Tan hoang rừng phòng hộ quốc gia Nam Cát Tiên

Thứ Ba, 02/06/2015, 06:41
Thời gian gần đây, những cánh rừng phòng hộ quốc gia Nam Cát Tiên thuộc địa phận quản lý của tỉnh Đắk Nông đang bị xâm phạm nghiêm trọng. Cây lớn thì bị lâm tặc xẻ lấy gỗ, cây nhỏ bị triệt hạ để làm nương rẫy... Trong lúc việc phá rừng đang “nóng” lên từng ngày thì cơ quan chủ quản lại cho rằng “không có chuyện phá rừng” và vẫn đang lúng túng tìm cách đối phó.

Rừng vành đai phòng hộ Nam Cát Tiên nằm trên địa bàn tỉnh Đắk Nông được trải dọc theo 4 xã Đắk Sin, Đạo Nghĩa, Nhân Đạo và Hưng Bình thuộc huyện Đắk Rlấp với diện tích hơn 14.000ha. Nơi đây không chỉ có ý nghĩa là “tuyến phòng thủ” cho vùng lõi rừng Nam Cát Tiên mà còn là diện tích rừng phòng hộ, giữ mạch nước ngầm cho hơn 40km của sông Đồng Nai.

Song thời gian gần đây, những cánh rừng này đang bị người dân xâm canh, lâm tặc tàn phá tan hoang dưới mọi hình thức, khiến cho hệ động thực vật cũng như những loài gỗ quý hiếm như căm xe, gõ, bằng lăng…bị đốn hạ và có nguy cơ bị biến mất.

Băng qua những con dốc thẳng đứng, chúng tôi có mặt tại Tiểu khu 1600. Trước mắt là những dải rừng nằm dọc hai bên con đường cấp phối phơi ra những vạt cây bị đốn đổ ngổn ngang, nhiều gốc còn ứa nhựa mới tinh. Ngay bìa rừng, những vườn cao su mới trồng cùng hàng chục ngôi nhà mọc lên vội vã vẫn còn thơm mùi gỗ mới. Một cán bộ xã Hưng Bình cho biết, khoảng 5 năm về trước, Tiểu khu 1600 có diện tích hơn 1.000ha vẫn còn là những cánh rừng bạt ngàn màu xanh.

Hàng trăm hộ dân di cư tự do vào đã chặt phá khiến nơi đây biến thành rừng nghèo kiệt. Trước tình hình trên, xã đã giao cho dân khai thác theo kiểu cộng đồng, chuyển thành rừng trồng, rừng sản xuất. Tuy nhiên, nhiều hộ dân vẫn lén lút vào vùng lõi rừng quốc gia để khai thác gỗ trái phép.

Anh N.T.M. (một lâm tặc đã giải nghệ) dẫn chúng tôi vào vùng lõi của rừng quốc gia. Trong rừng, đường đi lối lại dành cho xe công nông, xe máy (phương tiện chủ yếu để chở gỗ) chằng chịt dọc ngang. Tiếng động cơ cưa xăng, động cơ các loại xe chở gỗ và tiếng “lâm tặc” gọi nhau í ới, hệt như một đại công trường.

Tại Tiểu khu 1600, một vạt rừng cả chục héc ta bị người dân đốn hạ trước đó ít ngày đang bị đốt cháy dữ dội. Hai bên đường mòn, những cây gỗ quý có đường kính cả mét bị chặt hạ chỉ còn trơ gốc. Anh M. cho biết, diện tích trên do một số hộ dân sống gần bìa rừng đã lén vào rừng đốn hạ vào ban đêm sau đó đợi cây khô rồi đốt để lấy đất canh tác. Một số “lâm tặc” cũng tranh thủ vào rừng nhằm vào những loại gỗ quý để “khai thác”.

Một thân cây cổ thụ bị cưa đã mục nát, dấu hiệu của việc phá rừng diễn ra từ lâu.

Xâm nhập thực tế, chúng tôi nhận thấy dấu vết phá rừng mới cũng có và phá từ lâu cũng có. Điều này chứng tỏ rằng, rừng nơi đây đã bị tàn phá trong một quá trình dài chứ không chỉ diễn ra ở một vài thời điểm. Tại những cánh rừng mà chúng tôi thâm nhập, rất khó để bắt gặp những cây gỗ lớn hay quý hiếm, mật độ che phủ cũng rất thưa thớt. Nếu còn sót lại những cây gỗ lớn, gỗ tốt thì cũng đã bị “lâm tặc” đánh dấu sẵn và chờ ngày “khai tử”...

Dọc theo tuyến vành đai rừng phòng hộ Nam Cát Tiên ở Đắk Nông có tới 4 trạm gác của lực lượng kiểm lâm và 8 chốt tuần tra của Ban quản lý rừng phòng hộ. Tuy nhiên, ở các trạm này chẳng mấy khi có cán bộ túc trực, khiến cho gỗ “lậu” vẫn dễ dàng lọt qua và tình trạng phá rừng làm nương rẫy ngày càng gia tăng. Chính sự buông lỏng quản lý của lực lượng chức năng ở đây chưa nghiêm, chưa chắc đã vô tình “tiếp tay” cho lâm tặc mặc sức hoành hành.

Anh M. cho chúng tôi biết thêm, ở đây các đối tượng thường tổ chức hẳn một đường dây khá chuyên nghiệp để khai thác, vận chuyển gỗ trái phép. Thậm chí hiện nay trên địa bàn các xã còn xuất hiện những đường dây chuyên bảo kê, móc nối, tổ chức đưa người đi khai thác và tiêu thụ gỗ trái phép tại khu vực vùng rừng đệm Nam Cát Tiên. Họ dùng bộ đàm, điện thoại di động để thông báo cho nhau khi phát hiện lực lượng bảo vệ rừng. Việc phá rừng thường được tổ chức vào ban đêm. Khi gặp lực lượng chức năng những đối tượng này sẵn sàng chống trả, thậm chí tấn công vào cả trụ sở kiểm lâm để cướp lại gỗ.

Một cán bộ Ban quản lý rừng phòng hộ Nam Cát Tiên lý giải: anh em thức đêm thức hôm bắt “lâm tặc” giữa trời mưa gió nhưng về đến Ban quản lý, lâm tặc lại được thả ra làm cho anh em rất nản(!). Nhiều vụ Công an, Kiểm lâm phát hiện, triệt phá nhưng không thể xử lý được vì “lâm tặc” thành lập hẳn cả một “tập đoàn” để cùng nhau phá rừng.

Thực trạng phá rừng phòng hộ ở Nam Cát Tiên đang là hồi chuông báo động. Liệu với sự phản ứng yếu ớt và có chiều hướng buông xuôi của chính quyền và các cơ quan chức năng, những cánh rừng phòng hộ ở đây có thể tồn tại được bao lâu? Câu hỏi này chúng tôi xin nhường lại cho những người có trách nhiệm.

Còn ông Nguyễn Ngọc Xuân, Giám đốc Ban quản lý rừng phòng hộ Nam Cát Tiên lại cho rằng, thời gian qua, công tác quản lý, bảo vệ rừng phòng hộ Nam Cát Tiên được thực hiện rất nghiêm ngặt. Những vụ phá rừng mà người dân… hoang báo chỉ là do các đối tượng xấu loan tin bịa đặt. Tuy nhiên, khi được chúng tôi hỏi đã bao giờ đi kiểm tra thực tế trong rừng hay chưa thì ông Xuân chống chế: “Bản thân tôi chỉ thực hiện kiểm tra hoạt động của các trạm quản lý bảo vệ rừng chứ còn việc đi vào rừng thì chưa có thời gian và điều kiện” (?).

Văn Thành
.
.
.