Hội nghị lãnh đạo cơ quan chủ quản báo chí:

Tăng cường lãnh đạo và quản lý báo chí

Thứ Ba, 07/11/2006, 09:01

Theo Trưởng ban Tư tưởng - Văn hoá Trung ương, một số cơ quan báo chí còn xa rời tôn chỉ, mục đích, chạy theo thị hiếu tầm thường, thông tin không trung thực, không chính xác, suy diễn chủ quan, một số nhà báo còn sai phạm...

Theo TTXVN, sáng 6/11, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã tổ chức Hội nghị triển khai thực hiện Thông báo kết luận số 41 TB/TW của Bộ Chính trị về một số biện pháp tăng cường lãnh đạo và quản lý báo chí cho lãnh đạo chủ quản các cơ quan báo chí trong cả nước. Đồng chí Tô Huy Rứa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương chủ trì hội nghị và trực tiếp truyền đạt nội dung cơ bản về Thông báo số 41 của Bộ Chính trị.

Ngày 11/10/2006, Bộ Chính trị ra Thông báo số 41-TB/TW về một số biện pháp tăng cường lãnh đạo và quản lý báo chí đã đánh giá tổng quát tình hình báo chí nước ta những năm gần đây, nêu định hướng phát triển trong những năm tới. Đây là một văn kiện quan trọng thể hiện sự quan tâm của Đảng đối với báo chí, cũng như các cơ quan quản lý báo chí.

Đồng chí khẳng định, báo chí là lực lượng xung kích trên mặt trận tư tưởng của Đảng ta và nêu rõ 6 thành tích mà báo chí đã đạt được: Mạnh về đội ngũ (hơn 13.000 nhà báo được cấp thẻ nhà báo), tăng về số lượng, chất lượng ấn phẩm báo chí. Phần lớn báo chí hoạt động đúng tôn chỉ, mục đích, đúng định hướng chính trị. Công chúng báo chí phát triển về số lượng, trình độ, tham gia tích cực vào quá trình truyền thông, coi báo chí là diễn đàn của nhân dân. Tăng nhanh về tài chính, đổi mới công nghệ làm báo, tạo tiền đề cho báo chí phát triển. Tham gia tích cực vào các hoạt động báo chí thế giới, khu vực, chủ động hội nhập với báo chí quốc tế. Công tác chỉ đạo, quản lý báo chí có nhiều cố gắng.

Tuy nhiên, đồng chí Tô Huy Rứa cũng nêu 6 yếu kém, khuyết điểm (gồm những sai sót có tính chất cố ý kéo dài, lặp đi, lặp lại không sửa chữa) như: Tính tích cực, sự nhạy bén chính trị, tính định hướng trên một số tờ báo, tạp chí còn hạn chế; có tình trạng xa rời tôn chỉ, mục đích, chạy theo thị hiếu tầm thường, chưa quan tâm đúng mức tới việc tuyên truyền về phát triển kinh tế - xã hội; chưa quan tâm, cổ động cái mới, gương người tốt, việc tốt; khuynh hướng tư nhân hóa báo chí; thông tin không trung thực, không chính xác, suy diễn chủ quan, một số nhà báo còn sai phạm; một số báo, đài không làm chủ thông tin; hệ thống các đài phát thanh, truyền hình không có quy hoạch, phát triển lãng phí, kém hiệu quả.

Nguyên nhân của những yếu kém này là do các cơ quan báo chí, nhà báo quán triệt chỉ thị, nghị quyết của Đảng chưa nghiêm túc; sự phân công, phối hợp của các cơ quan báo chí không rõ ràng; các cơ quan cung cấp thông tin cho báo chí còn sơ hở; công tác đào tạo, giáo dục phóng viên chưa tốt và còn chịu những tác động tiêu cực từ bên ngoài…

PV
.
.
.