Tăng cường lấy mẫu để phát hiện dịch cúm gia cầm
Tại cuộc họp của Ban chỉ đạo Phòng chống dịch bệnh trên gia súc, gia cầm do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) chủ trì (tổ chức chiều 10/2 tại Hà Nội), đại diện Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) và Cục Thú y (Bộ NN&PTNT) cho biết, nguy cơ lây nhiễm virus cúm A H7N9 từ nước ngoài vào Việt Nam là rất cao vì ở Trung Quốc đã phát hiện thêm nhiều ca nhiễm mới.
Đại diện Cục Y tế dự phòng cho biết, virus cúm H7N9 tại Trung Quốc đã được phát hiện tại những khu vực nằm ở gần biên giới với nước ta.
Còn theo ông Phạm Văn Đông, Cục trưởng Cục Thú y, trong năm 2014 Trung Quốc đã có 130 ca bị tử vong do virus H7N9. Những tháng cuối năm 2014, dịch cúm H7N9 đang bùng phát mạnh trở lại tại Trung Quốc.
Theo đại diện Viện Khoa học nông nghiệp, virus H7N9 được phát hiện trên gia cầm tuy nhiên gia cầm chỉ là vật mang virus chứ không thể hiện thành bệnh, sau đó lây lan sang người mới gây nguy hiểm.
Ngành nông nghiệp phun thuốc phòng chống dịch cúm gia cầm. |
Chủ trì cuộc họp, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám cảnh báo, dịch cúm H7N9 tại Trung Quốc đã lây lan tới gần biên giới Việt Nam, đồng thời các loại dịch cúm gia cầm khác cũng vẫn xuất hiện cục bộ, lẻ tẻ tại nhiều địa phương. Để phòng ngừa dịch hiệu quả và an toàn hơn, Thứ trưởng Vũ Văn Tám cho rằng bên cạnh hoạt động tiêm vaccince phòng ngừa thì cần tiếp tục tăng cường lấy mẫu gia cầm để chủ động phát hiện dịch. “Bằng việc lấy mẫu, chúng ta sẽ phát hiện và chỉ đạo tiêm vaccine đúng chủng loại virus hơn, tránh tình trạng như ở Hà Tĩnh xuất hiện virus type A nhưng lại tiêm vaccine type O”.
Đặc biệt, theo ông Tám, phải tăng cường kiểm soát gia cầm nhập lậu. Trong năm 2014, lượng gia cầm lậu vào nội địa đã giảm rõ rệt nhờ kiểm soát chặt, vì vậy mà tình hình dịch bệnh trên gia cầm đến thời điểm này vẫn cơ bản được kiểm soát, bà con nông dân chăn nuôi được mùa và người tiêu dùng cũng yên tâm hơn.