"Tắm tiên" nơi hồ hoang

Thứ Sáu, 16/03/2007, 09:30

Khi mặt trời chưa tắt nắng, tại bãi Tràm, người thì trên xe, kẻ thì dưới đất, có những cặp còn trải cả áo mưa nằm dài ra đất với những cảnh tình tứ nóng ran cả mặt. Dưới hồ thì có những đôi nam nữ đang tắm giặt vui đùa với nhau, trên người không một mảnh vải.

Làng đại học (ĐH) Thủ Đức từ lâu vốn được xem là một trong những nơi quy tụ và tập trung một lượng nhân tài, nhân lực từ khắp nơi trên mọi miền đất nước. Thế nên, trong những năm qua, luôn tồn tại nhiều chuyện bi hài thú vị, những cuộc tình lãng mạn và không ít cái chết thương tâm lẽ ra chỉ có trong tiểu thuyết.

"Cõi thiên thai" của sinh viên

Ngay từ đầu giờ chiều, lác đác những cặp SV "tình nhân" đã hú hí lượn lờ trên những con đường. Không một nơi nào lãng mạn và thơ mộng hơn những khu hồ hoang vốn đã được xem là điểm đến của những mối tình vụt cháy. Không được thiên nhiên ưu đãi, những hồ nước sâu đã hình thành bởi bàn tay con người do các công ty khai thác đá bỏ lại.

Nước mưa, những mạch nước ngầm đọng lại tạo thành những bờ hồ với cảnh quan thật sự lãng mạn. Có thể kể đến như khu hồ đá 621, khu bãi Tràm… Cứ độ khoảng 3h chiều trở đi, những cặp tình nhân SV lại dắt díu nhau ra những nơi này tâm sự.

Theo SV Bùi Quốc Bảo, năm nhất Trường Bách Khoa cho biết: "Đến với những nơi này, ngoài cảnh vật tuyệt đẹp và phong cảnh lãng mạn mà con người tạo ra thì sự yên lặng, nơi người dân ít lui tới đã thật sự lý tưởng cũng là tâm điểm của giới SV tụi em lui tới".

Thị sát một vòng những nơi được "lưu truyền" là nổi tiếng, khi mặt trời chưa tắt nắng, có thể đếm được hơn năm mươi cặp đáp tại bãi Tràm, đậu xe cách nhau chỉ vài mét dọc sát mé hồ ôm ấp nhau tâm sự. Người thì trên xe, kẻ thì dưới đất, có những cặp còn trải cả áo mưa nằm dài ra đất với những cảnh tình tứ nóng ran cả mặt, ngay giữa thanh thiên bạch nhật.

Cụ ông Hai Đế, chăn dê ở khu vực này đã lâu, khi làng ĐH còn chưa di dời về khu này tâm sự: "Từ lúc làng ĐH đến vùng này, từ sáng đến mờ tối, có khi đến mãi tận đêm khuya, bọn trẻ cứ dập dìu dẫn dắt ra khu đất này để yêu đương…".

Cách đó không xa là hồ nước 621, nước trong vắt, xanh biếc. Những cô cậu SV sau khi tắm mát, chở nhau vào sâu phía trong để cùng "hành sự" giữa sự chứng giám của trời đất, nơi không dành cho những người vãng lai qua lại.

Theo chỉ dẫn của ông lão chăn dê, từ xa có thể thấy một nhóm SV, có cả nam lẫn nữ đang tắm giặt vui đùa với nhau dưới hồ, trên người không một mảnh vải. Với cách gọi của SV thì đây là cảnh "tắm tiên", thường xuyên diễn ra vào mỗi buổi chiều tà.

Cảnh báo từ những cái chết

Hồ ông Năm Cảnh, sâu trên 7 thước, Hầm Vũng Tàu 2 chết trên 24 người. Theo những người dân nơi đây, vào ngày Rằm trong năm, người Hoa thường đến khu vực này để phóng sinh cá. Có thể kể đến hồ ông Năm Cảnh được con cháu người chết nhớ đến nhiều nhất cũng bởi có những cái chết được xem là kỳ bí và lãng mạn.

Chính quyền địa phương đã dùng mọi biện pháp để ngăn chặn, quá 23 giờ đêm là xuất hiện những lực lượng "dân quân tự vệ" đuổi về. Đây cũng là thời gian mà những tên trộm cướp hoạt động mạnh tại khu vực hồ. Hồ 621 cũng đã để lại những cái chết về những cuộc tình được người dân thêu dệt như tiểu thuyết. Có những cặp tình nhân tự vẫn, nhảy xuống hồ. Được người dân vớt xác lên, hai cái xác vẫn còn ôm chặt lấy nhau.

Cách đây 2 năm, tại hầm ông Tư Núp, cũng đã để lại những câu chuyện mang nhiều dấu ấn. Một cô gái, giận người bạn trai chỉ vì anh ta có quá nhiều bồ nên bèn nhảy xuống hồ dọa tự tử để dằn mặt, những người dân gần đó thấy vậy, chạy đến cứu nhưng không thể nào tìm được.

Lực lượng Công an huyện Dĩ An đã tìm mọi biện pháp để ngăn chặn, thuê bảo vệ khu ĐH Quốc gia để đảm bảo tình hình an ninh trật tự tại những khu vực hồ, thấy tắm là phải đuổi lên. Thậm chí còn phạt nặng nếu xã nào để xảy ra những cái chết trong khu vực hồ, để xảy ra một người chết phạt từ 5 đến 8 triệu đồng, bất kể như thế nào.

Mặc dù chính quyền địa phương đã tìm mọi biện pháp ngăn chặn, tuy nhiên vẫn còn có những cô cậu SV coi thường mạng sống của mình. Những SV cũng như mọi người nên nhận thức đúng đắn để bảo vệ mạng sống của mình khi đến đây với ý định tắm tiên và với thuần phong mĩ tục của người Việt Nam, cảnh tắm tiên này cần phải được ngăn chặn

Đỗ Hưng
.
.
.