Tăng giá cước 3G 70.000 đ/tháng, liệu có “liên kết” ngầm?

Thứ Tư, 16/10/2013, 10:08
Từ ngày 16/10, dịch vụ 3G sẽ có bảng giá mới, trong đó, gói cước tăng nhiều nhất có thể tối đa lên tới 40%. Cụ thể, gói cước 3G trọn gói của MobiFone, Viettel và Vinaphone sẽ được điều chỉnh tăng lên 70.000 đồng/tháng (giá hiện tại là 50.000 đồng/tháng).

Với 70.000 đồng/tháng, khách hàng sẽ được hưởng mức dung lượng 600MB ở tốc độ truy cập 3G chiều tải lên tối đa là 8 Mbps, chiều tải xuống 2 Mbps. Vượt quá mức dung lượng trên, tốc độ truy cập sẽ xuống mức trung bình thấp. Gói cước truy cập 3G trọn gói cho đối tượng học sinh - sinh viên cũng tăng lên mức 50.000 đồng/tháng.

Đề cập đến nguyên nhân tăng giá cước 3G, cả 3 nhà mạng và đại diện Cục Viễn thông, Bộ TT&TT đều cho rằng, cước 3G hiện đang được bán dưới giá thành của dịch vụ. Hiện các mạng di động đang phải bù chéo lợi nhuận từ dịch vụ 2G sang khoản lỗ của 3G. Do vậy, việc giá cước 3G dần dần đi lên dựa trên cơ sở giá thành là một xu hướng tất yếu bởi nếu để mức cước 3G quá thấp như hiện nay thì nhà mạng sẽ không thể tiếp tục đầu tư vào 3G nữa.

Tuy nhiên, trước thông tin giá cước 3G được nhà mạng đồng loạt điều chỉnh tăng tối đa lên 40%, đại đa số người dùng 3G đều có những xu hướng phản ứng khác nhau. Đại đa số người dùng cho rằng, việc tăng giá cước 3G mức cao nhất đến hơn 40% là chưa hợp lý vì tăng quá nhiều. Điều này chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến hàng triệu người dùng thẻ, đặc biệt là sinh viên - học sinh, đối tượng cần được tạo điều kiện để tiếp cận thông tin nhiều nhất.

Dù rằng cước 3G của Việt Nam hiện đang thấp hơn nhiều nước nhưng mức thu nhập bình quân trên đầu người của Việt Nam cũng thấp hơn nhiều nước. Do đó, khó có thể nói rằng cước 3G của Việt Nam là thấp nhất thế giới và phải tăng cước cho bằng các nước trong khu vực. Hơn nữa, không loại trừ khả năng các nhà mạng tăng cước 3G chủ yếu để bù đắp những thiệt hại khủng về doanh thu do ảnh hưởng của các dịch vụ nhắn tin, gọi điện miễn phí qua môi trường Internet (OTT) mang lại.

Bên cạnh đó, quan điểm chung của nhiều người dùng 3G Việt Nam là giá cả phải đi đôi với chất lượng, nếu giá tăng cao hơn nhưng chất lượng vẫn "xập xệ" như hiện nay thì không thể chấp nhận được. Đành rằng, cước 3G ở Việt Nam hiện rẻ hơn so với các nước trong khu vực nhưng cũng cần phải thừa nhận một thực tế là, chất lượng dịch vụ 3G ở Việt Nam cũng kém xa với các nước trong khu vực.

Do đó, việc tăng cước cần phải đi đôi với chất lượng thì mới đáng “đồng tiền, bát gạo”. Nếu tăng cước tận tới 40% mà chất lượng dịch vụ vẫn như hiện nay thì không thể chấp nhận được. Cơ quan quản lý mà ở đây là Bộ TT&TT cần có cơ chế giám sát chất lượng dịch vụ của các nhà mạng, thậm chí phải yêu cầu nhà mạng công bố chất lượng dịch vụ hàng quý, hàng tháng để đảm bảo quyền lợi chính đáng cho người dùng.

Thậm chí, trước việc 3 nhà mạng lớn nhất, chiếm gần 100% thị trường viễn thông cùng lúc tăng giá cước 3G với mức tăng giống nhau khiến nhiều chuyên gia kinh tế đặt câu hỏi, liệu đây có phải là dấu hiệu của việc “bắt tay” liên kết thỏa thuận giá dịch vụ? dấu hiệu của hành vi cạnh tranh không lành mạnh? Dấu hiệu độc quyền?...

Trên cơ sở băn khoăn đó, các chuyên gia kinh tế đưa ra đề xuất, cơ quan chức năng như Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công thương) và Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cần nhanh chóng vào cuộc điều tra để làm rõ việc các nhà mạng dựa vào cơ sở nào để tăng giá và liệu có liên kết tăng giá hay không!?

Huyền Thanh
.
.
.