháy đã được trang bị tới từng tầng để có thể thực hiện các thao tác chữa cháy tại chỗ trước khi có lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp đến ứng cứu.

Đây là điều rất quan trọng vì các vụ cháy lớn đều do công tác chữa cháy ban đầu chưa tốt

T.Hòa - H.Vũ
.
.
.